Một giai đoạn định hình
Ba mươi tám năm. Một khoảng thời gian khá ngắn ngủi. Nhưng cũng gần một nửa đời người.
Suốt ba mươi tám năm qua, thế giới đã biến đổi không ngừng, đi đến những tiến bộ, nhận thức, và xu hướng mới. Thiên niên kỷ thứ ba mở ra, đưa nhân loại vào một kỷ nguyên nhiều hứa hẹn và thách đố.
Trong gần bốn thập niên ấy, cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đã trải qua nhiều biến đổi lớn lao trên bình diện toàn cầu. Từ những tâm hồn lưu vong, những trái tim ly hương, những cơ thể quặn đau vì khói lửa và sinh ly tử biệt, người Việt tỵ nạn đã đứng lên, đến với nhau, xây dựng những mái ấm cho chính mình và người thân còn ở quê nhà.

Cộng đoàn Công Giáo Thánh Gia tại Berlin, tĩnh tâm tuần Tam Nhật Thánh, Tháng 3, 2008
Sau nhiều giao thoa với nhau và với thế giới đại đồng, người Việt hải ngoại đã hiểu rõ chính mình hơn, và khẳng định được chỗ đứng của mình trong cộng đồng thế giới. Một khi giải mã được những thử thách hệ tại, cộng đồng hải ngoại lại tự đặt ra cho mình những mục tiêu mới, những thử thách mới, những ước mơ mới.
Khi người Việt tỵ nạn vừa đặt chân đến những miền đất tự do, họ thèm gặp nhau, thèm nước mắm, thèm không khí gia đình, thèm hương vị quê nhà. Hôm nay, những khao khát mong ước ban đầu ấy đã được no thỏa, cho phép người Việt hải ngoại mang những gì mình có để thi thố với đời, với người.
Tại Little Saigon, chúng ta đã chứng kiến sự tự toại của cộng đồng Việt trong nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Khi thị trường địa ốc đã băng hoại trên toàn quốc, thì nhà cửa trong vùng vẫn bán chạy như tôm tươi. Khi biết bao tòa báo lớn của Mỹ đã phải đóng cửa trong năm vừa qua, thì sinh hoạt báo chí ở Little Saigon vẫn mạnh mẽ, dồi dào, thậm chí còn có thêm những dấn bước mới.
Sự tự toại ấy được đặt nền tảng trên kinh nghiệm và tự nhận định, và những dấn bước mới làm đẹp hơn ngôi nhà Việt Nam ở xứ người. Không có gì đẹp hơn những giấc mơ và hoài bão của một đời người, một dân tộc. Chính những giấc mơ nhỏ làm thành vườn hoa chung, để thế giới Việt hải ngoại nở rực trong ngàn năm thứ ba này.
Giao dung
Trong giới hạn của bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến một chiều kích nổi bật của kinh nghiệm ba mươi tám năm Việt ngoại biên: những tương tác trong và với cộng đồng chúng ta. Xin được tập trung vào ba mảng chính: giao dung giữa các thế hệ Việt, giao dung với các văn hóa địa phương và thế giới, và giao dung với quá khứ và tương lai trong những ước mơ và nỗ lực.
Một thập niên trước, trong một buổi nói chuyện tại Little Saigon, tôi có trình bày những nhận định của mình về “bài toán thế hệ: X#X1.” Thế hệ X hội với thế hệ X1: đâu là những tương đồng, đâu là những dị biệt, và hệ quả là gì? Điều gì xảy ra khi thế hệ di dân tỵ nạn đối diện với các thế hệ sinh trưởng ở hải ngoại? Sự cọ xát thế hệ có phải là ngõ cụt, hay là điều kiện cần cho một cộng đồng phát triển và thăng hoa?
Tôi cho rằng cộng đồng Việt hải ngoại rất may mắn ở chỗ chúng ta định hình vào một giai đoạn mà thế giới đại đồng bắt đầu có những xu hướng cởi mở hơn về sự bình đẳng văn hóa và sắc tộc. Nếu chỉ nhìn vào Hoa Kỳ, sự chèn ép văn hóa thiểu số vốn rất mạnh trong chỉ vài thập niên trước đó. Khi người Việt chúng ta đến tỵ nạn từ năm 1975 ở các nước trên thế giới, chúng ta có điều kiện để giữ gìn và duy trì văn hóa gốc, và qua đó, có hoàn cảnh thích hợp để nối kết các thế hệ với nhau.
Sự gắn bó giữa các thế hệ không đến một cách dễ dàng, nhưng được bồi thố bằng sự kiên định và thương yêu của ông bà cha mẹ. Trong thế giới Việt hải ngoại, tuổi trẻ có được một cơ hội vàng son. Họ có được sự hướng dẫn từ gia đình và cộng đồng, nhưng vẫn có đủ tự do để chọn lựa lý tưởng của mình khi sống trong một xã hội thiên về tự do cá nhân. Tuy luân chuyển giữa hai văn hóa và hai xã hội (gia đình/sắc tộc và chủ lưu) là một bài toán rất khó, thế hệ cha mẹ cùng với tuổi trẻ Việt ngoại biên đã tìm được nhiều câu giải đáp rất thỏa đáng khác nhau.
Thứ hai, tôi xin nói về sự giao dung của văn hóa Việt hải ngoại với các văn hóa bạn. Xin được nói rõ rằng văn hóa Việt hải ngoại là một tập hợp các yếu tố văn hóa, tuy bắt nguồn từ văn hóa Việt nói chung, nhưng lại rất khác với văn hóa Việt trong nước, ngay cả trước đây và hiện nay. Đó là vì nền văn hóa Việt hải ngoại này được hình thành trên những nền tảng giá trị của văn hóa Việt trong nước ở thời điểm trước 1975, nhưng đã biến đổi tùy theo hoàn cảnh địa phương ở mỗi nơi.
Như tục ngữ Việt Nam đã nhận xét, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài,” văn hóa Việt hải ngoại là sự biến thiên của nền văn hóa Việt sau những giao thoa với thế giới bên ngoài. Khi gặp gỡ các nền văn hóa bạn, văn hóa Việt hải ngoại thu nhận những giá trị tương ứng và thích hợp, và làm giàu cho cánh đồng văn hóa của mình. Chúng ta đã rất thành công trong việc dung hợp nền văn hóa mẹ đẻ với các văn hóa đồng diện trong xã hội Hoa Kỳ, hay với các nền văn hóa khác trên thế giới.
Thứ ba, tôi xin đưa ra vài suy nghĩ về sự giao thoa với quá khứ và tương lai qua những giấc mơ và nỗ lực. Hiện tại không là một khoảnh khắc độc lập, nhưng nằm trên trục độ của quá khứ và tương lai. Trong nhân sinh quan Việt Nam, người quá cố vẫn luôn còn đó với chúng ta, và lòng biết ơn tiền nhân thể hiện rõ tư duy này. Chúng ta biết rằng khi đến được bến đỗ của hôm nay, chúng ta phải cám ơn những người đã đứng mũi chịu sào giúp chúng ta vượt sóng cả về đến nơi an toàn.
Trên nền móng của một quá khứ gian nan, Little Saigon của hôm nay vẫn luôn đổi mới, phát triển, phất phới những giấc mơ, trập trùng những cố gắng. Tôi vẫn nói đùa với bạn bè rằng nếu đi xa ‘quê’ lâu ngày, tôi sẽ dễ bị lạc khi ra khu Bolsa vì những thay đổi hằng ngày ở quê tôi. Tôi tin rằng điều này cũng đúng trong nhiều cách đối với các địa phương khác trong thế giới Việt hải ngoại. Thời gian không đứng yên, và trong thế giới Việt hải ngoại, thời gian là những vector đa chiều.
Vững trụ
Một thế giới Việt hải ngoại mới đã ló dạng trong năm 2013 – một thế giới độc lập, tự tin, trưởng thành, và phong phú. Người Việt tỵ nạn đã diễn đạt tâm trạng lưu vong và tha phương trong hai thập niên đầu sau 1975, xác định rõ cho các thế hệ mai hậu và với thế giới lý do tại sao họ đã dứt áo thắt ruột ra đi. Và ba mươi tám năm sau ngày biệt xứ, khối người Việt hải ngoại đã an cư lạc nghiệp ở nhiều nơi, kết tổ xây đời ở mọi nẻo đường thế giới.
Thật vậy, cho dù ở nơi nào trên quả địa cầu, người Việt tha hương cũng kiến tạo cho mình một quê hương thứ hai, chấp nhận và đối diện với những khó khăn ban đầu. Rất nhiều cộng đồng đã sống đúng châm ngôn “Nhập gia tùy tục,” để hài hòa vào nếp sống địa phương, tuy vẫn duy trì những cốt lõi của niềm tin hay văn hóa.
Tôi có dịp đến hầu chuyện với Sư cô Thích Nữ Đàm Phương trong thời gian lưu lại Bruxelles, Vương quốc Bỉ, vào Tháng Bảy, 2005. Tôi đã rất khâm phục sự chịu thương chịu khó của Sư cô trong suốt những năm dài xây dựng chùa. Sư cô kể rằng vì khi ấy chưa có phương tiện tài chánh, mà hoàn cảnh của các Phật tử cũng còn khó khăn, nên Sư cô đã kiên tâm cố gắng mỗi ngày thức khuya dậy sớm để tự mình lau dọn và xây chùa. Sư cô đã tự tay lót từng viên gạch, sơn từng bức tường, đảm đang từ việc lớn đến việc nhỏ.
Không chỉ vậy, để khuyến khích Phật tử tu hành, Sư cô còn tự tay nấu các món chay để tạo điều kiện cho mọi người hưởng dùng. Trong suốt buổi phỏng vấn nhiều tiếng đồng hồ, lời nói của Sư cô luôn ươm đầy lòng vị tha, yêu thương, quãng đại. Tấm lòng Bồ Tát của Sư cô hiển hiện không chỉ qua hành động và lời nói, mà qua chính lý tưởng sống của Sư cô. Tuy khiêm nhường tự cho rằng mình còn phải cố gắng nhiều trên đường tu, Sư cô lại không thể giấu ánh đạo vàng phát ra từ cái Tâm rất thanh tịnh và từ bi của mình.
Có những ngày mùa Đông, nhà cửa thô sơ, lại không có máy sưởi, nên ngay cả nước trong nhà cũng đóng băng, tay của Sư cô bị tê cứng, chảy máu. Có hôm Sư cô kiệt sức, ngất đi. Nhưng cho dù trăm nguy nghìn khó, Sư cô vẫn một tâm một chí gây dựng nên một cửa Phật khang trang để đạo hữu có nơi thờ phượng.
Khi viếng thăm Chánh điện uy nghiêm, sáng ngời, tôi nghĩ đến rất nhiều những Sư cô Đàm Phương khác ở khắp nơi trên thế giới Việt hải ngoại. Tôi nghĩ đến những ngôi chùa, những thánh đường, những trung tâm văn hóa mà những tấm lòng và ý chí như Sư cô đã kiên trì kiến tạo nên. Tôi nghĩ đến một quê hương Việt Nam ở bên ngoài lãnh thổ địa lý Việt Nam, đang hòa mình vào dòng chảy và bản đồ thế giới. Xin cám ơn Sư cô đã không chỉ xây chùa, mà còn xây tình đồng bào, nghĩa nhân loại.
Tôi rất kính ngưỡng những tâm hồn nhân ái và cuộc đời dấn thân trong mọi thời đại. Tôi cho rằng tất cả những ai theo đuổi một lý tưởng phục vụ tha nhân và xã hội đều phải chịu thiệt thòi. Thiệt thòi ở nhiều mặt: họ phải hy sinh công sức cho việc chung, dốc hết tâm huyết vì một lý tưởng, đóng góp tài lực và tận hiến khả năng cho cộng đồng.
Nhưng cái thiệt thòi của họ chính là nền tảng của sự thăng tiến xã hội và nhân loại ở mọi nơi và mọi lúc. Ở năm 2013 này, người Việt hải ngoại chúng ta có quyền hãnh diện vì có rất nhiều thành viên trong các cộng đồng của chúng ta đã xả thân dành trọn lý tưởng đời mình để mưu cầu công ích. Và sự hãnh diện đó chắc chắn sẽ đi kèm với lòng tri ân vô bờ đối với những cuộc đời đã mang lại tất cả những gì chúng ta có được ngày hôm nay ở quê hương ngoại biên này – ở những quê hương ngoài quê hương.

Tác giả, ni cô Đàm Phương và Nữ tu Phạm Thị Nhiệm tại ngôi Chùa Việt Nam ở Bruxelles, thủ đô của Bỉ quốc, Tháng 7, 2005