Menu Close

Nói lời từ biệt

Tình bạn tuổi học trò ở các trường học Mỹ thường bộc phát, tự nhiên và cảm động. Cho nên một người bạn mất đi luôn gây xúc động và để lại những ấn tượng sâu đậm. Mời các bạn theo dõi câu chuyện sau đây.

alt

Bảo Huân

Tôi đi ngang qua cô bạn cùng lớp với chút hoang mang trong lòng. Cô ấy đang đứng tựa vào tường cùng với một nhỏ bạn khác và đang khóc nức nở. Tôi nghĩ, chắc cô nàng vừa chia tay với bạn trai.

Hôm đó tôi đến lớp sớm. Là một học sinh trung học đệ nhị cấp, tôi tự lái xe tới trường và luôn luôn đến sớm trước các chiếc bus chở học sinh để có được chỗ đậu tốt trong bãi đậu xe. Chưa có ai trong phòng học cả. Quẳng túi đeo lưng trên bàn, tôi trở lại hành lang đi thẳng tới phòng computer để check mail trước khi bắt đầu vào lớp. Một người bạn của tôi tốt nghiệp hồi năm rồi và đã vào lính. Lúc này email tương đối còn mới mẻ và chúng tôi chỉ dùng nó để thông tin cho nhau hơn là thư từ chuyện vãn.

Tôi đi ngang qua một vài bạn nữa và thấy họ cũng đang khóc. Cái gì đang xảy ra thế này hở trời? Tôi nghĩ chắc một bạn học cùng lớp nào đó đã gặp tai nạn.

Tôi đóng computer lại và chẳng bao lâu một bạn khác làm theo tôi.

“Bồ chưa nghe tin hả?” Anh chàng hỏi tôi khi tới gần bên computer của tôi.

Tôi lắc đầu nói không.

“Keith chết đuối ngoài sông tối hôm qua.

Mọi vật quanh tôi như đóng băng lại khi tôi cố gắng hiểu lời anh bạn.

Mặc dầu không ai nói ra nhưng Keith và tôi là bạn thân với nhau, từng học chung vài lớp và thường chuyện trò với nhau.

Tại sao điều này lại có thể xảy ra nhỉ? Chỉ còn hai tuần nữa thôi là chúng tôi tốt nghiệp. Một vài bạn sẽ lên đại học. Keith sẽ gia nhập quân đội. Chúng tôi đều còn quá trẻ mà. Những người trẻ thì không chết được.

Tôi đi trở lại lớp mà lòng tê tái. Hành lang lớp giờ đây đông chật người đang vừa nói vừa khóc. Tôi ngồi vào bàn học và nhìn vào khoảng không trong khi trí óc cố gắng để hiểu những thông tin vừa nghe được.

Trong vùng tôi ở việc nhảy từ cầu xe lửa xuống sông luôn được bọn trẻ ưa thích. Cây cầu cao ba mươi lăm feet bắc ngang sông Shenango River cho xe lửa chạy qua. Việc nhảy cầu cố nhiên là nguy hiểm nhưng chưa từng có ai bị nạn. Hôm ấy là Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, một vài bạn trong lớp tôi kéo nhau ra sông. Keith đã nhảy thành công. Anh đang bơi vào bờ thì bỗng nhiên bị kéo xuống đáy sông. Anh trồi lên kêu cứu rồi mất hút. Toán tìm kiếm thi thể Keith không kết quả. Mãi chín mươi phút sau một người bạn cùng lớp đang tình nguyện làm trong đội cứu hỏa mò tìm được xác của Keith kéo lên bờ.

Ngày hôm ấy tôi không nhớ những gì đã diễn ra trong giờ học đầu. Tất cả những gì tôi ghi được là chuông reo và tôi đi gởi túi đeo lưng vào phòng giữ quần áo. Mặc bộ đồ thể dục lên người, tôi đi tới phòng gym, ngồi dựa lưng vào tường, nhìn sững nền nhà sơn màu vàng nâu. Tôi không nghĩ được cái gì khác ngoài việc tưởng nhớ Keith và tôi đã bật khóc. Tôi trở lại ẩn mình trong phòng quần áo để được một mình.

Tới giờ chuông reo chấm dứt tiết học, tôi vẫn không nghĩ được gì. Tôi đứng cô đơn trên hành lang lớp học, hoàn toàn lạc lõng. Thậm chí tôi không nghĩ được tiết học sắp tới là gì và tôi đang ở đâu. Bỗng tôi giật mình kinh hoảng khi thấy một toán bạn cùng lớp kéo nhau ra sân. Như một cái xác vô hồn, tôi đi theo họ.

Chúng tôi ngồi đó, lặng yên trong ánh nắng Tháng Năm ấm áp. Một bạn cất lên lời Kinh Lạy Cha và tất cả chúng tôi cùng hòa theo trong lời nguyện, giọng cầu kinh của chúng tôi vang động trong khoảng không nhỏ hẹp chung quanh.

Hiệu Trưởng hoặc một nhân viên nào đó đã nhìn thấy chúng tôi vì sau đó cả lớp được gọi lên phòng hội. Tôi nghĩ đây là biện pháp nhằm giữ chúng tôi để khỏi đi lang thang vô vọng và lạc lõng.

Ngày hôm sau, lớp học diễn ra bình thường. Một bạn trong lớp đứng ra tổ chức quyên góp để phụ vào chi phí tang lễ của Keith.

Cuộc thăm viếng được tổ chức một vài ngày sau đó. Người đến viếng Keith sắp thành hàng dài nối đuôi nhau ra tận lề đường. Rõ ràng Keith được nhiều người yêu thương và tưởng nhớ. Tôi đứng trong hàng nhìn mọi người chung quanh. Nhiều bạn bè ôm lấy nhau khóc lóc, không kể quen nhau hay chưa hề chuyện trò. Những người đến thăm lần lượt ra về. Chúng tôi đều cảm thấy đau đớn và cần có nhau.

Trước đây tôi cũng đã từng đến viếng những người bà con lớn tuổi ra đi. Tôi không hề cảm thấy buồn. Tôi ít biết về những người bà con này và cảm nghĩ chung là những người già cả đều phải qua đời. Việc nhìn thấy một bạn mới mười bảy tuổi nằm trong áo quan là điều khó khăn nhất tôi chưa từng trải qua.

Trong buổi lễ tốt nghiệp tên của Keith được xướng lên. Chúng tôi đều đồng loạt đứng dậy khi em gái của Keith bước lên sân khấu nhận bằng. Mặc dầu bạn đã ra đi, cuộc sống vẫn tiếp tục.

Tôi đã bị một cơn ác mộng ám ảnh thường xuyên cho đến gần một năm sau cái chết của Keith. Tôi thấy mình đang đứng trên bờ sông khi Keith bước xuống dòng nước. Tôi liên hồi la lên gọi anh dừng lại, đừng bước xuống sông nhưng anh vẫn làm. Một đêm, giấc mộng đổi khác. Sau khi tôi kêu lên bảo Keith dừng lại, anh quay mặt nhìn tôi, mỉm cười nói, “Không sao, tôi không sao đâu.” Rồi anh biến mất trong dòng nước tối.

Sau đêm đó, những cơn ác mộng không còn nữa và cuối cùng tôi đã để anh đi và bắt đầu lành vết thương. Điều khá lạ là tôi biết có một bạn nữa cũng cùng giấc mơ tương tự. Tôi nghĩ rằng Keith biết chúng tôi thương nhớ anh và anh thấy cần đến bảo chúng tôi rằng không sao, cứ tiếp tục cuộc sống.

NS – theo Valerie D. Benko