Bước ra khỏi máy bay, lòng tôi tự dưng trổi lên một cảm giác kỳ lạ đến khó tả, dù rằng trước đây tôi đã hai lần quá cảnh qua phi trường Incheon. Có lẽ cảm giác của một du khách đi chơi trong túi có tiền khác cảm giác của một người đến nơi xứ xa làm công việc không theo đúng ngành nghề đào tạo và túi chỉ có vỏn vẹn bảy trăm đô dành dụm từ bấy lâu nay. Với số tiền ít ỏi và mức sống Hàn Quốc khá cao, mình sẽ sinh hoạt ra sao trọn cả tháng cho đến khi nhận được đồng lương đầu tiên. Chính điều này gây ra cho tôi một cảm giác có chút lo lắng như cảm giác một người di dân một thân một mình, không thân nhân, không bè bạn đi tìm cuộc sống mới ở một xứ khác; chưa hình dung được cuộc sống sắp tới, cảm giác không an toàn và sợ bị bỏ rơi giữa chợ đời. Khác chăng là tôi có một công việc đang chờ sẵn nhưng lấy gì bảo đảm mọi chuyện sẽ diễn ra êm xuôi như những người bạn trên mạng kể cho tôi nghe chuyện đi dạy ở nước ngoài.
Bây giờ tôi đã đến nơi và chỉ có con đường đi về phía trước. Chuyện hôm nay cứ lo hôm nay, lo chi ngày mai chóng già. Tôi trấn an mình, ghé vào phòng vệ sinh sửa sang bộ mặt cho tươi tỉnh và rửa trôi cái cảm giác lo lắng hiện ra trên trán dễ làm con người thiếu tự tin.
Anh nhân viên hải quan đóng dấu vào passport không hỏi câu gì, lại nói “see you again, teacher”, rồi nheo mắt cười một cách tinh nghịch. Tôi nhướng mắt nhìn anh ta thầm hỏi sao biết mình là “cô giáo”. Định nói điều gì đó nhưng tôi thấy không cần thiết và chợt hiểu ký hiệu E2 visa dành cho giáo viên ngoại ngữ đã nói lên tất cả. Anh ta tán gái rất thông minh đấy chứ lời chào và cũng là lời hẹn. Tự dưng thấy lòng vui vui. A ha nhan sắc mình không đến nỗi tệ. Hãy đợi đó! Trái đất tròn không biết khi nào có dịp gặp lại nhau. Tôi hào phóng tặng anh cái vẫy tay chào rồi xách ba lô đi ra khu nhận hành lý. Mọi thủ tục thật nhanh chóng, không chút phiền hà. Có thể nói còn thoải mái hơn thủ tục nhập cảnh tại phi trường Dallas.
Việc đầu tiên sau khi nhận hành lý là gọi điện thoại công cộng cho người đại diện trường báo tin tôi đã đến, sau đó đổi tiền đô sang đồng won mua vé xe buýt. Đổi hai trăm đô, cầm lại một xấp tiền một ngàn, năm ngàn, mười ngàn khiến tôi thấy mình trở thành triệu phú. Một đô đổi được một ngàn mười won, vị chi hai trăm lẻ hai ngàn đồng. Tiền cầm trên tay, định kiếm chút gì bỏ bụng, ấy thế mà cứ đắn đo cho chuyện ăn uống. Thật ra, sự mệt mỏi thiếu ngủ hai ngày qua làm tôi thấy khó chịu trong người, không muốn ăn, chỉ mong về đến trạm xe buýt cuối cùng gặp được người của trường ra đón như đã hẹn. Cuộc hành trình còn chưa kết thúc.
Tôi ghé lại vòi nước sáng bóng, uống vài ngụm nước cho đỡ khô họng. Mọi thứ đều rất sạch sẽ, tươi nguyên. Dòng nước bắn vào miệng mát lạnh khiến tôi cảm nhận được vị ngọt ngào của nước hơn bao giờ hết. Hiếm khi nào tôi uống nước vòi công cộng ở phi trường hay nhà ga xe lửa vì thấy không mấy vệ sinh. Bao nhiêu con người đã từng há miệng bu quanh chiếc vòi, thậm chí có khi tôi đã từng nhìn thấy một bãi nước bọt bên góc tường ở phi trường New York. Lúc nào tôi cũng mua theo chai nước lọc kè kè bên mình. Nhưng lần này thì lại khác, chẳng qua là túi tiền của tôi đang teo dần và tôi tự cho phép trở thành một con nhỏ bủn xỉn với bản thân từ lúc này.
Chiếc xe đẩy hành lý ra đến bên ngoài cửa phi trường đã không còn giúp tôi được nữa. Những chiếc taxi trờ tới nhận được những cái lắc đầu bỏ đi cho đến khi tôi còn lại một mình với cái ba lô cõng trên lưng, cúi người về phía trước, lọt thỏm giữa hai cái va li to đùng giống như con trâu kéo theo cỗ xe gõ tiếng lụp cụp lụp cụp trên con đường dẫn ra trạm xe buýt. Giá mà hình ảnh này chụp được gởi về cho Ba Me tôi xem chắc hai người bò lăn ra cười mất. Nhưng bây giờ cái iPhone cũng trở nên vô dụng.
Nhắc đến Ba Me, giờ này hẳn hai người đang ngồi tính từng giờ tôi có mặt tại Hàn Quốc và sốt ruột trông chờ cú điện thoại đứa con báo tin đến nơi an toàn. Điều này tôi đã nói trước với Ba hôm tối sau khi từ Houston về nhà: “Đợi vài ba bữa khi ổn định chỗ ở, con sẽ video chat với cả nhà qua internet”. Tôi đã thông báo bằng email chuyến đi với Lãnh sự quán Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời cẩn thận ghi lại số phone, tên người, địa chỉ trường học nơi tôi làm việc, cũng như số điện thoại những nơi cần thiết để có đầu mối liên lạc lỡ chuyện không may xảy ra. Đây là lần đầu tiên tôi thận trọng ghi lại những chi tiết hành trình theo yêu cầu của Ba. Ban đầu tôi thấy hơi khó chịu làm gì phải quan trọng hóa vấn đề cho thêm phức tạp. Nhưng sau khi nghĩ lại, những lời nói của Ba hoàn toàn có lý phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nói là vậy chứ tôi đã mua một chai xịt hơi cay làm “vũ khí” tự vệ thủ sẵn trong giỏ xách. Không biết khi nào có dịp dùng đến.
Ba người thanh niên đi ngược chiều tiến về phía tôi khiến tim tôi đập thình thịch. Thôi chết rồi! Cái bình xịt hơi cay tôi để trong va li chớ không phải trong ba lô. Ngó quanh, chẳng thấy ai càng khiến lòng tăng thêm nỗi sợ. Dưới ánh đèn vàng vọt tù mù trên phố không đủ cho tôi nhìn thấy rõ bộ mặt họ ra sao cho đến khi chạm mặt. Họ nói tiếng Hàn dường như tỏ ý muốn giúp tôi kéo hành lý đến trạm xe buýt. Một người trong họ biết tiếng Anh: “Đừng ngại, chúng tôi chỉ muốn giúp cô thôi”. Anh ta có khuôn mặt đẹp trai và có mái tóc giống diễn viên Won Bin trong phim “Hai giờ chiều thứ bảy” mà tôi đã xem trên máy bay. Giọng nói nhẹ nhàng làm tôi bớt run nhưng nhiều khi thấy vậy chứ hổng phải như vậy, nhất là thanh niên tụm năm tụm ba đi đâu lang thang trên phố. Cảnh giác vẫn không thừa. Bụng nghĩ vậy, nhưng tôi lại hành động hoàn toàn trái ngược. Có thể đó là một suy nghĩ nông nổi nhất thời tôi muốn chứng minh không phải bất cứ gặp người lạ nào trên đường đều cho họ là người xấu.
Tôi nhớ có lần Ba chở tôi đi Houston thăm một người quen. Gia chủ đem hình thằng con trai lớn ra khoe. Một thanh niên vạm vỡ, đầu trọc, xâm hình con chim đại bàng trên cánh tay. Ba tôi buột miệng nói: “Chà, coi bộ cậu này quậy dữ đa”. Câu nói vô ý làm gia chủ phật lòng. “Thấy vậy, chứ nó ngoan lắm, sắp ra bác sĩ rồi. Thanh niên bên đây vậy đó. Nhiều cậu thấy hiền lành, lù khù, vậy chứ vác lu mà chạy không ngờ”.
Không biết ba thanh niên này có vác va li tôi chạy không, hai thanh niên nói tiếng Hàn nhanh tay đón hai chiếc va li, còn chàng “diễn viên” vừa đi song song vừa trò chuyện với tôi đến trạm xe buýt. Vừa lúc chuyến xe đi thành phố Daejeon trờ đến. Anh ta nói tôi gặp may vì đấy là chuyến xe cuối cùng trong ngày.
Ba chàng hiệp sĩ đi rồi, tôi mới kịp bình tĩnh lại và nghĩ rằng mình gặp may, chứ không thì không biết ngày mai ra sao. Tôi tự nhắc tránh để cảnh này tái diễn. Ba Me tôi mà nghe được chuyện này, chắc sẽ sửng sốt trách tôi quá nông cạn, bất cẩn và dễ tin người. Nếu một người khác trong trường hợp như tôi sẽ xử trí sao nhỉ? Chối từ và tiếp tục giữ chặt hành lý của mình. Và nếu có chối từ thì người xấu chắc hẳn sẽ tha mình hay gặp điều tồi tệ hơn. Đằng nào thì mình cũng trong thế bị động, cần phải tạo tình thế chủ động, biết đâu may ra còn có cơ hội gì đó thoát thân hay nhờ sự cầu cứu khi tiến gần về phía trạm xe đang có đông người chờ…
Bây giờ tôi mới thực sự cảm khoái với không khí máy lạnh trong xe. Lúc đứng ngoài trời, da cứ rin rít mồ hôi vì thời tiết mùa Hè ở Hàn Quốc không khác Sài Gòn là mấy. Nóng hầm hập, oi nồng.
Tôi bật lưng ghế ngả về phía sau cho người thoải mái. Xe chạy lướt qua những tòa nhà trên phố, chung cư nối tiếp chung cư nhấp nhô trên đồi rồi mất hút vào những cánh đồng ôm dọc theo bờ sông lờ mờ ẩn hiện trong bóng đêm. Và tôi thiếp đi tự lúc nào không biết.
Tôi thấy mình đang trở về nhà trên chuyến bay xuống phi trường Dallas. Nhưng trong đầu óc tôi vẫn còn nhận thức mình đang ở Hàn Quốc. Trạng thái giằng co này làm tôi hoang mang không biết mình đang vi vu ở cõi nào cho đến lúc giật mình thức giấc thấy xe đã đến thành phố Daejeon.
Tôi tiếp tục làm con trâu lôi hai chiếc va li vào nhà chờ, gọi điện công cộng cho người đại diện. Mươi phút sau, một chị phụ nữ ghé đến giới thiệu là hiệu trưởng của trường. Bà xin lỗi lẽ ra đón tiếp tôi tận phi trường Incheon nhưng không có thời gian sắp xếp. Cho nên cả nhà, chồng cùng hai đứa con nhỏ ra đón, xe đậu ngoài kia.
Hai đứa nhỏ lẽ ra giờ này đã ngủ nhưng chúng tỉnh như sáo, ngồi ghế trước dán mắt vào màn hình tivi xinh xắn bằng khung hình GPS gắn trong xe. Lúc này tôi mới để ý bên trong chiếc xe đẹp và sang trọng không chê vào đâu được, mặc dù nó mang nhãn hiệu Hyundai. Xe ghé vào tiệm bán Hamburger, tôi tưởng cả nhà cùng ăn. Nhưng chị Young bảo chờ tí, vào mua cho tôi chút gì ăn tối.
Về đến chung cư, tôi mới hiểu ra mấy ông chồng rất có ích cho các bà vợ xứ Hàn. Ông phụ những công việc lặt vặt chẳng hạn chuyển hai chiếc va li của tôi lên lầu ba không dùng thang máy. Joana, cô giáo người Nam Phi phòng bên phải, chạy ra chào tôi. Stanley thầy giáo người Mỹ có khuôn mặt trẻ măng đến từ Louisiana phòng bên trái, bước ra giọng rổn rảng. Linh may mắn đấy, được hiệu trưởng chiêu đãi cả chiếc bánh Hamburger. Anh ta vừa nói vừa xòe bàn tay một vòng tròn to như cái thúng, rồi thu lại bằng nắm tay làm mọi người cười vang ngoài hành lang. Tụi này lúc trước chỉ được cốc nước lạnh đón chào.
Chị Young chống chế, tại mấy người đến sau nửa đêm thôi. Joana mở cặp mắt to đáp lại, bây giờ không nửa đêm là gì.
Hiệu trưởng tay nhìn đồng hồ, chị nói, còn năm phút nữa mới qua ngày mới. Mấy người để Linh nghỉ ngơi. Ngày mai gặp lại lúc 12 giờ trên tầng lầu hai tòa nhà đối diện phía bên kia.
Nơi tôi sẽ dạy học chỉ cách nhà chừng hơn ba mươi mét.
Thật là thuận lợi!
NL