Sở thú Chestatee Wildlife Preserve, tại Dahlonega, Georgia, đang thu hút người khắp thế giới tấp nập thăm viếng nhờ sự chào đời của Pippi từ ngày 21 Tháng Bảy năm 2010.
Pippi là tên gọi một nhi đồng “zedonk”, do sự kết hợp từ lừa mẹ “Sarah” (donkey) và ngựa vằn cha “Zeke” (zebra). Chủ nhân của sở thú đặt tên con vật như thế theo nhân vật oai hùng, chân đi vớ vằn Pippi Longstocking trong câu chuyện thiếu nhi của Astrid Lindgren.
Cha ngựa vằn mẹ lừa nên bốn chân Pippi có vằn trắng đen và lưng màu nâu sậm. Tại sao các di thể của ngựa vằn cha lại “nổi” (expressed) ở bốn chân và di thể từ mẹ lại nổi ở lưng thì Dế Mèn mò chưa ra chi tiết.
Theo Bác Sĩ Thú Y Ben Benson, làm việc tại sở thú kể trên, thì cuộc kết hôn (chính xác hơn là việc giao phối) giữa lừa cái và ngựa vằn đực là điều hiếm khi xảy ra. Ngược lại, sự giao phối giữa lừa đực và ngựa cái là điều thường thấy, nhi đồng xuất phát từ việc giao phối này được gọi là con “la” theo tiếng Việt và “mule” theo Anh ngữ. Danh từ “zedonk” xuất phát từ chữ “zebroid” (hay zebra mule và zebrule), tên gọi cho con cái của ngựa vằn và bất cứ một chủng “ngựa” (equine) nào, thường thấy nhất là do sự giao phối của ngựa vằn cha. Người thế giới đã gây giống kiểu “zebroid” từ thế kỷ XIX, và sách vở của cụ Charles Darwin đã ghi chép nhiều chi tiết về việc gây giống thú vật này.

Pippi và Mẹ Sarah – Nguồn andrewgough.co.uk
Việc “gây giống” giữa các chủng thú vật là do con người tạo ra, việc giao phối giữa các chủng lừa ngựa thường không xảy ra trong thiên nhiên.
Kết quả (hậu quả?) của cuộc kết hợp này là giống được tạo ra này không có khả năng sinh sản.
Theo các chuyên viên về di thể học, nhi đồng kết tinh từ cuộc giao phối giữa các con thú dị chủng, nhiễm sắc thể (chromosome) là con số lẻ nên chu trình sinh sản của tế bào (meiosis) chấm dứt vì không thể “chia đôi”.
Lừa và các chủng “ngựa” hoang có số nhiễm sắc thể khác nhau; lừa có 62 nhiễm sắc thể trong khi ngựa hoang tùy theo chủng loại có 32-46 nhiễm sắc thể. Dù con số kể trên khác biệt, khi kết hợp, các di thể vẫn có thể được “chia đều” mà tạo ra con cái, đứa con có số nhiễm sắc thể nhiều ít tùy thuộc vào số nhiễm sắc thể của cha mẹ nhưng con số này thường “lưng chừng” và không hoàn toàn giống như cha hoặc mẹ. Chính sự “lưng chừng” này khiến con vật mất khả năng sinh sản, hiện tượng này được gọi là Haldane’s Rule.
Chuyện “kết hợp” đã phức tạp như thế cuộc “giao phối” còn lộn xộn hơn nhiều, không giao phối thì sẽ chẳng có việc kết hợp giữa các di thể. Chuyện cặp kè của loài ngựa hoang không nên thơ chút nào dưới con mắt loài người: ngựa cái… đá vào đầu chàng vài mươi lần (thử sức chịu đựng của chàng hay “nện” cho bõ ghét cái mang nặng đẻ đau về sau?) rồi mới cho giao phối! Cách “đọ sức” của ngựa cái hoang dữ dội như thế dĩ nhiên là không mấy thu hút đối với ngựa đã thuần hóa nên các chàng ngựa nhà chạy trối chết, và chuyện giao phối thường không xảy ra.

Pippi, cha Zeke và Mẹ Sarah – Nguồn lifeinthefastlane.ca
Zonkey hay zedonk là việc kết hợp của 2 chủng loài vật (specie) cùng họ (genus) nên tương đối thành công. Nhi đồng có đặc tính của cả cha lẫn mẹ, và các đặc tính này tùy theo chủng loại của cha mẹ. Ta có những kết hợp nhiều “màu sắc” như “zebroid”, “zorse”…
Zebroid là con vật được ưa chuộng hơn so với ngựa vằn thuần chủng. Cơ thể con thú “zebroid” có nhiều nét tương tự như ngựa nhà, lại dai sức trong khi “cha / mẹ thuần chủng ngựa vằn là loài thú hoang dã, tính tình không thuần lương, hay nổi nóng, khó huấn luyện để làm việc phục vụ con người. Tuy dễ dạy hơn ngựa vằn thuần chủng nhưng zebroid vẫn có một số đặc tính của loài thú hoang truyền theo từ cha mẹ! Zorse cũng khó huấn luyện hơn so với loài ngựa nhà.
Trở lại với nhi đồng Pippi, những người chăm sóc con vật cho rằng nhi đồng rất dễ nuôi, có cá tính của cả cha lẫn mẹ. Khi được 3 ngày, Pippi đã “nói” tiếng ngựa vằn!
Thú vật trong sở thú kể trên (được nuôi theo môi sinh của rừng núi hoang dã) đã chung sống với nhau trên dưới 30 năm, nhưng đây là lần đầu tiên, sự giao phối xảy ra tự nhiên giữa hai chủng loại, hoàn toàn không do bàn tay con người “tác thành”.
Khi lừa mẹ Sarah mang thai, nhân viên chăm sóc thú vật đều chờ đợi sự ra đời của một con lừa nhỏ và họ đã lo lắng vì lừa mẹ mang thai khá lâu, lâu hơn thời gian định liệu mà chưa chịu đẻ. Pippi xuất hiện là một sự ngạc nhiên hoan hỷ cho mọi người làm việc tại sở thú.
Hóa ra, sự việc nào dù lạ lùng đến đâu cũng có thể xảy ra! Sự kinh ngạc là một món quà kích thích tâm trí hoạt động mà tìm kiếm các bí ẩn của sự việc chung quanh, phải không bạn?

Zebroid – nguồn openfreak.com