Một trong những điều khoản quan trọng nhất của luật y tế liên bang mới, hay ngắn gọn ObamaCare, là quy định bắt buộc mọi công dân Hoa Kỳ và thường trú nhân hợp pháp phải có bảo hiểm sức khoẻ, nếu không muốn nộp phạt thông qua trả thuế. Trong loạt bài về bảo hiểm y tế, Trẻ đã trình bày cách áp dụng luật bảo hiểm sức khoẻ khác nhau ở các tiểu bang. Trên trang báo tuần này, chúng tôi chú trọng vài trường hợp có thể được miễn áp dụng ObamaCare, đặc biệt khi liên quan đến tôn giáo, cách riêng là Công Giáo (Roman Catholic).

Điều luật bắt buộc các cá nhân phải có bảo hiểm sức khoẻ gọi là “Individual Mandate”. Một cách chung, từ đầu năm 2014, những cá nhân / gia đình có thu nhập cao hơn 400% (nghĩa là hơn 4 lần) mức nghèo khổ (theo tiêu chuẩn liên bang) có trách nhiệm tự trang trải chi phí bảo hiểm y tế. Những ai đủ khả năng tài chánh, nhưng không mua bảo hiểm sức khoẻ, sẽ phải đóng thêm tiền thuế. Trên mặt chánh thức, phương pháp chế tài này là một khoản thuế. Nhưng cũng có thể hiểu đây là cách phạt vạ của chánh phủ.
Vì sao liên bang không thể thẳng thừng phạt vạ người ta, lại phải đi vòng qua ngã “đóng thuế” với sở thuế liên bang IRS? Lý do là vào Tháng Sáu 2012, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, với số phiếu sít sao 5 thuận 4 chống, đã phán quyết ObamaCare và “Individual Mandate” là hợp hiến. Toà tối cao biện luận rằng, mặc dù chánh phủ không được quyền bắt buộc dân chúng làm điều gì đó (bao gồm mua bảo hiểm y tế), song chánh phủ có đủ thẩm quyền đánh thuế những người không mua bảo hiểm. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi không chú trọng đi sâu vào khía cạnh pháp lý có phần lắt léo khó hiểu này.

Bà Pam Bondi (trái), tổng biện lý Florida, 1 trong 13 tiểu bang đang yêu cầu điều chỉnh luật ObamaCare, thêm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng.
Với phán quyết của toà tối cao, trên thực tế, luật bảo hiểm sức khoẻ sẽ bắt đầu xuất hiện trên mẫu khai thuế từ năm 2014. Các “tiệm” rao bán bảo hiểm sức khoẻ (Health Insurance Marketplace) được chánh phủ liên bang thiết lập, hoặc chuẩn thuận, sẽ mở cửa từ đầu Tháng Mười 2013. Người ta cần mua bảo hiểm ở đây, từ thời điểm này đến đầu năm 2014, nếu muốn tránh bị đánh thuế “phạt vạ” vào thời điểm khai thuế.
Cũng cần nhắc lại, luật y tế mới ObamaCare hiệu lực từ Tháng Ba 2010, sau khi Quốc Hội bỏ phiếu thuận và TT Obama ký thành luật liên bang. Trước đó, ở Hạ Viện HK, kết quả thông qua luật rất khít khao, với 212 phiếu chống và 219 phiếu thuận. Đến nay, đã ngoài 3 năm, ObamaCare vẫn là đạo luật người binh kẻ chống đều đông đảo ngang nhau. Đi vào chi tiết, điều luật “Individual Mandate” bắt buộc dân Mỹ mua bảo hiểm là một trong những khoản gây nhiều tranh cãi nhất. Có 2 phản biện lớn. Thứ nhất, ObamaCare tước bỏ một quyền tự do căn bản của công dân — có quyền từ khước mua hoặc không mua sản phẩm nào đó. Thứ hai, luật y tế có thể ép công dân phải chọn lựa giữa thiệt hại tài chánh (phải trả thêm tiền thuế), hoặc vi phạm tín ngưỡng cá nhân. Điểm thứ hai này tế nhị và hệ trọng vì nó động chạm đến quyền tự do tôn giáo.

Một nữ tu gốc Việt, thuộc dòng Đa Minh (Dominican) Công Giáo, đang giúp khám bịnh người cao niên.
Đâu là nguồn cơn của phản biện này? ObamaCare quy định những tổ chức, công ty, hãng xưởng có trách nhiệm mua bảo hiểm cho nhân viên/thành viên của mình. Luật bao gồm nhiều tổ chức tôn giáo, trong đó có cả các dòng tu Công Giáo (Catholic Religious Order). Cùng lúc, có một điều luật ObamaCare quy định các chương trình y tế phải cho người mua bảo hiểm quyền dùng các chữa trị mang tính cách phòng ngừa (Preventive Service) một cách dễ dãi, không phải trả thêm tiền co-pay. Cơ quan liên bang chịu trách nhiệm thực thi luật bảo hiểm mới, Bộ Y Tế và Nhân Sinh HK (Department of Health and Human Services), dưới quyền Bộ Trưởng Kathleen Sebelius, định nghĩa “Preventive Service” gồm nhiều dịch vụ y tế phổ biến, được chấp nhận rộng rãi như: tiêm chủng ngừa cảm cúm; khám bịnh định kỳ; đo huyết áp; thử cholesterol; ngăn ngừa bịnh ung thư; chụp hình quang tuyến ngực (mammogram) v.v…
Điểm gai góc là danh sách “Preventive Service” còn bao gồm các cố vấn y khoa hướng đến Family Planning (“kế hoạch hoá gia đình”), cũng như quảng bá nhiều phương pháp/thuốc men mang mục đích ngừa thai, phá thai, triệt thai/triệt sản, v.v… Đây là những điểm mâu thuẫn lớn với tín lý của nhiều tôn giáo, trong đó có Giáo Hội Công Giáo. Hội Đồng Giám Mục Công Giáo HK, qua vị đứng đầu Uỷ Ban Phò Sự Sống (Committee on Pro-life Activities) là Hồng Y Tổng Giám Mục Daniel DiNardo (Galveston-Houston), đã ra tuyên cáo phản đối gay gắt: “Mang thai không phải là một cơn bịnh và sự sinh sản không thuộc về tình trạng bịnh lý để bị triệt bỏ,” (nguyên văn “Pregnancy is not a disease and fertility is not a pathological condition to be suppressed”).
Vì sự mâu thuẫn này, chánh phủ liên bang nhượng bộ bằng cách đề nghị thêm vào các trường hợp miễn áp dụng ObamaCare với lý do tôn giáo, dành cho những tổ chức vô vị lợi (non-profit) hội đủ các điều kiện: có tín ngưỡng mâu thuẫn với ObamaCare, và chánh yếu thuê mướn nhân viên, cũng như chánh yếu phục vụ người đồng đạo. Đa phần những người tự động khỏi bị ràng buộc bởi điều luật “Individual Mandate” là thành viên các giáo phái đã được Sở An Sinh Xã Hội (Social Security Administration) thừa nhận, như các nhóm Amish, Mennonite… Những tổ chức tôn giáo khác, nếu có nhu cầu, cần phải xin miễn áp dụng tại các tiệm “Health Insurance Marketplace”.

Tại Hoa Kỳ, có nhiều tổ chức, dòng tu Công Giáo làm việc xã hội mạnh mẽ như lập nhà thương, mở trường học, v.v…
Dựa trên các ngoại lệ “exemption” này, một số tổ chức tôn giáo, cách riêng của Công Giáo, có thể được miễn áp dụng ObamaCare, và thành viên của họ không bị bắt buộc mua bảo hiểm y tế, mà không phải đóng thuế “phạt vạ”. Các tổ chức hội đủ điều kiện được miễn trừ cũng không cần phải chu cấp cho nhân viên/thành viên của mình các biện pháp tránh/ngừa thai, triệt sản, v.v…
Đối với các cá nhân, nhiều người cũng sẽ được miễn trừ trên căn bản tôn giáo, nếu chứng minh được bảo hiểm y tế đi ngược lại tín ngưỡng luân lý của họ. Ngoài ra, tự bản thân luật ObamaCare cũng đã có các trường hợp miễn trừ tự động bằng lý do kinh tế, bao gồm: những người thu nhập thấp không phải khai thuế (thu nhập dưới $9,500 / năm); những người chứng minh được bảo hiểm rẻ nhất cũng có premium vượt mức 8% thu nhập của mình.
Song vẫn còn nhiều tổ chức và cá nhân có thể bị kẹt “giữa 2 làn đạn”. Những nơi này thường xuyên thuê mướn rất nhiều nhân viên, gồm chuyên viên xã hội, luật sư, lao công, nhân viên văn phòng, v.v… mà nhiều người không theo đạo Công Giáo (đặc biệt đúng trong trường hợp các Giáo Phận rộng lớn). Sứ mạng của các tổ chức này cũng đa dạng, thường vượt ngoài phạm vi nội bộ Công Giáo: giáo dục, làm việc từ thiện, dịch vụ xã hội, tuyên uý trong các nhà tù… khiến họ không thoả mãn điều kiện thứ hai — chánh yếu thuê mướn nhân viên, và chánh yếu phục vụ người đồng đạo. Trong nhóm này có trên 200 đại học Công Giáo với 750,000 sinh viên; gần 7,000 trường CG từ tiểu học đến trung học; khoảng 600 nhà thương, và chừng 1,400 viện dưỡng lão Công Giáo, v.v…
Không ít dòng tu đã tỏ vẻ lo ngại. Nếu không được miễn trừ dài hạn, một số dòng tu nghèo, thiếu dự trữ tài chánh, sẽ không đủ tiền trả thêm thuế, phải giảm bớt hoạt động, thậm chí có thể đối diện nguy cơ phải đóng cửa.
Trên thực tế, lâu nay các dòng tu và các Giáo Phận Công Giáo đa phần đã có bảo hiểm y tế cho thành viên chánh thức, là các tu sĩ đã “chịu chức” hoặc đã “khấn”. Hoàn cảnh có khó khăn hơn cho các “tu sinh” hoặc “chủng sinh”, là những người đang trong thời gian tu tập, không có thu nhập. Các trường hợp này có thể được nhận trợ cấp, không nhiều thì ít, để mua bảo hiểm y tế, thậm chí có thể vào chương trình “Medicaid”, được chăm sóc y tế miễn phí (điều khoản thu nhập dưới 133% mức nghèo khổ). Hiện tại, không hiếm tu sinh rải rác tại các tiểu bang khác nhau đã dùng Medicaid.
Vẫn còn không ít chống đối luật ObamaCare đặt trên căn bản đi nghịch lại luân lý tín ngưỡng. Có 12 tiểu bang đã chánh thức phản đối điều khoản bao gồm “phá thai” trong luật y tế mới. Hằng trăm tổ chức và công ty, dù không trực tiếp dính líu đến tôn giáo, cũng đang thưa kiện, đòi được hưởng các luật trừ mà Bộ Y Tế đã ban hành. Ngày 26-3 mới đây, các tổng biện lý (attorney general) của 13 tiểu bang đã gởi thơ lên Bộ Y Tế, yêu cầu đặt để thêm nhiều quy định tôn trọng quyền tự do tôn giáo, nhằm mục đích bảo vệ chủ nhân thương mại, khỏi bị ép buộc phải trả chi phí cho các dịch vụ y tế đi ngược lại tín ngưỡng của họ (ngừa thai, phá thai, triệt thai…) Những vụ thưa kiện này, và phán quyết của toà án các cấp trong tương lai, kể cả Tối Cao Pháp Viện HK, có thể làm thay đổi diện mạo luật y tế ObamaCare như ta thấy hiện nay.

Trong khi giới tu sĩ (áo sậm) thường đã có bảo hiểm y tế từ trước, với ObamaCare, các tu sinh Công Giáo (áo nhạt) thu nhập hạn chế, có thể được nhận trợ cấp liên bang, thậm chí vào chương trình “Medicaid” chăm sóc y tế miễn phí.