Những tinh thể băng trong các đám mây là yếu tố quan trọng trong việc hình thành sét vì có thể tạo ra một môi trường chứa điện cực trái dấu nhau (tức là âm và dương).
Trong các cơn dông, vì có gió mạnh xáo trộn các đám mây và một số nguyên nhân khác, nên các đám mây có thể tích điện.
Sét hay tia sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây mang điện tích khác dấu (âm và dương) với nhau, hoặc giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu với mặt đất.
Khi hai đám mây chứa điện trái dấu lại gần nhau, sự chênh lệch điện thế giữa hai đám mây này có thể lên tới hàng triệu vôn (volt). Lúc đó, giữa hai đám mây có hiện tượng phóng tia lửa điện và ta trông thấy một “tia chớp”. Vài giây sau ta mới nghe thấy tiếng nổ, đó là “sấm”. Vì vận tốc ánh sáng nhanh hơn vận tốc của tiếng động nên ta trông thấy tia chớp trước.
Nếu có đám mây dông trữ điện đi gần mặt đất tới những khu vực trống trải, gặp một vật có độ cao như tháp chuông, cây cối, hoặc không cần độ cao, người cầm cuốc xẻng đang làm việc ngoài đồng… thì sẽ có hiện tượng phóng tia lửa điện giữa đám mây và mặt đất. Đó là hiện tượng sét đánh.