Mùa xuân Quý Tỵ đã qua hơn một tuần. Trong mưa xuân rét ngọt, hàng vạn người Miền Bắc khoác áo ấm lũ lượt đi chơi chợ Viềng, trẩy hội chùa Hương, tham dự hội Gióng, hội Cổ Loa, hội Lim… Ngược lại, Miền Nam nắng nóng gay gắt, Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội Hoa Xuân, Phố Ông Đồ, Lễ hội Suối Tiên… tất cả cùng mấy ngày Tết đã qua nhanh như một giấc mơ, người dân lục tục trở lại làm ăn, học hành bình thường. Riêng khu vực Bầu Ma thuộc xã Hòa Hiệp, mảnh đất cùng trời cuối đất tỉnh Bà Rịa- Vũng Tầu, vẫn lặng lẽ hắt hiu, đứng ngoài những lễ hội “hoành tráng” vui tươi, những dịch chuyển ồn ào hai miền Nam- Bắc.

Nhóm O+ chuẩn bị hành trình “Đi tìm mùa Xuân”
Không đành lòng nhìn người nghèo trốn Tết, một nhóm thanh niên tình nguyện, là nhóm O+, đã mở chiến dịch ‘Đi tìm mùa Xuân’ cho người già đơn chiếc, bệnh tật. Nhóm trưởng O+, là một thanh niên mặt non choẹt, tên Xuân Thủy, làm nhân viên điện lực. Hàng tháng, do phải đi thu tiền mấy trăm gia đình trong khu vực Bầu Ma, Thủy có dịp vào từng nhà, biết tận tường từng hoàn cảnh. Kết quả, tháng nào anh cũng dốc túi đóng thay tiền điện cho những người ‘nghèo khổ trên mức nghèo khổ’. Đem chuyện kể với bạn bè, toàn những thanh niên nam nữ ít học, ít tiền, nghề nghiệp bấp bênh. Ba tháng sau, nhóm O+ do Thủy ‘đầu têu’ chính thức ra đời (chữ O+ hàm nghĩa ‘happy to give away’ vì khi cần người thuộc nhóm máu O+ có thể cho máu bất kỳ người thuộc nhóm máu nào khác). Trong lần ra quân dịp Tết năm nay, kẻ viết bài xin theo chân họ, đảm nhiệm chức phó nhòm, với khá nhiều tò mò lẫn nghi ngại về cái gọi là ‘trò vè’ của bọn ‘chíp hôi’ thừa cơm, rửng mỡ.
Xuất phát từ tiệm cắt tóc của Nhân Trần, nhóm phó O+, từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều hôm Hăm Bảy Tết, khu vực Bầu Ma bị cả đám ‘quần nát’. Kịch bản rất gọn và đẹp: Sáu xe chở 12 thành viên, tiền mặt trong túi, chổi chà, giẻ lau vác trên vai, xà bông bột, hoa mai, phấn màu, băng dính cho vào ba lô. Xịch xe trước nhà nào thì Trưởng nhóm vào trước, ‘xin việc’. Nếu được gia chủ bật đèn xanh, Phó nhóm sẽ xua quân ào ạt chiếm lĩnh ba mặt trận, nhà, bếp, vườn. Toán ‘nhà’ phụ trách quét mạng nhện, xách nước lau rửa các phòng. Toán ‘bếp’ dọn sóng chén, nồi niêu, mùng chiếu ra sân giặt phơi. Toán ‘vườn’ đốt rác, thông cống, vét giếng. Cuối cùng, cả nhóm xúm lại, vẽ và cắt dán hoa mai lên vách nhà, tặng tiền, chúc Tết gia chủ, chụp hình, và nhanh chóng ô rơ lui, hành quân sang điểm khác.
Không kể thời giờ lái xe luồn lách trên đường đất gồ ghề đỏ bụi, mỗi điểm dừng chân, trung bình mất nửa giờ ‘tác nghiệp’. Tại nhà cụ Rô, 93 tuổi, vừa mù vừa điếc, trong khi các bạn gái giặt giũ tấm chiếu ‘năm rưỡi nay, tao không có giặt’, các bạn nam xuống bếp, xắn tay dọn dẹp. Tuấn, chàng trai lầm lì nhất bọn, đứng giữa căn bếp gió thốc bốn bề, vách không có, nồi niêu gạo mắm, củi đuốc, chén bát cũng không, đã bối rối không biết phải dọn cái gì. Sự bối rối chuyển sang thương cảm khi bà cụ, bằng cách diễn đạt khó khăn, cho biết hai ngày nay không ăn, mà cũng không có gì để ăn. Con cháu đi làm mướn hết. Cụ sống một mình, không thể tự tắm giặt, nấu nướng, suốt ngày lò dò chống gậy ngoài đường, ai cho gì ăn nấy. Trong căn nhà trống huếch của cụ Rô, mùa Xuân, niềm vui, con cháu đủ đầy, là những mỹ từ chưa bao giờ hiện hữu.

Cụ Rô, 93 tuổi, trong căn buồng trống ngày cận Tết
Kém cụ Rô gần hai chục tuổi, nhưng cảnh bà Tám Nguyện cũng không khá hơn. Hai vợ chồng bà dời quê Quảng Ngãi vào Bầu Ma từ năm 1980, hồi còn voi, còn rừng già, còn ma nhiều (nên gọi là Bầu Ma). Chồng chết, bà một mình nuôi con. Tuổi trẻ, sức khỏe, con cái, lần lượt ra đi, chỉ cái nghèo và sự đau ốm là ở lại bầu bạn. Hàng ngày, bà Tám đi lượm ve chai bán kiếm tiền, rảnh rỗi ra ‘gãi đất’ trồng rau trên miếng đất bé bằng bàn tay. Nhìn bà ngồi trong bếp thái sắn phơi, dáng ngồi còng gập, quần áo sờn cũ, bàn tay bàn chân đen đúa, nhăn nheo, mái tóc bạc dãi dầu… mấy lần kẻ viết bài giơ máy ảnh lên, lại nghẹn ngào hạ xuống vì mặc bọn trẻ thúc ép ‘cười tươi lên, ngửng lên nhìn phía trước nè’, bà Tám vẫn buồn thiu cúi mặt.

Bà Tám Nguyện trong góc bếp nghèo
Lần lượt, ngôi nhà thứ ba, thứ tư, rồi thứ năm được nhóm O+ xắn tay áo hô biến ‘đang từ bừa bộn hóa ra gọn gàng’. Mồ hôi hết ướt lại khô trên lưng áo trẻ. Không ồn ào, không than van, không nề hà dơ bẩn, đói khát, cả bọn miệt mài ‘vác ngà voi’ bốn tiếng đồng hồ liền. Kẻ viết bài đâm ra hết ác cảm với hình xăm trên bắp tay cậu Nhân Trần, mái tóc bù xù cậu Quý, vẻ xí xọn cô Chiêu, vẻ kênh kiệu ta đây cô Ngọc. Thay vào đó, thấy thương cách ăn uống ‘còn hơn chết đói bảy ngày’, cách đổ vật xuống võng ngủ mê mệt, cách đùa vui của cả bọn lúc ăn trưa nơi quán lá rừng tràm. Nằm trên võng đong đưa, nghe bọn chúng tâm sự, nào là có đi mới biết nhà mình còn sướng chán. Nào là, từ đây hết dám vứt quần áo, đồ dùng, thực phẩm còn tốt, sẽ ‘chà đồ nhôm’ tích cực hơn, sẽ rủ thêm bọn bạn Facebook tham gia, sẽ ‘trấn lột’ mấy ông cậu Việt kiều Úc về quê ăn Tết, tháng sau sẽ thêm tiết mục nấu cháo dinh dưỡng, đem lên bệnh viện phục vụ miễn phí bệnh nhân nghèo… kẻ viết bài thấy như giữa nắng miền Đông nóng bỏng một đóa mai vàng tinh khôi, mỏng mảnh vừa rớt hương thơm….
Nhà anh chị An Hữu, gọi theo tên quê người vợ, là căn nhà cuối cùng ‘bị’ nhóm O+ quấy rầy. Bốn giờ chiều, hơi nóng trên mái tôn vẫn hầm hập hắt xuống. Nóng chí ít cũng 37 độ C. Anh nhóm trưởng, do bận việc cơ quan đã ‘bỏ cuộc chơi’ giữa chừng. Anh nhóm phó, cũng bị mẹ gọi phone dọa ‘Khách đông lắm! Mày không về, họ đốt ‘he sốp’- hair’shop- nhà mình đấy’. Bí thế, kẻ viết bài bị đôn lên làm nhóm trưởng, vào thăm hỏi chúc Tết gia đình. Chúa ơi! Tết nhất đến nơi mà giữa nhà, lù lù chiếc giường buông màn trắng. Anh chủ nhà nằm ‘trần xì’ trên giường, đậy hờ mảnh khăn lông, toàn thân dây dợ nối đường vào đường ra lòng thòng, vướng vít. Chị vợ kể anh bị liệt tủy sống từ một vụ tai nạn xe cộ. Sau ba tháng nằm bệnh viện Bà Rịa, bệnh viện Chợ Rẫy, nay được trả về gia đình, chờ chết. Nằm không cử động được, nhưng hoàn toàn tỉnh táo, anh chồng nhìn cuốn lịch còn hai tờ chót treo trên tường đối diện, lại nhìn sang người vợ trẻ không nghề nghiệp, nhìn đứa con chơi cạnh giường, hai dòng nước mắt cứ thế bò dài theo đuôi mắt. So với cụ Rô 93 tuổi, vợ chồng bà Thọ 84 tuổi, bà Nguyện 76 tuổi thì anh An Hữu mới qua tuổi 40 được một năm, còn quá trẻ để có thể bỏ gánh nặng gia đình, ra đi thanh thản. Số tiền cả nhóm dành dụm, đóng góp cho hành trình ‘Đi tìm mùa Xuân’ quá ít, chỉ vỏn vẹn 3,000,000 đồng (gần 150 đôla!). Ba triệu đồng cho mười gia đình, vị chi mỗi gia đình nhận 300,000 đồng! (gần 15 đôla). 300,000 đồng, mua một mùa Xuân, mua một niềm vui, quả là trên mức khiêm tốn!
Mùng Bảy Tết hạ Nêu, lái xe về thăm Bầu Ma, kẻ viết bài thấy bên vệ đường, vẫn bà Tám Nguyện lụm cụm phơi mì. Trong căn nhà khói lạnh hương tàn, vẫn bà Rô ngồi một mình với chiếc gậy. Trên chiếc giường buông màn trắng, vẫn anh An Hữu nằm nửa mê nửa tỉnh. Và căn nhà có chiếc giếng ngập lá khô của bà Mẹo ăn mày, vẫn biền biệt bóng người… Bỗng dưng, như thấy hiện ra trước mắt hình ảnh cô gái O+ hôm nào, cầm phấn xanh nắn nót vẽ chiếc lá trên tường. Cô gái nói màu xanh là màu hy vọng. Hy vọng khi đi ăn mày về, mở cửa, nhìn hoa mai vàng, lá xanh trên vách, bà Mẹo sẽ thấy mùa Xuân, sẽ ngạc nhiên cảm động. Chao ôi! Người Vẽ- Lá- Mùa- Xuân ơi! Hy vọng bé nhỏ của cô, đến bây giờ, tiếc thay, vẫn chưa thành sự thật!

Một đôi vợ chồng mù, điếc, ngồi thờ ơ trước thềm xuân Quý Tỵ
Một chút sẻ chia ấm áp