Menu Close

Mùa Xuân nhớ “xuân ca” của Phạm Duy

Phạm Duy vừa từ giã thế giới này ra đi. Như thế là sau Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn, TrầmTử Thiêng, Nguyễn Đức Quang… chúng ta vừa mất thêm một nhạc sĩ lớn của thời đại. Giờ phút này, trong lúc xuân về với không khí ấm cúng trong mỗi gia đình, chúng ta tạm quên đi những điều dị biệt, bất ưng hoặc hờn giận để tưởng niệm những người đã khuất và ngợi ca những giây phút sum vầy hiếm hoi trong đời sống.

Riêng người viết, trong khung cảnh đầm ấm của mùa xuân, không thể nào không nhớ đến ca khúc Xuân Ca của Phạm Duy. Điều này, gần như đã thành thông lệ hàng năm đối với Nguyễn tôi.

Thật vậy, từ những ngày còn nhỏ, sống dưới gối mẹ cha, mỗi lúc xuân về lại nghe vang lên câu hát:

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui 
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về.
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chang lòng mẹ

Ôi, sao đầm ấm yêu thương đến thế. Có lẽ trong mỗi người chúng ta đều có chút hình ảnh và tâm tình như thế. Nó rất đỗi thân ái, gần gũi, mà lỡ đã qua đi rồi lòng xiết bao bồi hồi tưởng nhớ. Vâng, nhớ lại ấu thời ở Vương Phủ Vỹ Dạ, Xuân về Tết đến vui ơi là vui. Đêm xuân được thức canh nồi bánh tét. Bên ánh lửa bập bùng, nồi nước sôi từng chặp, trong khi bên ngoài bờ tre gió lạnh xào xạc. Hồi đó, đại gia đình của Nguyễn xúm xít quanh nhau, Tết đến là có làm heo và thế nào rồi Chú Từ cũng cho Nguyễn cái bong bóng và đuôi lợn. Ôi, sướng thiệt là sướng. Mùng một Tết mấy anh chị em mặc quần áo mới vào lễ cúng ông bà rồi chúc Tết cha mẹ, nhận tiền lì xì trong những phong bao màu đỏ tươi thắm. Sau đó ăn bữa ăn đầu năm cùng gia đình – có bánh tét, dưa món, thịt kho tàu, cá thu kho, dưa cải chua và bánh mứt. Cá kho, dưa món, bánh mứt mẹ làm không chê vào đâu được. Sau này hiền nội cũng làm được như thế. Ăn xong lại được cha mẹ cho đi lễ chùa Ba La, rồi đi chơi tha hồ với tiếng pháo đì đùng trong xóm và những sòng lô tô, bầu cua cá cọp. Lại có con bé Thỏ bên cạnh nữa nên vui biết chừng nào. Như thế đó, ngày vui với bao rộn ràng qua rất nhanh. Chiều về, đêm xuống, vui trong gia đình. Ngày mùng hai, mùng ba, niềm vui nhạt bớt nhưng vẫn còn đủ sức hấp dẫn những tâm hồn non nớt.

Những năm tháng ở Vương Phủ của Nguyễn, nhất là vào độ Tết, phải nói là những năm tháng hạnh phúc của đời người. Nhà tuy nghèo nhưng không thiếu tiếng cười và tình yêu thương. Sau này vào Sài Gòn trọ học rồi đi dạy kiếm sống đâu còn được vui như xưa nữa. Tới khi gặp hiền nội rồi lập gia đình với nhau, có con có cái thì niềm vui sum họp mới trở lại. Tới đây ta sang một ca từ khác của bài Xuân Ca của Phạm Duy:

Xuân tôi sang bến yêu tôi tìm gió trăng
Tình Xuân là Xuân có khi mừng vơi có khi sầu đầy
Xuân yêu đương muốn căng lên nhựa sống ngon
Tìm em gặp em đón Xuân nghìn năm bão Xuân ngập lòng

Những năm tháng thanh xuân ấy, bên vợ con, ở Đà Lạt và Sài Gòn vẫn vui vẫn đẹp. Nhưng rồi chiến tranh, rồi chia cách và những mất mát tiếp theo, khiến cho cuộc sum vầy trong ba ngày Tết thiếu vắng đi sự toàn vẹn. Niềm vui vẫn có đó nhưng có lẫn tiếng thở dài. Người đi xa chưa về, người ngủ yên dưới lòng đất. Tới lúc này, cha mẹ không còn nữa, anh chị em nhiều người vắng mặt. Chỉ có vợ chồng con cái vui xuân trong niềm tưởng nhớ khi nhìn lên những tấm ảnh trên bàn thờ và khói nhang nhẹ tỏa. Thôi đành vậy. Trong bài Ánh Trăng, ở đoạn kết thúc sau khi vầng trăng đã đi qua gần khắp mọi miền nhân gian, đi qua những cuộc đời và các nền văn minh của nhân loại, qua chiến tranh và đổ vỡ… tôi đã viết và tự nhủ lòng nước mắt ơi đừng rơi:

… nhưng thôi. nhân loại vui vầy cả
yêu cuộc đời. trong lẽ bất toàn
chút nghĩa thủy chung. ta giữ vẹn
lòng ơi. trải rộng gió nhân gian

Yêu cuộc đời trong lẽ bất toàn… Phải vậy thôi. Tới bây giờ, ở Mỹ, hiền thê cũng không còn, chỉ còn con cháu thưa thớt chung quanh. Có tiếng cười nào vỡ trong đêm trừ tịch này, trong ngôi nhà nhỏ ở Garland?
Quả thật, qua nhiều đau khổ,  chia ly, oan khốc, sự sum vầy càng hiếm và quý hơn. Vượt qua khổ hải có lẽ ta nên nhìn nhau (chỉ nhìn lại nhau thôi, không nhìn tha nhân – chúng nó là địa ngục) trong cái nhìn yêu thương, nhân bản và tha thứ như trong bài Xuân Ca của Phạm Duy:   


Xuân bên nhau, nắm tay ta cùng bước đi
Nhìn nhau bằng con mắt thương, mừng vui có nhau từng ngày
Xuân trong ta đã theo xuân về bốn phương
Thì xin cùng nhau thứ tha, nhìn nhau thấy nhau tận tường.
 
Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần.

alt

TN