Tôi bước chân vào bệnh viện khi trời đã nhá nhem tối. Không gian tĩnh lặng. Suốt dọc khu vực hành lang đến cầu thang máy hầu như không một bóng người. Cảm giác sợ hãi dần dần vây lấy, khiến tôi rùng mình. Tôi rất sợ phải đối đầu với sự chết chóc. Có lần tôi đã mất ngủ cả tháng trời chỉ vì đi đám tang của một người bà con. Tuy nhiên, tôi vẫn phải đến vì người sắp ra đi là mẹ chồng của mình. Tôi hít thật sâu, bước vào thang máy và tự nhủ “người thân mà.”

Bảo Huân
Trong phòng, trên giường bệnh, mẹ chồng tôi nằm thoi thóp. Xung quanh tiếng đọc kinh vang lên hòa lẫn tiếng nấc khiến không khí chùng lắng. Không ai nói với ai một lời. Tôi lẳng lặng bước tới một góc khuất để có thể quan sát mọi thứ.
Tôi không chú ý đến ai nhiều ngoại trừ cô con gái út của mẹ chồng tôi. Em tên Ngân. Em đã ngoài 30 tuổi, nhưng trông còn trẻ, dáng người nhỏ nhắn dễ nhìn. Đứng cạnh em là chồng của cô ấy, cao to như phủ lấy em. Cả hai đứng cạnh giường bà, cùng im lặng. Mắt Ngân đỏ hoe, nhưng em gắng gượng để không bật ra tiếng khóc, vì có lẽ em tin rằng khi em khóc, em sẽ làm mẹ đau và không thể thanh thản ra đi. Thỉnh thoảng em lấy bông băng thấm nước và bỏ vào miệng của mẹ. Em ân cần, nhẹ nhàng tựa như một người mẹ đang chăm sóc cho đứa con nhỏ của mình.
Dần dần mọi người bỏ ra ngoài cho giảm bớt căng thẳng, duy chỉ có em vẫn kiên trì ngồi cạnh mẹ, ánh mắt không rời, như thể em sợ mẹ bỏ đi không quay trở lại
Tôi cũng vậy. Tôi không thể ở lâu hơn vì quá ngột ngạt. Tôi bước ra ngoài cùng mọi người. Một lúc sau, khi quay trở lại phòng, tôi thấy gương mặt mẹ chồng tôi đã đổi sắc, tái dần đi. Em vẫn ngồi đó, không rời mẹ nửa bước. Miệng em luôn lâm râm khấn nguyện. Em khiến tôi không còn cảm giác sợ hãi, mà chuyển dần sang điềm tĩnh, bước tới và bắt đầu cầu nguyện cùng em.
Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến giữa cái sống và chết. Nó tích tắc, ngắn ngủi nhưng lại cực kỳ khủng khiếp dường như muốn làm mình nghẹt thở mỗi khi thấy bà cố lấy hơi lên để níu kéo sự sống. Mặc dù mẹ chồng tôi đã rơi vào hôn mê từ buổi sáng sớm nhưng thỉnh thoảng bà vẫn rên lên trong hơi thở yếu ớt. Em bảo những lúc như vậy là mẹ đau đớn lắm. Và tôi thấy như trong mắt em cũng hằn lên nỗi đau đớn gấp bội khi phải chứng kiến cảnh tượng ấy.
Cuối cùng mẹ chồng tôi cũng đã trút hơi thở cuối cùng. Tim tôi nghẹn thắt, tôi không thể cầm được nước mắt và đã bật khóc nức nở. Nhưng em, đôi vai gầy run lên mà em vẫn không khóc. Em can trường ôm mẹ, nắm tay mẹ và thì thầm. Có lẽ đó là những lời yêu thương ngọt ngào mà em muốn nói cho mẹ nghe.
Tôi cứ ngỡ em sinh ra và lớn lên trên xứ sở này thì ít nhiều em cũng lây nhiễm lối sống quên cội quên nguồn của thế hệ trẻ sau này. Họ thường chẳng quan tâm, lo lắng gì đến các đấng sanh thành ra mình. Khi cha mẹ tuổi già sức yếu, là họ đưa tới các nhà dưỡng lão và để mặc cho họ sống cô đơn, buồn tủi. Năm thì mười họa chỉ đến thăm hỏi cho có lệ rồi lại bỏ đi. Nhưng em thì không. Em đã chăm sóc mẹ chồng tôi suốt năm năm dài từ khi bà vừa lâm trọng bệnh. Mỗi lần ghé thăm, tôi đều thấy em bên cạnh mẹ, bưng từng chén cơm, gọt từng miếng trái cây cho mẹ ăn. Em đùa: “Má xem vậy chứ nặng lắm nghe chị! Có lần em đỡ má mà 2 má con té lăn cù luôn đó. Nhưng em thích và an tâm khi tự mình chăm sóc cho má. Thôi lo được chút nào cho má thì hay chút đó chị ạ.”
Lời em nói khiến tôi khâm phục và cảm thấy hổ thẹn khi mình không một ngày lo được cho bà mẹ chồng. Và thậm chí cả ba mẹ ruột của mình, không biết tôi có cần mẫn, tận tâm lo được cho ông bà khi họ đau yếu như vậy không?
Ngày tang lễ của mẹ chồng, mặc dù tôi không có cơ hội tham dự được đến giây phút cuối cùng nhưng tôi có thể hình dung ra em đau đớn đến dường nào khi em từ nay vĩnh viễn không còn được nhìn hay ôm mẹ được nữa. Tội nghiệp em tôi!
Em ơi, hãy mạnh mẽ lên em nhé. Em giỏi lắm, chị phục em. Em hãy an tâm và đừng lo lắng nữa. Mẹ ở trên thiên đàng đang mỉm cười và hạnh phúc vì có được một người con hiếu thảo như em đó!