Menu Close

Du lịch Sapa – Đi đâu cũng bị “chém” đẹp

Sapa-một địa danh như đã quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước, nằm ở Tây Bắc Việt Nam, cách Hà Nội 376 km. Thử “gú gồ” từ “Sapa” thông tin du khách nhận được sẽ là những đường links bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt. Nói như vậy để cho thấy Sapa được nhiều du khách nước ngoài biết đến. Điều này còn được minh chứng thêm với lượng khách nước ngoài đến nơi này rất đông. Nếu xét trên mật độ dân cư thì có lẽ tại Sapa số khách nước ngoài lưu trú tại đây đông nhất cả nước.

Với những ngọn núi trập trùng, ruộng bậc thang nối nhau trên những ngọn đồi, sẽ rất huyền ảo nếu du khách được nhìn ngắm Sapa trong sương. Có những năm, ngay tại nơi đây có tuyết rơi. Người sắc tộc nơi đây còn là một sự lý thú để thu hút khách du lịch, nhất là đối với những du khách từ miền Nam. Nhu cầu tìm hiểu đời sống, tập quán sinh sống của họ luôn tạo ra sự hiếu kỳ đối với những người từ xa tới. Song, rất nhiều du khách đã không nhận được sự ưu ái của người dân tại Sapa, cái mà họ nhận được là cách hành xử ăn xổi ở thì của những người đang góp phần làm cho bộ mặt Sapa trở nên xấu hơn.

Từ những thứ nhỏ nhặt…

Là một người thường đi du lịch, anh Trường đã đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Hơn nữa, trao đổi với chúng tôi, anh cho biết 4 năm trước đã một lần đến với Sapa. Nhưng kinh nghiệm đi “giang hồ” không đủ để anh có thể tránh được những trò gian dối, lừa đảo của con người Sapa. Họ có trăm phương ngàn kế, nói như anh bạn đi cùng, họ “canh me” sự nhẹ dạ của mình, chứ mình đâu có nghi ngờ về sự thành thật của họ.

alt

Chỉ mới đặt chân đến Lào Cai, nhưng du khách có thể đã trở thành nạn nhân của những tên cò mồi này trong suốt chuyến hành trình.

Thoạt đầu, khi vừa đặt chân đến ga xe lửa của thành phố Lào Cai, nhóm bạn của anh nhận được sự mời chào ngồi xe đò lên Sapa của những thanh niên ăn vận rất lịch sự. Anh chọn một trong số họ vì thấy sự nhã nhặn, hiếu khách. Cái tâm trạng háo hức được đến một địa danh thắng cảnh làm cho sự mệt mỏi của chuyến hành trình như vơi bớt đi phần nào. Trong xe có cả những vị khách nước ngoài. Do Lào Cai và Sapa đang bị ảnh hưởng bởi gió Ô Quý Hồ, một loại gió địa phương làm cho thời tiết trở nên khô và nóng. Một người khách trong xe yêu cầu tài xế bật máy lạnh (điều hòa nhiệt độ) để dịu bớt cái nóng đang thổi vào da. Đáp trả lại lời yêu cầu ấy là câu nói: “Điều hòa hư rồi nhá. Nếu muốn mát mẻ thì đưa đây thêm năm mươi nghìn”. Cũng may, chỉ chạy khoảng 30độ cao của vùng núi làm cho nhiệt độ dễ chịu hơn.

Sau khi thả nhóm của anh Trường ngay tại một quán ăn có cả dịch vụ lưu trú, một thanh niên chạy lại mời anh vào xem phòng. Có rất nhiều thứ khác lạ so với miền Nam, chị Trúc một người đi cùng đoàn cho biết: “Nếu ở miền Nam phòng đơn là phòng có 1 giường và có thể ngủ 2 người. Ở miền Bắc phòng đơn là phòng chỉ ở có 1 người, nếu muốn thêm người nữa thì phải trả thêm tiền”. Không những vậy, rất nhiều khách sạn phẩm chất chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn nhà nghỉ, nhưng vẫn treo biển là khách sạn. Có những quán ăn rất đỗi tầm thường, nhếch nhác nhưng lại biển hiệu lại là nhà hàng.

Tại Sapa có rất nhiều những thanh niên chuyên làm cò mồi khách sạn. Họ tiếp xúc với khách du lịch. Sau đó bằng những mánh mung, miệng lưỡi dẫn du khách đi đến những khách sạn mà họ quen. Và, thông qua những tên cò này, du khách phải tính thêm từ 100-300 ngàn cho mỗi phòng cho chúng sau khi đã tính tiền với khách sạn.

alt

Ngay cả với những người sắc tộc, du khách cũng chẳng thể nào tin được sự thật thà của họ. Những mặt hàng này thường được bán với giá cao hơn giá trị thực của nó.

Trong những tờ bướm, tờ quảng cáo du lịch, bản Tà Phìn là một nơi được nhiều du khách đến thăm để tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của người sắc tộc Dao. Và, khá nhiều trong số họ đã thử tắm thuốc người Dao, được quảng cáo như giúp cho cơ thể nhanh phục hồi lại sức khỏe. Có rất nhiều chủ xe chuyên làm nhiệm vụ đưa rước khách đi thăm bản Tà Phìn với giá 50 ngàn cho cả đi lẫn về. Nhưng không phải như vậy là có thể thoát được sự lừa lọc của cánh tài xế. Chị Lan, một người từng đi Sapa cho biết: “Ban đầu chúng tôi thỏa thuận là 50 ngàn/người. Sau khi đến nơi thấy nhóm chúng tôi chỉ có 4 người nên tài xế trề môi chê ít quá, không đủ tiền dầu. Chúng tôi buộc phải chịu 70 ngàn/người cũng là để cho nhà xe không bị thiệt. Nhưng có ngờ đâu, chủ xe không phải chở riêng nhóm tôi mà còn chạy đến khách sạn khác để chở thêm 7 người khách khác nữa. Chúng tôi bị lừa một cách ngoạn mục”.

Bản Tà Phìn và bản Cát Cát là một trong những bản của người sắc tộc tại đây sinh sống. Chính quyền Sapa đã tận dụng những bản làng này để khai thác du lịch nhằm thỏa mãn thị hiếu tìm hiểu đời sống của người sắc tộc bản địa nơi đây. Và, để mỗi du khách có thể đặt chân đến những bản làng này họ phải trả 20 ngàn cho bản Tà Phìn và 40 ngàn cho bản Cát Cát. Chẳng thể nào biết được chính quyền dựa trên cơ sở nào để lấy tiền của du khách như vậy. Hơn nữa, những con đường vào hai bản nói trên đều rất xấu. Chính quyền dù trục lợi rất nhiều từ những người bản địa ở đây, song vẫn không đầu tư cho đường sá đi lại được thuận tiện hơn.

alt

Tại bản Tà Phìn của người Dao, du khách luôn phải chịu sự bao vây của những người sắc tộc tại đây. Họ luôn lẽo đẽo theo du khách để ép buộc khách du lịch mua những món hàng.

Kể lại với tôi bằng tất cả sự hậm hực sau một chuyến du ngoạn từ Sapa về. Chị Lan nói: “Thiệt không thấy người ở đâu tính xấu như ở trển (Sapa). Tôi đi mua hạt dẻ để ăn và làm quà, người bán chào mời tôi với giá 220 ngàn/kg. Tôi mua ½ kg để ăn thử để mình không bị lừa. Nhưng người chủ khách sạn nói với tôi, hạt dẻ ở chợ chỉ độ khoảng 40-50 ngàn/kg mà thôi. Tại chợ, đúng là giá chỉ 50 ngàn. Tôi liền mua 2kg. Nhưng khi mang về khách sạn cân thì 2kg của tôi chỉ còn có 1,6kg. Tôi liền mang ra chợ để đổi lại, người đã bán cho tôi nói: “Thì cậu mua với giá 50 ngàn/kg nên tôi cân không đủ, nếu cậu mua 55 ngàn thì tôi sẽ cân đủ cho cậu”. Chị Lan bực bội kể tiếp: “Nếu ở Sài Gòn, cá hồi có giá khoảng 260 ngàn/kg, thì ở Sapa các quán ăn họ bán cho tôi đến 500 ngàn/kg”. Chị kết luận: “Chẳng thể nào mà kể hết những trò gian dối của người dân ở Sapa. Mà không chỉ người Kinh, người sắc tộc ở đó cũng vậy”

Đến tác hại lớn hơn

Trao đổi với chúng tôi, một du khách người Anh tên Glyn cho biết, trong tất cả những bản người sắc tộc nằm rải rác gần Sapa mà ông đã đi qua, cứ đến những bản nào là y như rằng cư dân ở đó ùa đến với những câu mời chào “You buy, you buy” để mua những món hàng thổ cẩm. Bất cứ ông đi đến đâu cũng bị những người sắc tộc ở đó đi theo, có những người trong số họ còn cố ép ông phải mua một món hàng nào đó. Ngay cả khi ông đi vệ sinh, người ta cũng đứng chờ ở bên ngoài để nài nỉ ông mua.

Du khách bất cứ ai cũng sẽ phải gặp trường hợp tương tự vậy khi đến bản Tà Phìn, bản Cát Cát. Đó là những bản của người Dao, người H’mong nằm gần Sapa. Người lớn, trẻ con đi theo bất kỳ khách du lịch nào từ khi họ mới đặt chân xuống xe đến khi đi về. Họ cố làm sao để cho khách du lịch phải thương hại mua món hàng nào đó thì mới thôi. Mà những món hàng thổ cẩm của họ còn mắc hơn cả ở Sapa. Nếu với một chiếc khăn cùng chất lượng, mẫu mã mua tại chợ Sapa chỉ có giá 70-80 ngàn, thì mua của họ giá phải 150 ngàn trở lên. Nếu không biết trả giá sẽ còn bị hớ hơn nữa.

Đúng là khách du lịch có nhu cầu mua những món quà về tặng cho người thân hoặc bạn bè, nhưng họ cũng cần cả những không gian riêng để yên tĩnh nhìn ngắm thiên nhiên tươi đẹp. Hoặc họ được thoải mái quan sát, tìm hiểu đời sống của người dân bản địa mà không cần phải đánh đổi bằng việc mua bất cứ thứ hàng mà họ không thích. Người sắc tộc ở vùng Tây Bắc đúng là nghèo thật, nhưng đó không phải là mặt hàng để đánh đổi với lòng thương hại của du khách. Và du khách cũng không phải là những con bò sữa để thoải mái kinh doanh dựa trên sự gian dối thiếu đạo đức. Du khách cần phải được tôn trọng nếu Sapa luôn muốn mình lúc nào cũng là một địa chỉ đẹp trong lòng họ.

alt

Du khách trở thành miếng mồi ngon cho chính quyền khi họ phải trả những đồng tiền hết sức vô lý. Trong hình là tấm biển ghi rõ, nếu muốn vào bản Cát Cát du khách buộc phải trả 40 ngàn/người.

NQ