Dùng điện thoại di động lúc đổ xăng, sẽ làm cháy cây xăng?
Nỗi sợ ở đây là bức xạ điện từ (electromagnetic (EM) radiation) phát xuất từ điện thoại di động có thể:
– Truyền đi đủ năng lượng để trực tiếp đốt cháy hơi xăng,
– Hoặc tạo ra dòng điện từ những vật kim loại gần đó và kích hoạt một tia lửa với tác dụng tương tự.
Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu cho thấy trong 243 vụ cháy trạm xăng trên khắp thế giới từ năm 1994 đến 2005, không có vụ nào do điện thoại di động gây ra cả. Trong thực tế không có một trường hợp đơn độc nào như thế được xác nhận là đã xảy ra. Ngay cả việc đốt một điếu thuốc lá cũng không đủ nóng để làm cháy hơi xăng. Muốn cháy, cần phải có một ngọn lửa (flame) hoặc một tia xẹt (spark), mà pin của điện thoại di động chỉ có điện thế (voltage) thấp, không thể tạo thành được một trong hai thành tố đó.
Cháy trạm xăng là điều rất hiếm và gần như đều gây ra do tia lửa từ tĩnh điện (static electricity) làm cháy hơi xăng. Mà điều này cần sự pha trộn chính xác giữa không khí và hơi xăng, khó có thể xảy ra vì hiện nay các bơm xăng đều có lắp ráp hệ thống thu hồi hơi thoát ra.
Bảo Huân
Giấy lau (paper towel) chế tạo bằng các xơ cellulose mịn. Cellulose là hóa chất cấu tạo chính yếu trong bông vải, gỗ và đa số cây cỏ. Bông vải thực ra là một loại polymer (nhựa dẻo), và giống như bất cứ một thứ chất dẻo nào, đều là một phân tử cực lớn gồm có nhiều phân tử nhỏ kết nối với nhau thành chuỗi lớn hoặc cấu trúc giống hình cây. Các phân tử nhỏ (monomer) tạo thành cellulose là những phân tử đường. Chúng ta không thể lấy được những giá trị dinh dưỡng ra khỏi các cellulose vì chúng ta không có những enzyme cần thiết để tách biệt đường ra. Trái lại, con bò cái có những cơ cấu cực nhỏ (microorganism) trong bao tử sản xuất ra các enzyme cần thiết để cho bò có thể tiêu hóa.
Tuy cellulose không ngon miệng như đường, nhưng giống đường ở một điểm quan trọng: cả hai đều bám chặt vào các phân tử nước. Về hóa học, trong các phân tử đường và cellulose có nhiều nhóm hydroxyl (-OH) nên chúng có thể kết hợp chặt chẽ với các phân tử nước (HOH). Đó là lý do đường dễ tan trong nước, còn nước dễ hòa tan trong các sợi cellulose. Khi ta nhúng một tờ giấy lau vào nước, các phân tử nước ùa vào giấy lau để dính kết với các sợi cellulose và do đó giấy lau hút thấm được nước.
Tính hòa tan của nước trong cellulose lại có điểm bất lợi: làm cho quần áo vải co lại và nhăn nhúm khi ta giặt trong nước. Lý do: Bông vải hút nước gây cho các sợi vải trương lên, làm thay đổi hình dạng áo quần. Sấy hoặc phơi khô làm đẩy nhanh nước ra khỏi những sợi vải, và các lực giữa nước với các phân tử cellulose ép các sợi vải lại khi chúng khô. Trong tiến trình đó, quần áo co lại và nhăn nheo.