Họ nói: ‘Tụi em thiếu sân chơi quá! Làm cái gì cũng bị cấm, bị quy chụp. Riết đâm ra cúm giò cúm cẳng! Nay tự nhiên có người bỏ tiền,’ bảo kê’ cho mình chơi. Ngu gì không chơi, dù chỉ là chơi kiểu con nít đi xe đạp, nhảy nhót, hát hò vớ vẩn.
Hưởng ứng Giờ Trái Đất tại Sài Gòn
Chiến dịch Giờ Trái Đất (Earth Hour) được thực hiện lần đầu tiên tại thành phố Sydney, Úc vào năm 2007. Người đồng sáng lập chiến dịch, đồng thời là Giám đốc điều hành Giờ Trái Đất, ông Andy Ridley, từng tỏ ý mong muốn ‘Earth Hour’ sẽ giúp ‘kết nối cộng đồng toàn cầu, kết nối các tầng lớp xã hội… giúp nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn’.
Mẫu logo áo thun đoạt giải trong cuộc thi thiết kế mẫu về đề tài bảo vệ môi trường
Năm ngoái, mong ước của ông Andy Ridley đã thành hiện thực ở 5000 thành phố, thị trấn của 147 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm nay, con số này tăng hơn một chút, khi có sự tham gia của các ‘lính mới’ như Tunisia, Palestine, Rwanda… Hầu hết các công trình kiến trúc, các địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới như Nhà hát Con Sò và Cầu cảng Sydney (Úc), Tháp đôi Petronas (Mã Lai), Sân vận động Tổ chim (Trung Quốc), Tháp Eiffel (Pháp), Cổng Brandenburg (Đức), Núi Bàn (Nam Phi), những năm trước từng tắt đèn hưởng ứng chiến dịch, năm nay vẫn tiếp tục hưởng ứng. Tại Việt Nam, những hoạt động hưởng ứng Giờ Trái Đất đồng loạt diễn ra trên toàn quốc từ chiều ngày 23 Tháng 3 (Thứ Bảy cuối cùng của Tháng 3) tại các tụ điểm văn hóa, các trục đường giao thông, sân chơi văn nghệ, với lực lượng nòng cốt là sinh viên, thanh niên…
Tại Hà Nội, BOO Vironment cùng Tổ chức ‘Action 4 future’, WWF VietNam, Live & Learn phối hợp tổ chức cuộc thi thiết kế các logo ấn tượng trên áo thun về chủ đề tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Với thông điệp ‘We need your shirts to save our planet’ cuộc thi đã thu hút hơn 500 ‘cọ sĩ’ gửi mẫu tham dự. Cuối cùng, chiếc áo thun với logo ‘Dừng xe tắt máy, áy náy gì đâu’ của Nguyễn Duy Đức được trao giải nhất và 15 triệu đồng. Toàn bộ tiền thu được do bán 1,200 chiếc áo thun in 12 mẫu logo xuất sắc nhất, sẽ được dùng vào việc biến những thùng rác bẩn thỉu, nhếch nhác của Hà Nội thành những thùng rác bắt mắt, mời gọi người qua đường thực hiện khẩu hiệu ‘Bỏ rác vào thùng, anh hùng đất Việt’(!).
Thân cây trên đường Pasteur, một cổ hai tròng… băng rôn ‘Rờ Trái Đất’
Tại Sài Gòn, từ cả tuần trước, biểu ngữ đã chăng đầy trục lộ giao thông chính, đại loại ‘Điện còn dân khỏe, điện rẻ dân vui’, ‘Tắt điện là thân thiện môi trường’. Sinh viên các trường đại học là lực lượng nòng cốt. Chính họ có sáng kiến biến vỏ lon sữa qua sử dụng thành 212 tấm lợp, tổng diện tích 300m2, lợp cho trường mầm non Hoa Phượng huyện Bình Chánh, ‘hô biến’ 400 bóng đèn dây tóc thành bóng đèn compact cho các hộ nghèo. Ngoài ra, cũng chính họ, vào sáng ngày Thứ Bảy 23 Tháng 3, ngày diễn ra sự kiện Giờ Trái Đất, đã vui vẻ ‘vũ trang’ đủ loại khẩu hiệu cờ quạt, chở nhau trên 1,000 chiếc xe đạp, lăn bánh chậm rãi qua các quận huyện đông dân, lấy chữ ký, thậm chí in vân tay, kêu gọi hưởng ứng Giờ Trái Đất.
Vào buổi chiều cùng ngày, tại một điểm, nơi sẽ diễn ra sự kiện Giờ Trái Đất, những gian hàng bán sản phẩm tái chế, hàng thủ công của người khuyết tật đã đông khách. Chỗ này, mấy cô gái xúm nhau hoàn thành bức tranh chủ đề ‘Năng lượng tương lai’ kết bằng 2000 chai nước suối qua sử dụng. Chỗ kia vài anh cúi rạp chăm chú sơn phết những tấm phông sân khấu trẻ trung. Chỗ nọ, một dàn diễn viên không chuyên mồ hôi mồ kê dượt nhảy flashmob, chuẩn bị cho ‘đêm sự kiện’ bắt đầu vào 19 giờ cùng ngày. Dự định khi cuộc vui vào lúc ‘đỉnh’ nhất, lúc 20 giờ 30 tối, thì đèn đuốc sẽ ‘phụt một cái, tối thui’, để cùng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cho mẹ đất nghỉ ngơi một tiếng đồng hồ.
Hô hào lắm, chuẩn bị nhiều, Sài Gòn, Hà Nội tỏ ra rất tự tin, rất khí thế. Nhưng rốt cuộc, kết quả không như mong đợi. Sau một giờ ‘nhà ngói như nhà tranh’, lượng điện tiết kiệm thay vì sẽ là 700,000 KW như các ông điên nặng… điện dự trù thì lại chỉ đạt có 400,000KW (thấp hơn năm ngoái 100,000KW), quy thành tiền, chẳng đáng bao nhiêu. Mặc kệ mặt ‘người lớn’ chảy dài, ‘mặt ‘người bé’ cứ tỉnh như không. Họ nói: ‘Tụi em thiếu sân chơi quá! Làm cái gì cũng bị cấm, bị quy chụp. Riết đâm ra cúm giò cúm cẳng! Nay tự nhiên có người bỏ tiền,’ bảo kê’ cho mình chơi. Ngu gì không chơi, dù chỉ là chơi kiểu con nít đi xe đạp, nhảy nhót, hát hò vớ vẩn…
Một tổ ‘tam tam’ ăn ké cuộc diễn hành xe đạp ‘cho vui vậy mà!’
XH