Năm 2006, cuốn phim The Lives Of Others của Đức đã gây tiếng vang trong nền điện ảnh thế giới. Nó dựa trên một câu chuyện có thực, theo lời nhà sản xuất, nói về sự kềm kẹp và theo dõi của nhà nước Cộng sản Đông Đức đối với các công dân của mình. Wiesler, một sĩ quan công an rất trung thành và tận tụy với chế độ, được giao nhiệm vụ theo dõi một nhà soạn kịch tên Dreyman. Wiesler còn là một giáo sư đại học an ninh chuyên dạy về môn thẩm vấn nghi can. Một hôm, Wiesler phát hiện Dreyman đang âm mưu viết một báo cáo về những mặt tiêu cực của xã hội Đông Đức (mà chế độ muốn giấu giếm) để đăng báo ở Tây Đức. Wiesler vội chạy đến gặp thủ trưởng để báo cáo. Tay thủ trưởng, tên Grubitz, lúc ấy đang cao hứng về một bản luận án tiến sĩ mà một sinh viên đệ trình.

Poster phimThe Lives of Others
Grubitz cũng là giáo sư đại học an ninh. Bản luận án nghiên cứu về các phương pháp trừng trị những kẻ chống chế độ. Grubitz khen bản luận án hết lời và chỉ ra một điểm nổi bật liên quan đến những người như Dreyman. Grubitz nói với Wiesler rằng những người thuộc loại (văn nghệ sĩ) như Dreyman không nên đem ra tòa xử vì đấy chính là điều họ muốn. Ngược lại, phải nhốt họ trong phòng kín, tách biệt với thế giới bên ngoài một thời gian rồi thả ra. Chắc chắn sau đó những người này sẽ “câm như hến” và không bao giờ có thể cho ra đời một tác phẩm nào nữa. Làm như vậy vừa hiệu quả vừa khỏi mang tiếng là đàn áp văn nghệ sĩ. Nghe vậy thì Wiesler đâm… bàng hoàng và hối hận. Cho nên thay vì báo cáo về âm mưu của Dreyman thì Wiesler yêu cầu đóng hồ sơ theo dõi Dreyman hoặc nếu tiếp tục theo dõi thì nên theo dõi… ngoài đường chứ không phải đặt máy nghe lén trong nhà như lâu nay. Sau này, Wiesley còn kín đáo che chở Dreyman thoát khỏi bàn tay của công an Đông Đức một lần nữa khi Dreyman bị người bạn gái tố cáo.
Thông thường, muốn “cải tạo” người xấu thành tốt thì cho họ làm những việc tốt nhỏ để dần dần thay đổi tâm tính. Chứ giao việc tốt quá… lớn thì không dễ gì họ chịu làm. Ngược lại, có khi bắt người xấu làm một việc vô cùng… xấu, vượt quá sự cho phép của lương tâm thì họ bỗng trở nên tốt. Chính cái việc quá xấu đã đánh thức lương tâm của họ và lái họ trở về với lương tri. Một số lính biên phòng của Đông Đức canh giữ bức tường Berlin đã có sự thức tỉnh như thế. Sau khi bức tường này bị phá sập, nhà nước Đức đã dựng lên ở đấy một bảo tàng tưởng niệm những công dân Đông Đức đã bị lính biên phòng bắn chết khi họ muốn trèo qua tường trốn sang Tây Đức. Nhiều du khách ngạc nhiên khi thấy trong danh sách tưởng niệm có cả tên của mấy chục lính biên phòng. Lý do là những người lính này, khi bị chỉ huy của họ ép bắn đồng bào mình, đã quay súng tự sát. Bức tường Berlin là bộ mặt của chế độ Đông Đức. Càng nhiều người trốn qua bức tường này, chế độ càng mất mặt. Cho nên chế độ lo o bế bức tường này lắm. Những người lính được chọn canh giữ nếu không thuộc thành phần “cán bộ cốt cán” thì cũng “ba đời đi giữ… cừu”. Nói chung họ là những người đã được chế độ kiểm tra, thử thách từ trước để sẵn sàng bắn bất cứ ai dám trèo qua bức tường.
Một phụ nữ ở thành phố San Diego (tiểu bang California) cũng đã “giác ngộ” theo cách tương tự như thế và thành… tù nhân. Hôm 28 Tháng Giêng vừa qua, bà bị kết án ít nhất 15 năm tù vì tội giết con. Patricia Corby có đứa con trai 4 tuổi bị bệnh tự kỷ. Chồng bà lo đi làm để bà ở nhà chăm sóc con. Hai vợ chồng đang nợ đến 70 ngàn Mỹ kim tiền trị bệnh tự kỷ cho đứa bé. Lâu ngày bà cảm thấy đứa con trở thành gánh nặng đời mình. Bà chán nản rồi tuyệt vọng. Bà quyết định dựng cảnh con mình tắm trong bồn và bị chết đuối. Đợi chồng đi làm, bà bế con vào bồn tắm rồi nhận nước. Đến khi thấy con mình chết thì bà hối hận đến nỗi cuồng trí nhảy vào bồn tắm để… tự tử luôn. Chết không được, bà bừng tỉnh rồi ôm con cuốn trong mền và bồng ra xe chạy đến một đồn cảnh sát để đầu thú. Hôm xử án, chồng bà nguyền rủa với những lời thậm tệ nhất. Những người bà con (bên nội) cũng dùng những lời chua cay nói với bà. Bà ngồi cúi gằm mặt, không dám nhìn ai. Có thể, người đau khổ nhất trong phòng xử án lúc ấy chính là bà. Thường phụ nữ trở thành mẹ ngay giây phút sinh con mình ra. Riêng Patricia Corby, chỉ trở thành mẹ khi vừa giết con mình.
Con bà, khi còn sống, đã không có mẹ… đúng nghĩa. Khi chết rồi cậu mới có được người mẹ thật sự. Người ta, dù không còn sống nữa, vẫn cần một người mẹ. Có lẽ đấy chính là món quà của Thượng Đế muốn tặng cậu khi ra đi.