Thưa bác sĩ, cháu thường lở môi miệng khi ăn đồ có dầu chiên hoặc khí hậu quá lạnh, cháu hay có những mụt nhỏ mọc xung quanh miệng rất khó chịu và đau. Cháu có đọc trên báo nói là do bệnh Herpes Simplex, bác sĩ có loại thuốc nào chữa bệnh này giúp cháu. Nga Tran
Đáp
Chào cô Nga
Tôi thông cảm với cô vì loét lở miệng thường là rất đau, nhất là khi ăn uống.
Loét lở miệng môi do nhiều nguyên nhân: có thể là nhiễm trùng với các loại vi khuẩn, virus, nấm hoặc là dấu hiệu của suy dinh dưỡng hoặc biến chứng một số bệnh của cơ thể… Cho nên muốn điều trị phải đi bác sĩ khám để tìm nguyên nhân. Điều trị có thể với các loại kháng sinh, thuốc chống virus, thuốc súc miệng diệt vi khuẩn, nước muối…
Herpes Simplex là một loại virus gây bệnh ở miệng và cơ quan sinh dục. Không có thuốc chữa dứt bệnh này, nhưng có các loại thuốc như acyclovir, Famciclovir… có thể rút ngắn thời gian bị bệnh. Các thuốc này cần được bác sĩ khám, biên toa và theo dõi.
Trong khi chờ đợi, cô có thể súc miệng với nước muối hoặc các nước súc miệng bán ở siêu thị có chứa chất gây tê tê ở miệng để giảm đau.
Tôi đề nghị cô đi khám bác sĩ gia đình để tìm nguyên nhân rồi điều trị nhé chứ để lâu không ăn uống được thì rất bất tiện.
Chúc cô mọi sự bình an
Tôi tên Lê Thị Vinh, năm nay 65 tuổi, đã cắt sạn mật 1995. Từ 2001 tôi bắt đầu uống thuốc trị mỡ trong máu và thuốc hạ huyết áp (Simvatatin40 và Co.Aprovel150mg/12). Tới năm 2009 uống thêm thuốc tiểu đường Metformin-1000mg (ngày 1/2 viên). Trong thời gian này thỉnh thoảng đau bao tử, ợ hơi, ợ chua, đau thường vị, sưng ruột, thỉnh thoảng đi tiểu ra máu tươi vì bị trĩ. Từ 2010 tôi uống đều đặn thuốc nghệ. Thời gian gần đây tôi thường bị đau bụng, sưng chướng bụng, đầy hơi, rất khó chịu thỉnh thoảng đau tức vùng thường vị. Tôi có đi soi DD và kết quả mới nhất (4/11/2011) là bị TUYP-A.GASTRITIS (không có vi trùng Helicobacterial). Bác sĩ cho uống Esomeprazol 20mg- sáng sớm 1 viên+Domperidon ngày 2 viên. Tôi uống hơn 1 tháng, nhưng chỉ bớt không khỏi. Nên bác sĩ đổi thuốc
Pantozol40mg-sáng sớm 1 viên + domperridon 2 viên/ngày sau khi ăn. Hiện tôi đang uống 2 thứ này được nửa tháng, cũng đã thấy bớt nhiều. Vì không hiểu tiếng Đức nên tôi không biết loại bịnh Gastritis Tuyp-A này thế nào, bác sĩ có nói loại này chữa không dứt được mỗi khi bệnh tái phát phải điều trị ngay.
Vậy tôi có nên tiếp tục thuốc nghệ nữa hay không? Và cần kiêng cữ những gì cho bệnh thuyên giảm tốt hơn. Tôi đã dùng Hat Methi pha nước uống hàng ngày đã 2 năm rồi, nhưng tôi đã không uống nữa. Vậy tôi có thể tiếp tục việc ăn uống không? Le thi Vinh
Đáp
Chúng tôi xin trả lời mấy câu hỏi của bà:
1- Gastritis type A là một loại viêm dạ dày gây ra do rối loạn chức năng của hệ miễn dịch, đưa tới viêm dạ dày.
Y học phân chia viêm dạ dày làm nhiều loại:
a- Loại A là một bệnh tự miễn, gây ra do một số tác nhân như thuốc lá, rượu và có thể đưa tới thiếu hồng cầu vì thiếu vit B12.
b- Loại B chiếm 80% trong số các bệnh viêm dạ dày là 90% do vi khuẩn Helicobacter Pylori gây ra.
c- Loại C chiếm 10% và gây ra do mật từ túi mật vào kích thích niêm mạc dạ dày.
Điều trị viêm dạ dày tập trung vào việc giảm chất chua trong dạ dày. Nếu do HP gây ra thì dùng thêm kháng sinh. Trường hợp của bà không phải do HP, cho nên uống các thuốc mà bác sĩ cho là đúng rồi. Bà nên tiếp tục.
2- Về nghệ thì nếu bà thấy có ảnh hưởng tốt và không gây ra phản ứng gì thì dùng thêm cũng được, nhưng chỉ nên coi nghệ như là để hỗ trợ cho sự tiêu hóa chứ không phải là để trị dứt bệnh viêm dạ dày.
3- Hạt methi được giới thiệu là hạ đường huyết và cholesterol. Uống cũng được, nhưng cần uống các thuốc mà bác sĩ đang chữa cho bà về huyết áp, mỡ.
Bà cũng nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng các loại thực phẩm, bớt chất béo, tránh quá nhiều chất cay chua, thức ăn khó tiêu và vận động cơ thể nhẹ nhàng.
Kính chúc bà được luôn luôn mạnh khỏe, sống vui với các con các cháu.
Chảy máu cam có nguy hiểm không?
Tôi có đứa cháu nội gái, cháu gần 7 tuổi. Cháu rất thường bị chảy máu cam, thường là về ban đêm. Khi bị chảy, cháu bị chảy rất nhiều, và rất là khó để ngưng lại.
Cháu có bảo hiểm tốt, đã đi bác sĩ gia đình nhiều lần, nhưng không thuyên giảm.
Cháu không được khoẻ mạnh, hay bị ói và hay bị cảm (sốt, ho) Khi mẹ cháu có bầu cháu, thì đang bị bướu cổ.
Như vậy thưa bác sĩ, có phải cơ thể cháu không được khỏe, là do ảnh hưởng của người mẹ khi mang bầu?
Cháu bị chảy máu cam như vậy, thì có thể chữa được không? Và có nguy hiểm không?
Thành thật cám ơn Bác sĩ và chúc Bác sĩ nhiều sức khỏe và may mắn. Phương Vũ.
Đáp
Chào bà Phương
Không thấy bà cho biết cháu chảy máu cam ở một bên mũi hoặc hai bên.
Chảy máu cam tiếng Anh gọi là Epistaxis.
Bệnh có nhiều nguyên nhân như là: Không khí trong nhà quá nóng và quá khô; khí hậu quá lạnh, viêm xoang, hỉ mũi quá mạnh, ngoáy lỗ mũi hoặc có vật lạ trong mũi; viêm mũi do dị ứng, vách ngăn mũi bị lệch và ở người lớn có một số nguyên nhân khác như cao huyết áp, ảnh hưởng của việc hít cocaine…
Chảy máu khi một mạch máu nào đó trong mũi bị tổn thương và máu chảy ra. Nếu cháu liên tục bị chảy máu, bà nên đưa cháu tới bác sĩ tai mũi họng để khám bệnh, tìm nguyên nhân rồi điều trị. Xin bà yên tâm vì các bác sĩ chuyên môn có nhiều cách để chữa bệnh này.
Khi cháu chảy máu, bà nên cho cháu ngồi, đầu hơi ngả về phía trước, nói với cháu thở bằng miệng và bà lấy ngón tay đè vào bên mũi chảy máu chừng dăm phút để mạch máu khép kín lại. Bà cũng có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi cháu một ít giọt khi cháu bị nghẹt mũi.
Tôi không nghĩ rằng khi mẹ cháu có thai và bị bệnh thyroid gây ra chuyện chảy máu cam của cháu. Chắc là cháu chỉ chảy máu cam vì thay đổi thời tiết mà thôi.
NYD