Menu Close

Harlem Shake

Như đã nói, có thể Gangnam Style là một cơn sốt kỷ lục, nhưng thế giới không hề thiếu những cơn sốt tương tự. Có lẽ “Hoang mang style – một năm kinh tế buồn” trên chương trình “Gặp nhau cuối năm” là một trong những điểm sáng cuối cùng của Gangnam style bởi thế giới đang nhanh chóng tràn ngập Harlem Shake.

alt

YouTube lập hẳn ra một mục dành cho Harlem Shake, có hàng trăm ngàn đoạn clip được up lên để tham gia trò chơi này, trong đó có clip từ các cô gái nóng bỏng của tờ Playboy, từ một tiểu đội của quân đội Na Uy, từ một con hải cẩu và 2 con hải sư từ công viên San Antonio Sea World, từ các ngôi sao của giới truyền thông Mỹ như Jon Stewart, Jimmy Fallon và các người dẫn chương trình Today.

Nhảy theo Gangnam Style, trông có vẻ đơn giản nhưng thật ra vẫn phức tạp hơn Harlem Shake. Cơ bản, 15 giây đầu của clip chỉ có 1 nhân vật, thường đeo mặt nạ, đứng múa may quay cuồng trong khi mọi người đứng yên hoặc chú tâm làm việc riêng, không hề quan tâm. Sau đó, trong tích tắc chuyển cảnh duy nhất của clip, mọi người đều đứng lên làm những động tác kỳ dị nhất mà họ có thể làm được trên nền nhạc có thêm trống và sub bass.

Yếu tố góp phần khiến Harlem Shake lan rộng là việc sắp đặt để quay rất nhanh và clip chỉ ngắn có nửa phút, động tác lại rất thoải mái. Chỉ cần một máy quay đặt yên sau đó chỉ có duy nhất 1 lần chuyển cảnh, cuối clip là một đoạn slow motion dễ dàng sau tiếng gầm của sư tử.

Sự đơn giản của Harlem Shake, ngược lại, góp phần tạo không gian cho giới ái mộ sáng tạo đủ thứ theo ý mình mà vẫn giữ được các yếu tố cơ bản nhất. Clip có thể chỉ từ 2 người cho đến cả sân vận động đông nghịt. Hơn nữa clip cũng tạo sự bình đẳng khi từ người thường cho tới người nổi tiếng đều có thể tham gia và không có vị trí xã hội nào bảo đảm thành công của clip. Ví dụ clip với ê kíp của Jimmy Fallon của chương trình sôi nổi Late Night with Jimmy Fallon có lượt view là 1.5 triệu còn một clip của các bạn trẻ vô danh thực hiện trong hồ bơi cạn có lượt view là 2 triệu. Clip của đội tuyển bơi lặn Đại học Georgia lại hết sức phức tạp vì được quay dưới hồ bơi, các nhân vật tham gia đều phải thuộc loại lặn thượng thừa mới thực hiện được và đang có lượt view là 25 triệu.

Người được hưởng nhiều nhất từ Harlem Shake là chàng DJ 23 tuổi tên Harry Bauer Rodrigues, nghệ danh là Baauer. Khoảng 1 năm trước, trong một ngày lười nhác, Baauer chế biến track “Harlem Shake” trong studio (gọi cho sang nhưng thực ra là phòng ngủ với chiếc máy tính và bộ mixer) ở Brooklyn. Anh đặt hết những gì mình có thể nghĩ đến vào track này: nhịp điệu của hip-hop, câu riff của nhạc house, đoạn đọc rap, âm thanh từ các loài thú, tiếng bass trầm của dòng drum andbass. Khi xong xuôi, anh làm việc mà các thanh niên trẻ thường làm: quăng lên mạng.

alt

Các DJ bắt đầu để ý đến track nhạc này: DJ Rustie sử dụng Harlem Shake trong chương trình “Essential Mix” cho kênh BBC. DJ kiêm nhà sản xuất Diplo nghe được và chuyển ngay cho nhãn Jeffree’s của anh, một kiểu hãng đĩa chuyên tung ra đĩa đơn và các EP cho các nghệ sĩ mới ra ràng. Công ty PR Biz3 nghe được bản này qua Diplo và đề nghị được đại diện cho Baauer mà không tính công. Bản nhạc được tung ra thành một bản down load miễn phí. Các blogger được thuê để vào cuộc, tạo ra một cơn sốt. Hoàng tử dòng dubstep là Skrillex cũng chơi bản này.

Đang là học việc cho nhãn đĩa Trouble & Bass, Baauer đã đến dự Ultra Music Festival ở Miami hồi Tháng 3 và gặp được Ben Persky và Mason Klein, các ông bầu tương lai của mình tại đây. Hai nhân vật này đang lập ra Mixed Management, quản lý các nghệ sĩ đang tạo được dư luận như RL Grime và nhận được sự đầu tư từ Complete Control, đội quản lý trước đây của Tiesto. Baueer gửi băng demo của mình, trong đó có bài Harlem Shake. Hai ngày sau, anh được mời ký hợp đồng. Anh tiếp tục được diễn tại các nhạc hội South by Southwest, Coachella. Mọi thứ có vẻ diễn tiến khá ổn.

Và rồi Harlem Shake bùng nổ. Đêm ngày 7/2, trong vòng vài giờ, YouTube tràn ngập các clip tự quay trên nền nhạc của bản này, nhái theo một clip của diễn viên hài nghiệp dư Filthy Frank. Bản nhạc Harlem Shake này vọt thẳng lên hạng 1 bảng xếp hạng Billboard (Gangnam style tung ra nhạc sau khi tung ra clip và chỉ đạt được hạng 2 trong tuần đầu tiên). Khác với Gangnam Style, Harlem Shake không hề đi kèm một MV sặc sỡ và lấp lánh, cũng không hề kêu gọi giới ái mộ tự thực hiện MV, một thủ thuật mà giới marketing đang hào hứng theo đuổi, từ Pepsi cho tới phim Lincohn. Giải thưởng mà giới ái mộ có được từ việc làm clip Harlem Shake là sự thỏa mãn khi có được sự chú ý của cộng đồng mạng hay đơn giản hơn, sự vui nhộn trong lúc quay clip với bạn bè.

Harlem Shake đánh dấu nhiều thứ hơn là một cơn cuồng hoặc một bản nhạc thành công: sự tổng hợp cả hip-hop, dance và pop; của công nghệ dành cho người tiêu dùng cho phép họ dư sức sáng tạo (clip 30 giây có thể dễ dàng xem trên điện thoại, hầu hết máy chụp hình và điện thoại đều có phần quay phim); của việc giao tiếp bên ngoài mạng dẫn đến sự chia sẻ trên mạng. Các văn phòng làm việc, từ buồn tẻ của ngành ngân hàng, tài chính cho đến giàu sáng tạo của ngành quảng cáo đều có thể tham gia trò Harlem Shake.

NV