“Tụi nó (chỉ Công An-PV) nói ra quân để chấn chỉnh an toàn giao thông, chứ thiệt ra là để ăn cướp của dân chúng chứ chấn chỉnh cái gì”. Với giọng bực tức, ông H-một chủ xe tải tuyến đường Nha Trang-Sài Gòn nói.
Nha Trang-Sài Gòn = 14 giờ đồng hồ
Những ngày cuối năm Âm lịch vừa qua chính quyền tung lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên các con đường để chấn chỉnh an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn trong những ngày cận Tết. Nhưng, đối với những người hành nghề tài xế lái xe tải đường dài, thì đây lại là những thời điểm khó khăn nhất của họ khi phải căng mắt chạy liên tục và tốn tiền cho bọn CSGT.
Không khó để có thể tiếp cận với cánh tài xế xe tải. Dân tài xế thường không ưa cánh CSGT. Khi biết chúng tôi muốn viết phóng sự về nạn mãi lộ trên con đường Quốc Lộ 1, rất nhiều tài xế muốn giúp đỡ, chỉ với điều kiện đừng nêu tên thật của họ, để tránh gặp rắc rối với giới công quyền. Với rất nhiều người chạy xe tải, CSGT nhũng nhiễu họ quá nhiều, và họ muốn vạch mặt chúng trước công luận. Rất nhiều người còn nói thêm: “Cậu có muốn ghi âm hay gì khác thì cứ để tui làm cho. Tui đi con đường này hằng ngày, tụi nó nhìn quen mặt nên chẳng nghi ngờ gì đâu”.

Nguồn Nguoiviet.com
Từ Nha Trang đi Sài Gòn quãng đường chỉ dài 450km. Trên Quốc Lộ 1A, ngoại trừ khi vào khu vực dân cư buộc phải chạy với vận tốc 40km/h thì các loại phương tiện được chạy với tốc độ 70km/h. Song, với những người chạy xe tải họ phải mất đến 15 tiếng đồng hồ mới đến được Sài Gòn.
Sở dĩ thời gian từ Nha Trang đến Sài Gòn phải kéo dài như vậy là do cánh tài xế phải tránh rất nhiều trạm CSGT đứng trên đường. Anh T, một tài xế có nhiều kinh nghiệm đi trên cung đường này cho biết: “Bình thường thì từ Nha Trang đến Bình Chánh (Sài Gòn) chỉ có khoảng độ 10-12 trạm, nhưng vào những ngày cuối năm có thể lên đến 16 trạm hoặc hơn”. Sau đó anh liệt kê: Khánh Hòa 1 trạm; Ninh Thuận 1 trạm; Bình Thuận 3 trạm; Đồng Nai thì nhiều hơn có khi lên đến 5 trạm; Sài Gòn thì từ 4-6 trạm. Tất cả những nơi CSGT đứng đường thường cố định hoặc đôi khi di chuyển, và số trạm của mỗi tỉnh có thể thay đổi tùy thuộc vào những thời điểm phát động An toàn giao thông hoặc gần những ngày lễ Tết.
Tránh CSGT
Như đã nói, những điểm CSGT đứng đường thường ít khi thay đổi, hoặc nếu có thì cánh tài xế cũng loan báo cho nhau. Những địa điểm có CSGT đứng canh mọc lên các quán cơm chỉ chuyên phục vụ cho xe tải và xe khách đường xa. Đó cũng là nơi mà cánh tài xế làm nơi tránh các trạm kiểm soát.
6h chiều, quán cơm ở gần Du Long thuộc Ninh Thuận đông nghịt những xe tải. Đó là những chiếc xe mang biển số của các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Vẫn có lác đác những chiếc xe mang biển kiểm soát của các tỉnh phía Bắc, nhưng ít hơn nhiều. Họ dạt vào đây ăn cơm để chờ khi đội CSGT ở Du Long giao ca là tức tốc lên đường. Giai đoạn giao ca thường CSGT không đứng chốt, vậy nên họ sẽ tận dụng thời điểm đó để trốn phải đóng tiền mãi lộ.
Quán lúc nào cũng ồn ào những âm thanh của giới tài xế. Họ tranh thủ ăn nhanh để còn kịp thời điểm giao ca. Mọi người đang nói chuyện rổn rảng thì chuông điện thoại réo lên: “Nó đi rồi, nó đi rồi”. Vậy là tức tốc cánh tài xế tranh thủ trả tiền rồi nhảy lên xe để tiếp tục chuyến hành trình. Quán lại vắng vẻ như trước.
Anh T nói: “Làm tài xế cũng kiếm được nhiều tiền so với những nghề khác. Miễn là không bị CSGT thổi phạt”. Quả đúng như vậy, nếu so với những người không có bằng cấp, học thức không cao thì làm tài xế đường xa quả là kiếm được nhiều tiền. Nhưng nếu mà một tháng bị lãnh 2 cái biên lai phạt thì cũng coi như tiêu điều cả tháng. Vì mỗi biên lai như vậy giá thường 2 triệu đồng trở lên.
Anh T cho biết, chạy xe tải lớn không áp lực gì lắm, chỉ những xe đông lạnh chở tôm Post đi miền Tây mới áp lực. Vì phải chạy cho nhanh, chứ nếu để lâu tôm sẽ bị chết ngộp. Và những xe như vậy thường gây tai nạn hơn. Song, không phải như thế là được thoải mái. Cánh tài xế mỗi tối phải căng mắt để phát hiện ra CSGT đứng từ xa, còn phải tránh những nhân viên Công lộ thường xuyên chạy trên đường. Sợ nhất đối với họ là Thanh tra giao thông. Vì cánh này thường không nhận tiền mà chỉ phạt biên bản. Biên bản đối với họ là những cơn ác mộng.
12h tối, xe đến Tà Zôn, địa danh cửa ngõ để vào Phan Thiết. Xe lại phải vào một quán cơm ven đường để ăn tối. Thực ra là phải vào để tránh trạm đứng của cánh CSGT. Anh T nói: “Cả chuyến như vậy thường phải tránh 2 lần, có những lúc phải 3 lần. Nặng nhất vẫn là ở Đồng Nai”.
Đồng Nai từ nhiều năm nay vẫn tai tiếng về nạn mãi lộ. Ngã Ba Ông Đồn, Dầu Giây là những trạm mà cánh tài xế ghê sợ. Mỗi vi phạm nhỏ ở đây thường phải trả bằng 500 ngàn hoặc những biên bản lên đến vài triệu đồng. Và thường họ đưa tiền hơn là nhận biên bản. Vì với biên bản, cánh tài xế còn phải bị tịch thâu bằng lái, hoặc giam bằng lái trong vòng 1 tháng.

Nguồn US-24h.com.vn
Mua đường
Bà Tám H, chủ của 2 chiếc xe tải thường chở hàng Sài Gòn-Nha Trang kể câu chuyện gặp CSGT khi bà mới mua chiếc xe tải 5 tấn: “Lúc tui gặp nó (CSGT-PV), nhìn thấy chiếc xe mới của tui, nó nói, xe của bà mới mua trong đó của tui có một nửa”. Ý của viên CSGT rằng số tiền mà bà kiếm được trong việc kinh doanh sẽ phải chung cho họ ½.
Một vòng tròn không có lối thoát đối với những người kinh doanh vận tải, chở hàng đường xa là: Nếu chở hàng đúng tải quy định, họ sẽ không có ăn. Cước phí quá rẻ lại phải cạnh tranh với rất nhiều chủ xe khác. Họ chỉ là những chủ xe nhỏ lẻ, người nào mạnh nhất cũng chỉ có chừng khoảng 5,6 chiếc xe. Do không thành lập một hiệp hội xe vận tải nên họ chẳng thể bảo vệ nhau, quy định cước phí. Mà những hợp tác xã vận tải lập ra cũng chỉ để đóng thuế giùm chủ xe chứ cũng chẳng thể làm gì được nhiều. Do đó, buộc những chủ xe và tài xế phải chở hàng quá tải để đủ bù vào những chi phí như: xăng, thuế, tiền công cho tài xế, phụ xế… Và như vậy họ buộc phải chấp nhận nộp tiền mãi lộ cho cánh CSGT như một điều hiển nhiên.
Rất nhiều chủ xe, tài xế khi nói chuyện với chúng tôi cho rằng, việc mất tiền cho CSGT là điều hiển nhiên, khó tránh phải. Và, điều đáng buồn là trong số họ còn mong muốn cho CSGT “ăn” để khỏi bị làm khó.
Đồng Nai luôn là điểm quan trọng trong tất cả chuyến hành trình cho tất cả các loại xe từ miền ngoài vào. Vì đây là tỉnh cửa ngỏ để vào Sài Gòn. Mọi hàng hóa đều được tiêu thụ, hoặc trung chuyển từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây và các tỉnh thành khác. Do đó, mật độ các trạm gác của CSGT đông hơn, “ăn” nhiều hơn những nơi khác. CSGT ở đây phạt cũng rất nặng. Ví dụ như lỗi lấn tuyến, những nơi khác chỉ “ăn” 200 ngàn. Nhưng ở đây họ “ăn” đến 500 ngàn. Đương nhiên tiền phạt ấy được bỏ vào túi riêng chứ chẳng qua một biên lai phạt nào.
Để tránh khỏi bị phạt vì chở quá tải, bảo vệ cho tài xế mình khỏi bị thu bằng lái chủ xe thường “mua đường”. Bà Tám H là một trong những người chọn phương cách này. Xe của bà dù chở quá tải, bị CSGT kêu lại cũng chẳng bao giờ bị phạt. Vì bà đã “mua đường”. Mỗi chiếc xe hằng tháng phải đóng số tiền là 2,5 triệu và họ được thoải mái chở quá tải đi qua địa phận Đồng Nai. Tiền bà đóng sẽ thông qua một người trung gian mà bà gọi là “cò”. “Cò” này cứ đến tháng sẽ đến thẳng nhà bà để lấy tiền.
Đóng tiền “mua đường” cho CSGT còn chưa đủ, vì để vào được Sài Gòn, tất cả các xe chở hàng đều phải qua các trạm cân. Làm sao để có thể qua được các trạm cân điện tử mà không bị phát hiện? Và các chủ xe phải trả tiền cho các trạm cân để lúc nào xe đi ngang qua cũng đủ tải đúng quy định. Tùy theo trọng tải xe cho phép mà trạm cân quy định cho mỗi xe. Ví dụ, xe có trọng tải 5 tấn giá sẽ là 3 triệu; xe có trọng tải 8 tấn giá sẽ là 5 triệu một tháng. Và trọng tải càng lớn, số tiền bỏ ra cho các trạm cân càng nhiều. Tất nhiên, số tiền mà chủ xe bỏ ra cho các trạm cân thông qua việc “mua đường” này không được đóng vào ngân sách nhà nước mà vào túi riêng. Đó cũng là lý do vì sao trên tuyến đường Quốc lộ ở Việt Nam vừa chỉ mới làm xong không bao lâu đã bị hư. Nhưng không phải lúc nào “mua đường” xong chủ xe cũng có thể thoải mái đi lại. Vào những tháng cao điểm như tháng An toàn giao thông, ngày lễ Tết… họ cũng bị “kêu” lại phạt để “bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ”.
Những ngày giáp Tết là những ngày căng thẳng nhất đối với cánh tài xế và chủ xe.