Góc Nhiếp Ảnh kỳ này sẽ chỉ bạn cách phối hợp 3 thông số chính để có được hình tốt (shutter speed, aperture, và ISO). Trước khi vào đề, có thêm một khái niệm bạn cần biết.
. Depth of Field – gọi tắt là DOF (độ sâu trường ảnh)
DOF là khoảng cách mà ảnh còn rõ từ phía trước đến phía sau điểm lấy nét (focal point). Khoảng rõ nét do nhiều yếu tố ảnh hưởng đến. Tuy nhiên yếu tố đầu tiên có thể nói là độ mở ống kính. Khẩu độ càng lớn thì độ sâu càng hẹp lại. Ngoài ra còn những yếu tố khác ảnh hưởng đến DOF, như khoảng cách giữa ống kính và chủ đề; và khoảng cách giữa chủ đề và hậu cảnh…v.v.
Hầu như tất cả máy DSLR và những máy có chức năng chụp thủ công (Manual) hiện nay đều được trang bị với 4 chế độ căn bản như sau:
. Program (hoàn toàn tự động) ký hiệu P
Hai thông số khẩu độ và tốc độ sẽ do máy tự chọn hoàn toàn. Bạn chỉ cần lấy nét rõ và bấm chụp. Chế độ này cũng đôi khi được gọi là Automatic (tự động). Đa số những bạn mới bắt đầu chơi máy sẽ dùng mode này vì nó giản dị, khỏi cần suy nghĩ. Rất tiện khi bạn phải nhờ một người không biết chụp hình bấm giùm bạn một tấm.
Điểm lấy nét ở cuốn (Hợp Lưu) số 32-35. Hình trên rõ từ số 30-40, DOF cạn. Hình dưới rõ từ số 27-48, DOF sâu hơn.
– Aperture Priority (ưu tiên cho khẩu độ) ký hiệu A
Chế độ này người chụp sẽ chọn khẩu độ và máy sẽ chọn tốc độ thích hợp. Sự lựa chọn khẩu độ sẽ lệ thuộc vào DOF mong muốn cho ảnh. Nhiều người muốn sử dụng chế độ Aperture Priority vì họ muốn có sự kiểm soát về chiều sâu của cảnh vật. Nếu bạn muốn DOF cạn, bạn nên chọn khẩu độ lớn (số nhỏ) và để máy tự chọn tốc độ. Nếu bạn muốn mọi vật trong ảnh đều rõ, bạn sẽ chọn khẩu độ nhỏ nhất (f/22 hoặc f/32). Nên lưu ý khi thiếu ánh sáng, nếu bạn chọn khẩu độ nhỏ có thể tốc độ chụp sẽ giảm quá thấp và làm hình bị lòe vì run tay.
Shutter speed 1/15 giây được dùng để làm nhòa hậu cảnh (những hàng cây phía sau), gây cảm giác chiếc xe đang chạy nhanh.
Để dẫn chứng về DOF và aperture, tôi mượn hình tủ sách làm mẫu. Theo minh họa 1, điểm lấy nét ở cuốn Hợp Lưu số 32 hoặc 35.
Hình trên được chụp với khẩu độ f/5.6, chỉ có cuốn số 30, 32, 35, và 40 tương đối rõ nét – khoảng cách giữa số 30 và 40 được gọi là DOF, còn những số khác đều mất nét (out of focus). Hình dưới được chụp với khẩu độ f/16, những số từ 27 tới 48 đều tương đối rõ, DOF của ví dụ này rộng hơn DOF của ví dụ trên vì khẩu độ nhỏ hơn.
– Shutter Speed Priority (ưu tiên cho tốc độ chụp) ký hiệu S
Chế độ này người chụp sẽ chọn tốc độ và máy sẽ chọn khẩu độ tương ứng. Tức là không quan tâm đến độ mở của ống kính. Vài ví dụ điển hình như: với cảnh thác đổ bạn có thể chọn tốc độ cực nhanh để thấy rõ dòng nước, hoặc chọn tốc độ cực chậm để dòng nước nhìn giống khúc lụa trắng. Trong thể loại chụp ảnh airshow (máy bay biểu diễn là một sở trường của tác giả): tốc độ quá nhanh sẽ làm cánh quạt “cứng đơ” như có cảm giác máy bay sẽ rớt thẳng xuống đất; tốc độ đủ chậm thì sẽ làm chong chóng “mờ” theo vòng xoay và tạo cảm giác đang di chuyển trong không trung nhìn “thật” hơn!
Shutter speed 1/1600 giây làm “ngưng thời gian”. Chủ đề và những giọt nước đang văng nhanh đều được thấy rõ. Hình được tác giả chụp ở Đại Hội Vô Địch Trượt Nước Quốc Tế 2009.
– Manual (thủ công) ký hiệu M
Bạn sẽ có toàn quyền điều khiển các thông số chụp khẩu độ, tốc độ, và độ nhạy phơi sáng bằng thủ công. Đôi khi, bạn cũng có thể cố ý chỉnh dư sáng (overexposure) hoặc thiếu sáng (underexposure). Trong những trường hợp ánh sáng khắc nghiệt (thí dụ: bị chói mặt trời, back-lighting, hoặc “công-xô-lê” contre-soleil [cho các cụ nói tiếng Pháp ngày xưa]; chụp ban đêm), bạn sẽ cần phải dùng chế độ Manual. Phần còn lại của bài học kỳ này sẽ chỉ nói thêm về chế độ thủ công.
Trong hai năm vừa qua, giá thị trường của máy DSLR và những camera “ngầu” khác đã giảm khá đáng kể, và trở thành “vừa túi tiền” cho nhiều người thích chụp ảnh. Sống tại Orlando – một thủ đô du lịch của thế giới với Disney World và nhiều địa điểm thu hút khác, tôi thường chứng kiến nhiều khách du lịch mang máy DSLR gồ ghề mà chỉ bấm “búa xua” chứ không thật sự chụp ảnh.
Bấm búa xua cũng không sao, nhưng tôi không hiểu sao họ phải bỏ nhiều tiền mua máy tốt mà chỉ chụp “đại”, trong khi một máy point-and-shoot rẻ tiền và nhẹ hơn vẫn dư sức làm điều đó.
Sau một thời gian dạy nhiếp ảnh thực hành cho nhiều người, tôi có thể rút gọn lại vài lý do làm họ tránh dùng chế độ Manual:
– “Tôi chưa bao giờ học nhiếp ảnh”
– “Tôi không đủ thời gian để suy nghĩ về cách chỉnh máy khi chụp hình”
– “Có nhiều cách chỉnh quá, làm tôi sợ”
– “Hình sẽ bị xấu”
Nếu chúng ta phân tích ra từng phần, các thông số của máy ảnh không “đáng sợ” như những người trên đã nghĩ.
Tôi sẽ cố gắng giải thích bằng cách “nôm na” nhất để các bạn dễ hiểu. Mục đích chính là chúng ta muốn có độ ánh sáng như ý. Bạn cứ nghĩ ba thông số chính (aperture, shutter speed, và ISO) liên quan với nhau trong một phương trình đơn giản của toán học.
. Khẩu độ càng lớn, hình càng sáng.
. Tốc độ càng nhanh, hình càng tối.
. ISO càng cao, hình càng sáng.
Như vậy, khi bạn chụp hình trong lúc có nguồn ánh sáng tốt (nắng gắt hoặc đèn flash), bạn có thể yên trí để ISO thấp, rồi chỉnh tốc độ và khẩu độ tùy theo những ưu tiên trước nhất của bạn.
Bạn nên đặt câu hỏi cho mình: “Bây giờ tôi muốn hình có chiều sâu/cạn hoặc ảnh hoạt động nhanh/chậm?” Tự trả lời được câu hỏi này sẽ giúp bạn quyết định chỉnh dễ dàng.
Tôi nhớ hồi mới học chụp hình khoảng 30 năm trước, ông thầy dạy thuộc lòng mấy con số: “Hễ trời nắng thì để f/16, 1/60s, ISO 100; hễ trời có mây thì…….; chụp trong nhà thì……… v.v. và v.v.” Giờ nghĩ lại, những con số đó chỉ là một mẫu chỉ dẫn tương đối, để giúp cho người mới học. Khi tôi đưa máy lên để chụp thì không cần phải bận tâm suy nghĩ đến những con số. Nhìn bầu trời thì biết có bao nhiêu ánh sáng. Dù nắng gắt, nắng nhạt, mây mỏng, mây đen, trời mưa, thậm chí giông tố ầm ầm, ánh sáng trong ảnh vẫn luôn luôn cân đối. Và tôi dùng chế độ Manual gần như 100%, chỉ trừ khi nào nhờ người khác bấm hình cho tôi.
A.N
Orlando
Để giúp GNA có thêm những bài viết phong phú và hấp dẫn, quý độc giả có thể liên lạc tác giả ở địa chỉ
email: info@wildwingsphotography.com với những câu hỏi liên quan hoặc đề tài bổ ích cho những kỳ báo tới.
Andy Nguyễn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã từng đoạt nhiều giải thưởng Quốc Tế.
Xin tham khảo trang web ở www.wildwingsphotography.com