Các nhà khoa học ở Ecole Polytechnique Federale de Lausanne (Thuỵ Sĩ) đã sáng chế một “phòng xét nghiệm” máu đặt ngay dưới da người bệnh. Đây là một dụng cụ nhỏ xíu, chỉ dài 14 milimet và được thiết kế để có thể cấy vào dưới da. Năm bộ cảm ứng sẽ giúp cho việc phát hiện 5 loại protein và acid hữu cơ cùng lúc. Bề mặt của sensor được bao phủ một lớp enzyme để thu hút chất cần phân tích như lactate, glucose hay Adenosine..Trên nguyên tắc, dụng cụ này có thể phân tích mọi thứ, tuy nhiên hiện nay khả năng còn giới hạn vì các enzyme không tồn tại được lâu, nhưng điều này sẽ được cải thiện trong tương lai. Hơn nữa, dụng cụ này rất nhỏ nên có thể được thay thế rất dễ dàng khi cần thiết. Ngoài các sensor, dụng cụ này còn được trang bị bộ phận phát sóng để chuyển các dữ liệu phân tích tới máy nhận. Dụng cụ này cũng không dùng pin mà có một bộ phận nhận điện cảm ứng từ bên ngoài mà không cần dây dẫn. Mẫu “phòng thí nghiệm dưới da” này đã được thử nghiệm và kết quả nó cung cấp hoàn toàn đáng tin cậy cũng giống như các xét nghiệm máu truyền thống xưa nay. Các nhà khoa học tin rằng dụng cụ này sẽ hết sức hữu ích cho những bác sĩ điều trị ung thư vì họ cần kết quả phân tích máu thường xuyên khi điều trị bệnh nhân bằng chemotherapy.

Nhà không tiêu thụ điện
Một gia đình đã chuyển vào cư ngụ trong căn nhà không tiêu thụ điện đầu tiên ở Hoa Kỳ. Kiểu nhà này được đặt tên là Net Zero Active House, xây thử nghiệm ở St Louis, Missouri vì ở đây thời tiết thay đổi nhiều trong năm. Nếu căn nhà tỏ ra hiệu quả ở St Louis, người ta có thể xây ở bất cứ khu vực thời tiết nào khác ở Hoa Kỳ. Active House dù bên ngoài trông giống như mọi căn nhà khác nhưng được thiết kế đặc biệt với nhiều cửa sổ, skylight, ống dẫn ánh sáng… để lấy ánh sáng và tăng độ thông gió làm mát nhà. Ngoài ra, hệ thống tường cũng khác biệt để bảo đảm cách nhiệt và mái nhà làm bằng vật liệu phản quang để không bị nóng. Hệ thống khác trong nhà như tủ lạnh, máy nước nóng… dùng điện lấy từ năng lượng mặt trời mặc dầu cũng nối vào hệ thống gas để phòng hờ. Hầu hết các cửa sổ và rèm che được nối kết vào hệ thống tự động kiểm soát số lượng nhiệt, ánh sáng và không khí đi vào phòng. Gia chủ có thể thiết đặt chương trình để mở và đóng cửa hay rèm tuỳ ý muốn theo thời điểm trong ngày, tháng hay năm. Điểm đặc biệt nhất là trông bên ngoài căn nhà hoàn toàn hài hoà với khu vực chung quanh. Gia đình chủ căn nhà đầu tiên này gồm David, Thuy, và con gái Cameron, đồng ý để University of Missouri lấy số liệu tiêu dùng năng lượng của căn nhà này để có một kết luận chính thức.




