Menu Close

Cái Tâm, Mỹ Tâm và sư phụ Hai Xu

Ông anh rễ của tôi ông Thành – với chị Lương đã xấp xỉ U-80, nhưng cũng giống như những cặp vợ chồng già, xa nhau thì không chịu được, mà gần nhau thì cãi cọ không dứt vì những chuyện không đâu. Họ đều đồng ý với nhau rằng, sau một cuộc cãi vã, tình trạng hô hấp dường như được cải thiện, hơi thở trở nên thông thoáng hơn là cứ lầm lì suốt ngày. Do đó, mỗi tuần họ hẹn cãi nhau một chầu, nghĩa là hai ông bà sẽ bàn luận đủ thứ chuyện trên đời, rồi thế nào cũng dẫn đến một cuộc tranh luận nảy lửa; ông trút những lý sự vào bà, và ngược lại, để giải trí, có điều hai ông bà đều có tính hài hước. Thỉnh thoảng tôi cũng được hai ông bà mời làm trọng tài.

Sáng nay, hai ông bà đang tranh cãi về chuyện thắng thua của hai đội bóng Barcelona và Bayern Munich vừa đụng nhau tối hôm qua, Barcelona thua Bayern Munich tới 4 trái. Ông nói:

“Cái bọn Barcelona hết thời rồi, không còn tài nghệ gì nữa. Thua Bayern Munich như vậy cũng đáng đời!”

Chị Lương, vốn là fan của Barcelona, nổi nóng ngay vì gà của mình bị xem thường.

“Ông lại nói nhảm rồi. Lâu lâu ngã ngựa một cú thôi chứ. Chớ lấy thành bại mà luận anh hùng.”

Một câu lý sự quen thuộc của bà. Ông vặc lại:

“Vậy thì lấy cái gì? Trong một trận bóng đá, nếu không lấy bàn thắng để phân định thắng thua thì lấy cái gì?”

Bà lúng túng:

“Lấy… lấy… cái Tâm.”

Mọi người trong nhà cười ồ lên. Ông Thành xuống giọng chế giễu ngay:

“Cái Tâm là cái vô hình, ai cũng nói mình có cái Tâm, còn kẻ khác thì không có. Cái Tâm là cái không cân đong đo đếm được, nên ai cũng nói cái Tâm của tôi to đùng, còn cái Tâm của người khác bé tí tẹo. Nói theo kiểu ngụy biện của mấy cha nội bây giờ thì “Chúng tôi phạm sai lầm, thậm chí chúng tôi ngu, nhưng vì chúng tôi có cái Tâm nên chúng tôi tiếp tục lãnh đạo.Vậy chứ cái Tâm của bà cân được mấy ký?”

Ảnh minh họa

Vậy là câu chuyện chuyển đề tài từ bóng đá sang luận bàn về cái Tâm, chữ Tâm, và những dây mơ rễ má quanh nó, câu chuyện khá thú vị. Tôi ghi lại như sau. Chị Lương nói:

“Cái Tâm của tôi thì tôi biết, cần gì phải khai với ông là nó nặng mấy ký. Ngày xưa thì hổng thấy, còn ngày nay, tôi thường thấy người ta treo chữ Tâm to tướng trên tường phòng khách, như là cái mốt vậy. Khi thì chữ Hán, khi thì chữ Việt. Rất thời thượng.”

Ông nói, “Thì thiếu cái gì thì lại treo cái đó chứ có gì là lạ!”

“Tôi đã thấy nhiều vị treo chữ Tâm mà chẳng có tâm địa tốt đẹp gì cả. Cũng chạy chọt, cũng xúi bẩy, cũng đấu đá chức quyền, cũng buôn lậu, cũng vơ vét dân đen. Tôi chẳng mấy tin những kẻ luôn mồm dạy bảo đạo đức, mở miệng là Tâm này Tâm nọ, mà lại rất ma bùn.”

“Thế hệ cha ông chúng ta và ngay cả thế hệ chúng ta chữ Tâm vẫn còn được tôn trọng và nó có thật, phần lớn nhờ có tôn giáo và được giáo dục theo đức lý công dân. Người ta tin vào những đạo lý làm người đó nên giữ được tâm hồn thanh cao. Còn bây giờ nó được sử dụng như vật trang trí.”

“Ngoài chữ Tâm thì họ còn treo chữ Nhẫn nữa. Ờ, những người đó thì nên treo thêm chữ ‘Nhẫn’nữa cho đủ bộ. Nhưng không treo riêng, mà ghép chung lại thành ‘Nhẫn Tâm’ kìa.”

“Cái gì mà ‘nhẫn tâm’? Bà này mỉa mai cay đắng quá. Nhưng phải công nhận là thời này nhân tâm thiệt tệ. Chữ Tâm ở người Việt đang xuống cấp trầm trọng.”

“Hoàn cảnh xã hội thôi, do hoàn cảnh xã hội mà đa số chúng ta trở thành những con người ích kỷ.”

“Không phải chỉ là hoàn cảnh xã hội thôi đâu, mà cả một hệ thống đạo lý, giáo dục, chính trị… đang lao xuống hố nên mới như vầy đó.”

“Ờ, rốt ráo lại cũng do mấy cha lãnh đạo và cái Đảng hết xài này. Các cha nhà ta thiếu cả hai chữ Tâm và Tài, nên dân mới khổ thế này!”

“Nhớ, hồi nhỏ tôi đọc rất kỹ quyển Tâm hồn cao thượng. Hầu như ai trong thế hệ mình cũng đọc cuốn này.”

“Muốn tìm hiểu cái Tâm cũng chẳng cần phải phải tra cứu sách vở gì cho thêm rắc rối, cứ ra đường  quan sát rồi ngẫm nghĩ cũng thấy.

Tại sao người ta bán thuốc giả? Vì người ta không có cái Tâm.

Tại sao người ta cho chất độc vào thực phẩm? Vì người ta không có cái Tâm.

Tại sao người ta tổ chức đám cưới rình rang tốn bạc tỷ trong khi vẫn có những kẻ tật nguyền bò lết trên đường đầy nắng bụi? Vì người ta không có cái Tâm.

Tại sao người ta vẫn ngồi trong xe hơi, biệt thự gắn máy lạnh, hát khúc Hậu Đình Hoa* mà không biết nhục mất nước? Vì người ta không có cái Tâm.”

“Á, lại chuyện hát hò của mấy cô ca sĩ với lại người mẫu. Họ là vậy, trách làm chi. Đây nè, báo đăng nè, ‘Vì tiền mà Mỹ Tâm đã tự đánh mất chữ Tâm’nè?”

“Cái gì mà Mỹ Tâm với lại chữ Tâm?”

“À, chuyện là như vầy. Cô ca sĩ Mỹ Tâm bị lên án khi thành phố Đà Nẵng quê hương của cổ tẩy chay vì lý do mời cổ hát mà cổ ‘đòi tiền cát-sê’ quá cao. Đòi cát-sê giá cắt cổ. Đòi bằng tiền đô. Đòi làm tròn số. Đòi phải chịu luôn cả tiền thuế VAT 10%. Sự việc này đã khiến dư luận càm ràm quá xá.”

“Tôi nghe nói trong giới showbiz Việt, Mỹ Tâm thuộc diện ‘con nhà lành, sạch như gương’. Cô chưa bao giờ ‘cởi truồng bảo vệ môi trường’, cũng chẳng ‘ khóa môi’  một ni sư nào đó. Mỹ Tâm chưa bao giờ nói xấu, hay bình phẩm dìm hàng về ai. Lượng fan yêu mến Mỹ Tâm có thể nói ít thua kém bất kỳ ca sĩ nào trong giới showbiz Việt. Vậy mà bây giờ người ta mang cái Tâm ra uýnh cô Tâm, là sao?”

 “Bàn mấy vụ này coi vậy mà khó lắm. Có chuyện như vầy. Một tử tù kia suốt đời làm việc tội lỗi, giết người, trộm cướp, lòng dạ rất xấu xa. Trước khi bị xử tử, anh ta hối hận; và để chuộc lại tội lỗi của mình, anh xin hiến trái tim của mình cho người cần thay tim. Nhưng sau đó không bệnh nhân nào dám nhận trái tim của anh, vì sợ sau này cũng độc ác như anh! Cho nên bây giờ mà cô Mỹ Tâm đi hát chùa chưa chắc người ta chịu à nghen.”

“Vậy cái Tâm bây giờ mất hết ý nghĩa nguyên thủy của nó, nó hết đẹp rồi sao?”

“Để tôi kể cho mọi người nghe một công án thiền rất đẹp, rất thơ nói về cái Tâm, có tên là Nhà Sư Và Cô Lái Đò. Chuyện như thế này:

Một nhà sư qua sông, khi ghé bến, cô lái đò lấy hai xu tiền đò. Nhà sư phản đối:

“Sao mọi người cô chỉ lấy một xu, còn tôi cô lấy hai?”

Cô lái đò cười:

“Tại vì thầy nhìn em, tâm thầy xao động.”

Nhà sư công nhận cô lái đò nói đúng, đành trả hai xu.

Lần sau qua sông, nhà sư không nhìn cô lái đò nữa, nhưng khi ghé bến, cô vẫn đòi hai xu. Nhà sư hỏi. Cô trả lời:

“Thầy không nhìn em trên thuyền, nhưng thầy nhìn bóng em in trên dòng nước.”

Lần sau nữa, nhà sư  nhắm mắt thiền định, không nhìn cô gái trên thuyền, cũng không nhìn bóng cô trên dòng nước, cô vẫn lấy hai xu với lý do:

“Thầy không nhìn em trên thuyền, cũng không nhìn bóng em trên dòng nước nhưng thầy vẫn nghĩ đến em, em vẫn ở trong tâm của thầy.”

Nhà sư thở dài, trả hai xu.

Một thời gian dài qua đi, nhà sư trở lại bến sông qua đò, khi đò ghé bến, cô gái chỉ lấy một xu. Thầy hỏi, cô trả lời:

“Thầy nhìn khắp nơi, nhìn trời cao, sông rộng, nhìn em cả trên thuyền lẫn bóng em ở dưới nước nhưng tâm thầy vẫn trong veo không một chút tạp niệm, nên em chỉ lấy một xu.”

“Chuyện hay quá. Có lẽ đây là câu chuyện về cái Tâm đẹp nhất mà tôi được biết. Giá mà có cô Mỹ Tâm ở đây, tôi đề nghị với cổ đổi câu chuyện này lấy 3 cái vé, mình đi nghe cổ hát, chắc cổ cũng ừ.”

“Mình có 2 người thì cần gì tới 3 cái vé?”

“Nói sao kỳ? Thì cũng phải mời sư phụ Hai Xu trong câu chuyện cùng đi với chứ? Hổng mời ổng thì té ra mình hổng có cái Tâm à? Cổ múa hát quá phê thì thầy có mất thêm hai xu cũng đáng chứ, phải không nào?”

Câu chuyện về cái Tâm tạm chấm dứt ở đây. Tôi băn khoăn, nếu mình là sư phụ kia qua sông với cô lái đò xinh đẹp giữa trời nước mênh mông hữu tình thì mình sẽ phải trả mấy xu. Chắc chắn không phải chỉ có hai xu, mà tôi nghi là còn bị đạp xuống sông quá! Còn bạn, bạn sẽ phải trả mấy xu?

ND

* Thơ Đỗ Mục:
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng hậu đình hoa.