Menu Close

Huyết áp – Tiểu đường – Trầm cảm

Kính thưa Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức,
                                      
Về vấn đề cao máu thì trong máy có ba số: Systolic – Diastolic – Pulse. Về số thứ nhất systolic thì ai cũng biết, nhưng vấn đề số thứ hai là diastolic là gì? Và nếu nó luôn luôn cao hơn số được chấp nhận thì làm cách nào để nó có thể ở mức chấp nhận; và về tim đập nhanh 90 hoặc hơn thì làm gì để nó hạ xuống nhanh.


Đáp

Chào ông,

Thắc mắc của ông về các con số trên dụng cụ đo huyết áp cũng là thắc mắc của nhiều người, nhất là với những ai đang bị bệnh cao huyết áp.

Xin trả lời chung để độc giả tuần báo Trẻ cùng đọc.

Huyết áp được đo bằng một dụng cụ gọi là Huyết Áp Kế hoặc giản dị hơn, máy đo huyết áp.

Huyết áp là sức ép của máu vào lòng động mạch mỗi khi trái tim bóp vào để đẩy máu ra động mạch đi nuôi cơ thể.

Huyết áp có 2 con số:

– Huyết áp systolic hoặc tâm thu là khi tim co lại đẩy máu ra động mạch.

– Huyết áp diastolic hoặc tâm trương là khi cơ tim dãn ra để nhận máu vào tim.

Số huyết áp trung bình là dưới 120/80 mmHg.

Huyết áp systolic từ 129 tới 139 là tiền cao huyết áp; trên 140 là cao huyết áp.

Huyết áp diastolic 80-89 là tiền cao huyết áp mà từ 90 trở lên là cao huyết áp.

Trước khi đo huyết áp, nên ngồi nghỉ mươi phút, không hút thuốc, không uống cà phê, không vận động, thư giãn tâm trí. Ngồi ngay ngắn trên ghế, hai bàn chân đặt xuống sàn nhà, cánh tay dựa trên mặt bàn, ngang tầm trái tim. Nhớ ghi con số huyết áp khi đo để nhớ và nếu cần thay đổi liều lượng thuốc trị cao huyết áp.  Ngoài ra một số dụng cụ đo huyết áp cũng cho kết quả nhịp tim gọi là Pulse.

Như vậy nếu một trong hai số ghi huyết áp ở mức cao hơn mức trung bình là được coi như là có bệnh cao huyết áp. Hai con số này quan trọng như nhau.

Và khi điều trị thì ta phải mang cả hai con số này trở lại mức trung bình.

Nhịp Tim:

–  Trung bình từ 60 tới 80 hoặc 100 nhịp/ phút.

–  Nếu nhịp trên 100 hoặc dưới 60/phút mà kèm theo khó thở, hụt hơi, chóng mặt, muốn xỉu thì nên đi khám coi xem có bệnh gì không. Nhịp tim thay đổi tùy theo sức khỏe, sự hoạt động, nhịp động xung quanh, xúc động, cơ thể lớn nhỏ, thuốc đang dùng.

–  Các lực sĩ thể tháo gia thường có nhịp tim thấp như là khoảng 40 nhịp/ phút là nhờ vận động, trái tim họ ở tình trạng tốt, co bóp mạnh để đẩy máu ra ngoài.

Về trường hợp của ông, nhịp tim của ông là 90 mà nhịp đều thì cũng không sao. Nếu thấy có dấu hiệu như khó thở, hồi hộp thì nên đi bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân rồi điều trị.

Con năm nay 38 tuổi.

Lúc mới qua Mỹ, 16-17 năm trước, con có nhiều lo lắng, hay thức khuya vì nhịn đói vì vừa học vừa làm, vừa lo cơm nước gia đình và có một con nhỏ nên ít có thời gian chăm sóc bản thân.

Mỗi khi làm việc quá sức thì bị đau tức ngực trái, và vai trái.  Lâu dần cánh tay trái cũng đau.  Cách đây 5 năm đi khám thì bác sĩ gia đình nói tim không có vấn đề gì cả.

Nhưng lượng đường trong máu rất cao, và cao như vậy đã khá lâu. Lúc đó con bắt đầu đi tập thể dục nhưng đường không xuống. Bây giờ bác sĩ cho uống thuốc tiểu đường type 2. Phía bên trái vẫn đau, thường xuyên hơn, nhất là lúc tức giận. Có lúc cổ và hàm trái cũng đau. Đi chụp MRI thì xương cổ vẫn bình thường. Đôi khi cảm thấy chóng mặt, mơ màng, thiếu tập trung. Tinh thần bất ổn, buồn chán hay lo lắng thái quá, tay chân run rẩy và hay bị đỏ mặt nếu nói chuyện trước đám đông. Bác sĩ cho con uống thuốc chống trầm cảm (zoloft) và multiple vitamin + vitamin D.  Mỗi ngày con còn uống 1 viên thuốc chống dị ứng allergy nữa vì hay bị nhảy mũi và ngứa ngáy.

Thỉnh thoảng con uống Tylenol chống đau nhức.

Con uống nhiều thứ cùng lúc như vậy có tốt không?  Các loại thuốc này uống gần giờ với nhau có sao không ạ? Sau khi uống được vài tuần thì con thấy khỏe hơn chút. Nhưng bên trái vẫn còn đau. Đi châm cứu hay mát-xa thì bớt đau, nhưng tuần sau lại đau lại. Con tập thể dục mỗi ngày khoảng 45 phút, thường đi bộ, có ra mồ hôi.

Xin bác sĩ cho con biết bịnh con có thể chữa hết không và cách nào có hiệu quả nhất.

Đáp

Chào bạn Vũ

Tôi rất thông cảm với hoàn cảnh bận rộn khó khăn của bạn khi mới định cư tại Hoa Kỳ, nơi mà từ văn hóa tới phong tục tập quán đều khác biệt với người mình. Một mình vừa đi làm vừa phải nuôi con cộng thêm cơm nước gia đình. Do đó bạn không có đủ thì giờ để chăm sóc cho bản thân, nhưng cũng may là bạn đã thích ứng được với hoàn cảnh, là điều đáng khen ngợi.

Về các vấn đề sức khỏe của bạn, tôi thấy rất may mắn là các xét nghiệm về tim và MRI xương cổ đều bình thường là mừng rồi.

Qua thư, tôi thấy bạn có hai vấn đề cần điều trị: Tiểu đường và trầm cảm căng thẳng tinh thần.

Bạn đang uống thuốc để chữa bệnh tiểu đường do bác sĩ hướng dẫn thì tôi đề nghị là bạn tiếp tục uống thuốc mà bác sĩ cho, và nhớ uống theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Cũng nên đo đường huyết ở nhà để coi xem đường cao thấp như thế nào, có cần tăng hoặc giảm thuốc hay không.

Về ăn uống trong bệnh tiểu đường thì điều cần là giới hạn dùng đường tinh chế, tức là loại đường trắng mà ta vẫn dùng để uống cà phê hoặc nấu chè, vì các đường này làm đường huyết lên cao. Về cơm gạo cũng nên bớt xuống một chút, chẳng hạn trước đây ăn 3 chén cơm thì rút xuống còn 2 chén, rồi tăng cường chút thịt cá và các loại rau. Bạn cũng có thể ăn gạo lức có nhiều chất xơ và cám, giúp duy trì đường huyết ổn định một phần nào.

Làm việc nhiều cũng nên dành một thời gian nhỏ để vận động cơ thể, giúp hạ đường huyết. Cố gắng giữ đường huyết ở mức gần với trung bình, kẻo mà nếu lên quá cao sẽ có các biến chứng cho thận, tim, mắt…

Vấn đề thứ hai của bạn tôi nghĩ là stress rồi trầm cảm lo lắng. Zoloft là thuốc chống trầm cảm rất tốt. Thường thường sau khi uống khoảng vài ba tuần ta đã thấy hiệu quả: ngủ dễ dàng hơn, bớt lo âu buồn phiền và cũng giúp ăn ngon hơn. Tuy nhiên thuốc cũng có một số tác dụng phụ như khô miệng, nhức đầu, chóng mặt, ăn mất ngon…

Các thuốc nên uống cách xa nhau khoảng nửa giờ để tránh tác dụng qua lại giữa các thuốc.

Thuốc dị ứng nên uống vào buổi tối để ban ngày khỏi bị ngây ngất, buồn ngủ và vì dị ứng thời tiết thường cao hơn vào buổi sáng.

Nên sắp đặt lại công việc có giờ giấc thứ tự để có thể ngủ nghỉ ăn uống đầy đủ cũng như giải trí lành mạnh với gia đình.

Chúc bạn và gia đình nhiều niềm vui hạnh phúc.

NYD