Menu Close

Giết người trong mộng

Lâu nay, không chỉ những kẻ bị phũ phàng trong tình duyên mà ngay cả các nhà khoa học cũng ham muốn được biết: làm sao giết được người trong mộng?

alt

Bảo Huân

Giết người đi! Giết người đi!
Giết người mơ! Giết tình thơ!
Giết người trong mộng mơ…

Chính xác hơn, họ ước muốn được biết rõ quá trình hình thành giấc mơ khi đang ngủ. Thực tế, nếu ai nắm được bí quyết kiểm soát được giấc mơ sẽ kiểm soát được hạnh phúc khoảng một phần ba đời mình, hay gần 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Từ xa xưa, người ta đã có ý tưởng ấy, qua một câu chuyện nhỏ bên Tàu. Có một người rất giàu với nhiều gia nhân hầu hạ. Ban ngày ông rất sung sướng, muốn gì được nấy. Ban đêm, khi đã ngủ, ông lại rất khổ sở. Ông luôn nằm mơ thấy mình làm… đầy tớ. Ngược lại, một trong những đầy tớ của ông, phải làm việc quần quật cả ngày, bao giờ ngủ cũng nằm mơ thấy mình làm ông chủ, được mọi người cung phụng hầu hạ. Thành ra, người này suốt ngày cứ mong chờ đêm xuống để đi… ngủ trong khi ông chủ kia cứ sợ ngủ!

Hôm mồng 4 Tháng Tư vừa qua, tạp chí Science ở Mỹ đã đăng một báo cáo khoa học của các chuyên gia về thần kinh của trường Brown University. Bằng cách nghiên cứu điện não đồ của một người trong lúc đang thức, họ có thể đoán được người này sẽ mơ thấy gì khi đi ngủ sau đó. Cách đây không lâu, các khoa học gia đã tái dựng được những đoạn phim từ sóng phát ra trong não của một người vừa xem phim xong. Họ cũng dùng máy điện toán thu lại sự lưu thông của máu trong các tế bào thuộc những phần khác nhau trong não để phân tích quá trình hình thành giấc mơ. Những khám phá này đặt nền tảng cho việc kiểm soát giấc mơ con người. Hiện tại, ứng dụng của nó là giúp bác sĩ thấy được… suy nghĩ của những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não không còn nói hoặc cử động được. Trong tương lai, người ta có thể chủ động mơ theo… ý mình bằng cách có những hoạt động thích hợp đối với não bộ trước khi đi ngủ. Thậm chí, dùng máy rà, người ta còn có thể thu lại được những hình ảnh, suy nghĩ đã xảy ra trong não bộ trước đó. Chuyện này nghe qua thì hay nhưng nghĩ lại sẽ thấy nhiều rắc rối lớn.

Chẳng hạn, những người vợ hiền luôn lo lắng cho chồng khỏi cần âu yếm hỏi những câu trìu mến như “chiều nay anh phải ở lại sở làm thêm có mệt lắm không?”, “trưa nay anh đi ra ngoài ăn với mấy người bạn trong sở có vui không?”… Những người vợ hiền ấy chỉ gắn máy rà… não trước cửa garage. Xe chưa tắt máy mà trong nhà người vợ hiền đã biết hôm nay chồng mình đi đâu, ở đâu, gặp ai, nói gì… Những người vợ hiền… hơn có thể gắn thêm một máy rà trong phòng ngủ để những khi chồng mình nói nhảm (gì đó) hoặc ú ớ khi đang ngủ thì không cần đánh thức chồng dậy để… âu yếm hỏi: “Cưng đang mơ gì ghê dữ dzậy? Làm gì mà mồ hôi ướt áo (?) hết chơn dồi nè?” Họ chỉ lẳng lặng bật màn hình máy điện toán, xem kết quả phân tích vừa được máy rà gởi đến là… xong! Sáng ra, người chồng chỉ (dám) lẳng lặng đi… làm; không (dám) nói câu nào. Chỉ (dám) than trong bụng:  “Ơi người ơi! Ơi người ơi! Sao mình trong mộng vẫn ngu si?” Trên đường đi làm, vừa lái xe người chồng vừa xót xa: “Cái gã nhà giàu hồi xưa bên Tàu vậy còn sướng! Mơ làm đầy tớ hay thứ gì cũng không ai biết! Thà trong nhà chỉ gắn một máy rà thì mình còn biết cách ứng phó; chứ hai ba cái, cái này phối kiểm với cái kia thì làm sao mà xoay sở? Ngủ cũng không dám ngủ thì sống làm sao hở Trời? Trời sinh tôi, sao còn sinh mấy cha khoa học gia kia nữa? Chết mẹ, nghĩ vậy không biết chiều nay về máy có thu lại được hay không?”

Nhạc sĩ Phạm Duy, sinh thời rất ham thích máy móc, dường như đã đoán trước sự phát triển của khoa học, nên cuối cùng phải băn khoăn tự hỏi:

Giết người trong mộng?
Hay giữ người trong mộng?
Giết người trong mộng?
Hay giữ người mộng mơ?

Giết hay giữ? Đằng nào cũng không thể trả thù duyên kiếp phũ phàng! Chỉ vì mấy ông khoa học gia… thần kinh!