Trong lần trước, chúng ta đã đề cập đến triệu chứng, nguyên nhân gây ra bệnh suy thận cấp tính (acute kidney failure) và các biến chứng. Phần tiếp theo sau đây là các thử nghiệm và phương pháp điều trị.

Chẩn đoán và thử nghiệm
Nếu có những dấu hiệu hoặc triệu chứng bị suy thận cấp tính, bác sĩ thường khuyên đi làm các thử nghiệm để xác nhận bệnh trạng. Thử nghiệm có thể gồm:
– Đo lượng nước tiểu thải ra trong một ngày để giúp bác sĩ xác định nguyên nhân bệnh suy thận.
– Thử nghiệm nước tiểu (urinalysis) để biết được những điều bất thường gây ra chứng suy thận.
– Thử máu: có thể cho biết hai yếu tố thường dùng để đo lường chức năng của thận, đó là mức độ chất urea và creatinine.
– Chụp hình: Ultrasound (siêu âm) và CT (computerized tomography – chụp cắt lớp) là những thử nghiệm giúp bác sĩ trông thấy được thận của bệnh nhân.
– Lấy mẫu tế bào: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu làm biopsy (sinh thiết) thận để lấy một ít tế bào thận làm thử nghiệm. Bác sĩ dùng một kim nhỏ đâm qua da vào trong thận để lấy mẫu tế bào ra.
Điều trị và thuốc men
Đa số người bệnh được chẩn đoán ra bệnh này trong khi đang nằm nhà thương. Thời gian điều trị tại bệnh viện lâu mau tùy thuộc nguyên nhân gây ra bệnh và tùy xem thận có hồi phục mau hay không. Bác sĩ sẽ:
1. Điều trị nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh, tức là xác định bệnh nào hoặc thương tật nào là căn nguyên gây hư hoại thận lúc đầu. Cách điều trị tùy thuộc vào những nguyên nhân đó.
2. Điều trị các biến chứng cho đến khi thận hồi phục: Bác sĩ cũng tìm cách ngăn ngừa các biến chứng và để cho thận có thời gian lành. Gồm có:
– Điều trị để quân bình số lượng chất lỏng trong máu: Nếu bệnh là do thiếu chất lỏng trong máu, bác sĩ có thể cho truyền chất lỏng qua mạch máu (IV = intravenous). Trong trường hợp ngược lại, suy thận cấp tính có thể gây ra chứng có quá nhiều chất lỏng, làm cho cánh tay và đùi sưng lên, bác sĩ có thể cho thuốc (diuretics) để cơ thể tống xuất nhiều nước hơn ra ngoài.
– Thuốc để kiểm soát potassium trong máu: Nếu thận khó lọc potassium ra khỏi máu, bác sĩ có thể cho uống calcium, glucose hoặc sodium polystyrene sulfonate (Kayexalate, Kionex) để ngăn tình trạng tích tụ cao chất này trong máu. Quá nhiều potassium có thể gây ra chứng tim đập không đều (arrhythmias) rất nguy hiểm và bắp thịt yếu đi.
– Thuốc hồi phục mức độ calcium trong máu: Bác sĩ có thể cho truyền calcium nếu lượng calcium trong máu xuống quá thấp.
– Thẩm tách các độc tố toxin: Nếu máu chứa các độc tố, có thể cần lọc máu tạm thời (hemodialysis, thường gọi tắt là dialysis) để giúp lấy các độc tố và các chất lỏng thặng dư hoặc chất potassium thừa ra khỏi thân thể trong thời gian thận lành. Thường dùng một bộ máy bơm máu ra khỏi thân thể và chuyển tới một chiếc thận nhân tạo (dialyzer) để lọc uế chất, sau đó máu được chuyển trở lại thân thể.
Cung cách sống và chữa trị tại gia
Trong thời gian hồi phục, bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng có thể đề ra một phương thức ăn uống đặc biệt để hỗ trợ cho thận và hạn chế công việc thận phải làm. Tùy theo tình trạng, trong phương thức ăn uống, bệnh nhân có thể phải:
– Chọn thực phẩm ít potassium như táo, cải bắp, đậu xanh, nho và dâu tây (strawberry). Tránh các thứ có nhiều potassium như: chuối, cam, khoai tây, cà chua và spinach.
– Tránh các sản phẩm được thêm muối khi biến chế, như súp hoặc rau đóng hộp, các loại thịt và cheese đã chế biến như xúc xích, hot dogs…
– Hạn chế phosphore, là chất khoáng có trong thực phẩm như sữa, cheese, đậu khô, bơ đậu phọng và các loại hạt. Quá nhiều phosphore trong máu có thể làm yếu xương và gây cho da ngứa ngáy.
Khi thận hồi phục, có thể không cần theo chế độ kiêng khem nữa, nhưng ăn uống lành mạnh vẫn là điều quan trọng.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh suy thận cấp tính thường khó tiên đoán hoặc đề phòng. Tuy nhiên ta có thể giảm bớt rủi ro bị bệnh bằng cách chăm sóc thận. Nên cố gắng:
– Theo đúng chỉ dẫn khi dùng các thuốc bán tự do để trị đau nhức như aspirin, acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil, Motrin IB). Uống quá liều lượng có thể làm gia tăng rủi ro bị suy thận cấp tính, nhất là nếu trước đây đã bị bệnh thận, bị tiểu đường hoặc huyết áp cao.
– Cộng tác với bác sĩ: Nếu bị bệnh thận hay các bệnh khác hoặc có nguy cơ bị suy thận cấp tính, như mắc bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp, nên theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát được tình trạng của bệnh.
– Đặt cung cách sống lành mạnh làm ưu tiên: Năng hoạt động, ăn uống đầy đủ và lành mạnh, uống rượu vừa phải (hoặc cữ uống).