Lần đầu tiên việc ghép một cánh tay giả vào người thật được tiến hành, giống như các cyborg trong phim ảnh. Dự án được một nhóm bác sĩ giải phẫu ở Sahlgrenska University Hospital tại Sweden tiến hành dưới sự chỉ huy của tiến sĩ Richard Branemark. Cánh tay giả này được gắn nối vào tay thật qua một ổ nối (socket) gắn thẳng vào xương cánh tay thật để tạo ra thoải mái cho người được ghép. Ngoài ra, phần tay giả có hệ thống vận hành với các điện cực được nối thẳng vào dây thần kinh và cơ của người được ghép, vì vậy cánh tay giả này có thể được điều khiển trực tiếp từ não bộ. Bác sĩ Branemark nói rằng phần ghép này sẽ có nhiều chức năng hơn loại tay được điều khiển qua các điện cực gắn vào da vì loại này thu được nhiều tín hiệu từ não hơn. Ngoài ra, các điện cực ở đây còn có thể gửi tín hiệu ngược trở về não làm người được ghép có “cảm giác” hơn.
Mắt nhân tạo
Với trên 200 triệu đô la đầu tư và trên 20 năm miệt mài nghiên cứu, sản phẩm mắt nhân tạo của công ty Second Sight đã được chấp thuận của cơ quan Quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) để đưa ra thị trường. Mắt nhân tạo này đã được thử nghiệm từ năm 2007 và được chấp thuận cho bán của Châu Âu từ năm 2011 nhưng tới nay mới được bán ở Hoa Kỳ. Đây là hệ thống nhằm giúp cho những người hầu như bị mù do bị thoái hoá võng mạc. Hiện có khoảng 100,000 người ở Mỹ bị bệnh này. Mắt gồm một máy quay phim cực nhỏ gắn vào một khung kính liên kết vô tuyến với một máy thu và một dãy điện cực hết sức nhỏ cấy vào võng mạc của bệnh nhân. Các điện cực nhỏ này trải rộng một góc 20 độ, sẽ kích thích các tế bào còn lại của võng mạc bằng các nhịp xung điện đi xuống các dây thần kinh thị giác để chuyển về não. Mặc dù mắt này không phục hồi được hoàn toàn khả năng nhìn, nhưng bệnh nhân có thể diễn dịch các tín hiệu và cải thiện hình ảnh nhận được như có thể nhận ra màu sắc, nhìn thấy các chữ viết to và xác định vị trí đồ vật.