Năm nay rất quan trọng trong quá trình thực thi đạo luật cải cách y tế (Patient Protection and Affordable Care Act hay PPACA, còn có tên gọi ngắn gọn là ObamaCare). Đây là bộ luật liên bang về y tế lớn nhất kể từ khi Quốc Hội Hoa Kỳ thiết lập hệ thống Medicare và Medicaid năm 1965. ObamaCare tham vọng giảm số người thiếu bảo hiểm y tế, cùng lúc hạ phí tổn chăm sóc sức khoẻ ở Mỹ. Với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, từ đầu năm 2014, đa phần những người lâu nay không có bảo hiểm y tế, sẽ được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khoẻ dưới sự bảo trợ của liên bang.

PPACA được TT Barack Obama ký thành luật ngày 23-3-2010.
ObamaCare là bộ luật đồ sộ và phức tạp, chỉ riêng bản văn luật gốc đã dài hơn 2,700 trang, chưa kể vô số quy định, phân tách, ứng dụng dưới luật. Nhằm thông tin đến độc giả về ObamaCare, Trẻ bắt đầu giới thiệu loạt bài về đạo luật này. Cấu trúc bài vở cùng tài liệu, chúng tôi chánh yếu tham khảo trang HealthCare.gov, website chánh thức của Bộ Y Tế và Nhân Sinh Hoa Kỳ (US Dept. of Health and Human Services) — là cơ quan liên bang trực tiếp trách nhiệm khai triển “ObamaCare” trên toàn quốc. Ngoài ra, Trẻ còn sử dụng các dữ kiện của trung tâm dành cho người tiêu thụ tại trang cciio.cms.gov, một cơ quan chánh phủ liên bang khác; cũng như trang http://topics.wsj.com/subject/H/health-reform/1662 với nhiều thông tin bình luận của nhật báo uy tín The Wall Street Journal; và trang HealthReformGPS.org với nhiều cập nhật, giải trình về ObamaCare của Đại Học George Washington University.
Một trong những vấn nạn nhức nhối đưa đến việc tạo luật bảo hiểm y tế là tốn kém khủng khiếp, trong khi hằng chục triệu người Mỹ vẫn không có bảo hiểm y tế. Hoa Kỳ là cường quốc có kỹ nghệ y tế giàu tiềm lực nhất. Trong số 18 công ty lớn nhất của thành phố New York, hết 8 là các nhà thương. Nhưng tốn kém lại vô phương kiểm soát. Chi phí thay xương hông và xương đầu gối cho bịnh nhân mỗi năm cao hơn doanh số của cả kỹ nghệ phim ảnh Hollywood. Mỗi năm, nước Mỹ chi cho y tế số tiền cao hơn 10 quốc gia xếp kế trên bảng tiêu xài, gồm có: Nhật Bổn (Japan), Đức Quốc (Germany), Pháp Quốc (France), Trung cộng, Anh Quốc (U.K.), Ý (Italy), Canada, Brazil, Tây Ban Nha (Spain) và Úc Châu (Australia). Phí tổn y tế năm qua lên đến $3,000 tỉ. Trong khi đó, thật nghịch lý, nước Mỹ vẫn còn gần 50 triệu người thiếu bảo hiểm y tế, trên 16.5% dân số.

Bộ Trưởng Y Tế Kathleen Sebelius, người chịu trách nhiệm thi hành “ObamaCare”.
Đã có nhiều điều luật nhỏ hiệu lực trong 3 năm qua. ObamaCare cho phép cha mẹ giữ bảo hiểm y tế cho con cái đến tuổi 26. Các hãng bảo hiểm không được cắt những người chẳng may vướng nhiều bịnh tật, không ít người bẩm sinh. Hãng bảo hiểm cũng không được hạn chế số tiền trả cho bịnh nhân. Từ đầu năm nay, các công ty sản xuất y cụ bị tăng thuế 2.3%, để góp vào quỹ y tế. Đến Tháng Mười sắp tới, thêm một bước hệ trọng: ra mắt các “Health Insurance Marketplace” — về cơ bản giống như những “cửa tiệm”, nơi khách hàng tới để “nhìn ngắm”, so sánh, chọn lựa, để quyết định mua 1 loại bảo hiểm y tế vừa ý.
Đến 1-1-2014 là một ngày quan trọng, khi phần lớn đạo luật y tế sẽ trở nên hiệu lực, ảnh hưởng tất cả công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp. Các cá nhân và công ty hãng xưởng phải mua bảo hiểm y tế. Chánh phủ liên bang sẽ trợ cấp cho những ai thu nhập dưới 400% mức nghèo khổ (dưới $45,960 cho cá nhân và dưới $94,200 cho gia đình 4 người). Chương trình “Medicaid” cũng sẽ chấp nhận thêm những người thu nhập dưới 133% mức nghèo khổ (dưới $15,280 cho cá nhân và dưới $31,320 cho gia đình 4 người).

TT Obama và các cộng sự tại Toà Bạch Ốc vui mừng khi Hạ Viện bỏ phiếu chấp thuận luật y tế mới hôm 21-3-2010.
Luật bảo hiểm y tế dựa trên vài nguyên tắc chánh: Bảo hiểm bắt buộc, trợ cấp chánh phủ, và khấu trừ thuế. Bảo hiểm bắt buộc (Individual Mandate) quy định tất cả cá nhân phải có bảo hiểm sức khoẻ, hoặc mua ở sở làm, hoặc qua chương trình Medicaid / Medicare, hoặc những loại bảo hiểm công hoặc tư khác. Ai không có bảo hiểm phải nộp phạt. Công ty hãng xưởng có trên 50 nhân viên phải mua bảo hiểm cho nhân viên, hoặc bị phạt vạ. Các công ty nhỏ có thể được trợ cấp chánh phủ nếu mua bảo hiểm cho nhân viên thông qua các “tiệm” Health Insurance Marketplace.
Không phải ngẫu nhiên mà luật bảo hiểm y tế mang tên chánh thức là “Luật Bảo Vệ Bịnh Nhân và Chăm Sóc Y Tế Giá Phải Chăng” (Patient Protection and Affordable Care Act). Trước đây, với nguyên tắc thị trường thuận mua vừa bán, nhiều người nghèo không có bảo hiểm y tế. Thậm chí với người có bảo hiểm, hãng bảo hiểm có thể cắt bất cứ lúc nào, thậm chí từ khước bán bảo hiểm… ObamaCare cấm tiệt những trường hợp này. Từ nay, các dịch vụ y tế cơ bản phải bao gồm: xe cứu thương; phòng cấp cứu; viện phí; chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh; chăm sóc người bịnh tâm thần; tiền mua thuốc; tập thể dục hồi phục; chi phí xét nghiệm y khoa; các phương pháp giúp ngăn ngừa bịnh, bảo vệ sức khoẻ; các dịch vụ nha khoa và nhãn khoa.
Có thể đi thêm vào chi tiết. Tháng Mười 2013, các tiệm “Health Insurance Marketplace” sẽ ra mắt trên khắp 50 tiểu bang dưới hình thức các website. Những nơi này liệt kê danh sách hãng bảo hiểm, giá tiền hằng tháng (premium), loại dịch vụ y tế được bảo hiểm. Khách hàng (dân chúng Mỹ) qua đó so sánh, lọc lựa, rồi chọn một loại bảo hiểm thích hợp cho hoàn cảnh của mình và gia đình, vừa biết rõ giá cả. Các công ty nhỏ (small business) cũng có thể dùng “Marketplace” để “đi chợ” mua bảo hiểm cho nhân viên của mình. Một số small business có thể đủ điều kiện để được chánh phủ liên bang trợ cấp. Từ năm 2014, ObamaCare hạn chế mức tiêu xài y tế tối đa từ 2% đến 9.5% trên thu nhập gia đình. Nói chung, thu nhập càng cao thì mức tiền bảo hiểm càng tăng, nhưng không được vượt mức 9.5% thu nhập gia đình. Phần dư còn lại, nếu có, sẽ do chánh phủ liên bang gánh vác, thông qua trợ cấp hoặc khấu trừ thuế. Liên bang ước tính các khoản trợ cấp trị giá trung bình $5,000/năm cho mỗi gia đình. Cách chung, gia đình thu nhập càng thấp thì trợ cấp càng cao (nghĩa là họ trả tiền bảo hiểm ít, hoặc không trả gì cả).

Những người ủng hộ luật bảo hiểm y tế.
Cần phải điểm qua các ảnh hưởng của luật bảo hiểm y tế tính đến nay. Từ Tháng Chín 2011, gần 400 ngàn thanh niên trong độ tuổi 19 đến 25 đã được giữ lại trong bảo hiểm của cha mẹ. ObamaCare cho bảo hiểm những người chưa ghi danh vào Medicaid mặc dù đủ điều kiện. Tuy nhiên, dự báo có một số người vẫn sẽ quyết định nộp phạt, nhất định không mua bảo hiểm. Đa phần là người trẻ còn độc thân. Có một dấu hiệu sớm sủa: nhờ các khoản khấu trừ thuế, lần đầu tiên một số công ty hãng xưởng nhỏ đã mua bảo hiểm cho nhân viên. Theo thống kê liên bang, khoảng 4 triệu công ty nhỏ hội đủ điều kiện, nhưng mới 170,000 mua bảo hiểm cho nhân viên để khai nhận quyền lợi này. Theo phúc trình của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office – CBO), luật bảo hiểm mới sẽ giảm chi phí y tế, trong trường kỳ giúp hạ thâm thủng quốc gia. CBO phỏng đoán trong 10 năm, từ 2012 đến 2021, thâm thủng quốc gia bớt $210 tỉ.
Trong loạt bài này, Trẻ sẽ lần lượt giới thiệu các đề tài lớn của luật bảo hiểm y tế như:
– Quyền lợi và sự bảo vệ người bịnh, các chọn lựa bảo hiểm, chi phí bảo hiểm…;
– Các vấn đề cần biết (gia đình với con nhỏ, thanh niên độc thân, người tàn tật, thai phụ, người cao niên, giới chủ nhân, những người hành nghề tự do…);
– Mốc thời gian các điều luật trở nên hiệu lực;
– Những áp dụng khác nhau ở từng tiểu bang;
– “Tiệm bảo hiểm y tế”: Các đề tài quanh “Health Insurance Marketplace” như ai đủ điều kiện, vai trò tiểu bang, ghi danh lúc nào…;
– Hiểu thêm về ObamaCare, về phí tổn, các dịch vụ y tế nào được bảo hiểm hoặc không, làm sao kiểm soát bảo hiểm y tế của bản thân;
– Những câu hỏi thường gặp;
– Những chuyện gì sẽ xảy ra vào đầu năm 2014;
– v.v…
Bảo hiểm y tế được TT Barack Obama ký thành luật từ ngày 23-3-2010. Những phần chánh yếu nhất sẽ hiệu lực vào đầu năm 2014; và những điều luật cuối cùng được áp dụng vào năm 2020. Luật được Thượng Viện thông qua với 60 phiếu thuận 39 chống. Ở Hạ Viện, kết quả khít khao hơn, với 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống (100% Dân Biểu Cộng Hoà chống). Gần 3 năm sau, đây vẫn là đạo luật người binh kẻ chống đều đông đảo. Thống kê đầu Tháng Hai 2013 của hãng thăm dò Rasmussen, có 48% cử tri tin rằng bảo hiểm y tế sẽ khiến tình hình tệ hơn trong tương lai, và 51% thẳng thừng phản bác nó. Một cách lý tưởng, ObamaCare giúp cho nhiều người thêm bảo hiểm y tế và cắt chi phí chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, điều gì cũng có giá của nó. Người ta lo ngại đạo luật gây tốn kém quá cao, công dân sẽ phải đóng thuế nhiều hơn để nuôi nó, người bịnh sẽ không còn được thoải mái chọn lựa bác sĩ, nhà thương như trước nữa, v.v…
Trên thực tế, như chính Chủ Tịch Quốc Hội ông John Boehner, một chánh khách Cộng Hoà kỳ cựu, người kiên quyết chống luật y tế, cũng phải thừa nhận ObamaCare là “law of the land” (đã thành “phép vua luật nước”). Không có gì thay đổi được khi nó chưa bị bãi miễn. Cũng như các bộ luật “Medicare”, “Medicaid”, “Welfare”… trước kia, càng nhiều thời gian trôi đi, càng khó để thay đổi, vì luật đã dính chặt vào đời sống, ảnh hưởng hằng triệu con người… Trong khuôn khổ loạt bài này, Trẻ không chú trọng những điều còn gây tranh cãi về ObamaCare (đúng hay sai, hợp lý hay không, lợi hay hại, v.v…) Chúng tôi cố gắng tra khảo, hy vọng mang đến cho bạn đọc những thông tin thực tế, hữu ích, về cách thức vận hành và sử dụng hệ thống y tế mới, dù muốn dù không, vẫn đang thành hình.