Trong thế giới nhiếp ảnh, chữ photography có gốc từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là “vẽ với ánh sáng”. Trong kỳ này, tôi sẽ cố gắng giải thích cặn kẽ vài yếu tố quan trọng trong kỹ thuật chụp hình căn bản.
Cứ xem máy hình như một hộp kín mít, tối thui bên trong. Khi chúng ta bấm nút chụp ảnh, một cánh cửa sổ được mở ra để ánh sáng bên ngoài lọt vào qua ống kính. Ánh sáng này tác dụng vào film (hoặc sensor trong trường hợp máy ảnh số) để tạo thành hình ảnh.
Máy ảnh dựa vào 3 yếu tố chính để điều khiển độ ánh sáng chiếu vào (exposure):
– Tốc độ (Shutter speed)
Khi bạn bấm nút để chụp ảnh, cửa chập (shutter) sẽ mở và đóng nhanh. Bạn có thể điều chỉnh thời gian bao lâu cửa chập được mở bằng cách chỉnh tốc độ (shutter speed). Thông thường, thời gian này được đo bằng đơn vị phần trăm hoặc phần ngàn của 1 giây.
Những tốc độ có sẵn trong máy ảnh bắt đầu từ 1, 1/2 1/4, 1/8, 1/15, 1/30, 1/60, 1/125, 1/250, 1/500, 1/1000… giây; mặc dù nhiều máy ảnh tối tân có thể “chập” nhanh lên đến 1/8000 giây hoặc chậm đến nửa phút; ngoài ra những máy manual còn có khả năng mở cửa chập lâu đến khi nào người chụp “mỏi mắt” thì đóng lại (ký hiệu B; dùng để chụp những buổi đốt pháo bông, v.v.). Càng lâu thì hình sẽ càng sáng, càng nhanh thì hình sẽ càng tối.
Mối liên hệ giữa các tốc độ (shutter speeds) và lượng ánh sáng. Tốc độ càng chậm hình sẽ càng sáng; tốc độ càng nhanh hình sẽ càng tối.
Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ chụp ở tốc độ 1/60 giây hoặc nhanh hơn. Lý do vì nếu chậm hơn, bạn sẽ bị tình trạng máy rung – tình trạng này xảy ra khi máy ảnh di động trong khi cửa chập đang mở, kết quả là hình sẽ bị mờ quệt.
Nếu bạn muốn dùng tốc độ 1/60 hoặc chậm hơn, bạn phải sử dụng chân máy (tripod).
Nếu bạn theo dõi Góc Nhiếp Ảnh thường xuyên, tôi sẽ nói thêm về những kỹ thuật này trong những kỳ tới.
– Khẩu độ (Aperture)
Aperture là một từ định nghĩa cho một lỗ nhỏ trong ống kính, lỗ này điều chỉnh cường độ ánh sáng chiếu vào sensor của máy ảnh.
Chúng ta có thể xem bộ phận này như “con ngươi” của máy ảnh, vì nó có khả năng thu hẹp hoặc mở rộng tùy theo lượng ánh sáng chiếu vào ống kính. Cùng với ví dụ này, chúng ta cũng có thể xem bộ phận cửa chập nói trên như “mí mắt” của máy ảnh, chớp nhanh hay chậm tùy theo người chụp điều chỉnh.
Bộ phận aperture trong máy ảnh là một màn chắn gồm nhiều lá mỏng ghép lại tạo ra khe hở dạng hình tròn có thể điều chỉnh được. Độ mở của aperture (khẩu độ) được ghi bằng một con số, luôn luôn đi trước bởi chữ “f/” nên được gọi là F-stop.
(F đây chính là độ dài tiêu cự ống kính, con số đi sau là tỷ số của độ tiêu cự ống kính (focal length) chia cho đường kính (diameter) của lỗ. Thí dụ: bạn có một ống kính 50mm. Một lỗ aperture nhỏ 3mm sẽ được ghi là f/16, vì 50 chia 3 ra khoảng 16. Đó là lý do tại sao con số nhỏ sau phần f/ có nghĩa khẩu độ lớn, và ngược lại.)
Lỗ aperture càng mở lớn thì số f-stop (khẩu độ) càng nhỏ.
Rất lộn xộn và khó hiểu, nhưng bạn nên nhớ:
Con số càng lớn = khẩu độ càng nhỏ.
Các F-stop được tượng trưng với dãy trị số tiêu chuẩn 1, 1.4, 2, 2.8, 4, 5.6, 8, 11, 16, 22, 32.
(Mỗi số f/ có giá trị gần gấp đôi (hoặc phân nửa) của con số bên cạnh; vậy khẩu độ f/11 sẽ cho vào ánh sáng gấp đôi f/16, và một nửa f/8.)
– Độ nhạy ánh sáng (ISO)
ISO là chữ viết tắt cho International Organization for Standardization (Hội Tiêu Chuẩn Quốc Tế). Trong các hệ thống máy ảnh số, bạn có thể tăng độ nhạy của sensor để đạt được độ sáng đúng mức. Những máy ảnh số căn bản (point-and-shoot) hiện nay có hệ thống chỉnh tự động (Auto) và chọn độ nhạy (ISO) thích hợp cho người chụp; nhưng với những máy ảnh phức tạp hơn, bạn có thể điều chỉnh theo ý bạn. Nhiều máy ảnh tối tân nhất hiện nay có ISO từ 100 lên đến 6400 hoặc cao hơn. ISO 200 có khả năng hấp thụ ánh sáng nhanh gấp đôi ISO 100 và bằng một nửa so với ISO 400. Nếu vậy ISO càng cao thì càng tốt phải không? Chưa hẳn đâu, bạn ạ! Khi bạn tăng độ nhạy của sensor, tín hiệu điện tử sẽ được khuếch đại công suất và hình của bạn sẽ bị nhiều hột (noise).
Sự so sánh giữa độ nhạy (ISO) thấp và cao. Hình trên được chụp với ISO 100 nên mịn và nét hơn. Hình dưới được chụp với ISO 3200 nên sáng đều hơn và bị nhiều hột (noisy).
Aperture, Shutter speed, và ISO chỉ là 3 trong số rất nhiều “bửu bối” của kỹ thuật nhiếp ảnh, nhưng lại là 3 điều quan trọng. Biết cách sử dụng 3 dụng cụ này liên hợp với nhau sẽ giúp bạn chụp được hình đẹp trong hầu hết mọi trường hợp, và cũng là một bước tiến lên từ bậc chụp “tài tử” đến “nghệ thuật”.
Andy Nguyễn và bằng thưởng của giải“Quốc Tế Windland Smith Rice” năm 2011, cùng với tạp chí đăng hình tác phẩm trúng giải mà anh vừa được gửi tới trong tuần qua.
A.N., Orlando
Để giúp GNA có thêm những bài viết phong phú và hấp dẫn, quý độc giả có thể liên lạc tác giả ở địa chỉ
email: info@wildwingsphotography.com với những câu hỏi liên quan hoặc đề tài bổ ích cho những kỳ báo tới.
Andy Nguyễn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã từng đoạt nhiều giải thưởng Quốc Tế.
Xin tham khảo trang web ở www.wildwingsphotography.com