Menu Close

Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ là một mỹ tục, một dịp tốt để giáo dục con cháu về nguồn cội dân tộc, đồng thời để nhắc nhở những người có trách nhiệm với quốc gia về sự tồn vong của dân tộc và đất nước.

alt

Nguồn tuyendung-export2global-net

Tin vui về việc tín ngưỡng thờ Hùng Vương của Việt Nam được UNESCO thông qua ngày 6 tháng 12 năm ngoái với tỷ lệ 24/24 phiếu thuận, chính thức trở thành di sản tinh thần tiêu biểu của toàn nhân loại, đã khiến ngày lễ giỗ Tổ năm nay được chính quyền trong nước tổ chức rất long trọng, thu hút một lượng khách hành hương kỷ lục, 5,000,000 người.

Chung quanh đề tài Hùng Vương, có những câu hỏi không chỉ làm người phương xa mà cả người ‘phương gần’ lắm khi bí rị. Ví dụ, thời Hùng Vương có thật không, từ khi nào, triều đình đóng ở đâu, dân tình sinh sống ra sao; hiện có bao nhiêu nơi thờ Tổ; lễ phục, lễ vật, cách thờ, cách tế có thống nhất không; sao lại chọn Phú Thọ thay mặt cả nước hàng năm giỗ Tổ; tục làm bánh chưng bánh dầy, hát Xoan trong ngày lễ là do đâu…???

alt

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của Việt Nam được UNESCO công nhận

Để trả lời những câu hỏi rất bình thường và chính đáng này, chỉ xin vắn tắt: theo kết quả của giới khảo cổ học Bắc Việt công bố trong bốn cuộc hội thảo về đề tài ‘Hùng Vương dựng nước’ ở Hà Nội năm 1968, 1970, 1971 và ở Vĩnh Phú năm 1969 thì thời đại Hùng Vương bắt đầu từ cuối thiên niên thứ III trước công nguyên, cuối thời đại đồ đồng thau, đầu thời đại đồ sắt (thường được biết tới với tên gọi thời kỳ Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn). Chủ nhân chính của nền văn hóa này là người Âu Việt – Lạc Việt, thuộc gốc In-đô-nê- diêng và Nam Á trong nhóm Mông Cổ phương Nam, gồm 15 bộ, trong đó bộ Văn Lang (Bạch Hạc – Vĩnh Phú) mạnh nhất. Thủ lĩnh của bộ Văn Lang thu phục được các bộ khác, trở thành người cầm đầu cả 15 bộ. Vị thủ lĩnh ấy gọi là Hùng Vương. Cha truyền con nối, sinh sống trên địa bàn đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Nhà nước Văn Lang buổi đầu còn rất đơn giản, dân số chưa được triệu người. Người dân lấy vỏ cây làm áo, bện cỏ làm chiếu, lấy nước nhựa cây làm rượu, lấy bột cây quang lang làm cơm, lấy cầm thú ngư trùng làm mắm, lấy rễ gừng làm muối. Cày bằng đao, cắt bằng lửa, nấu cơm nếp trong ống tre, gác cây làm nhà sàn, cắt tóc ngắn để đi rừng không vướng, khi có người chết lấy cối chày ra giã nhằm tạo tiếng động lớn để báo tin, trai gái lấy nhau chưa biết dùng trầu cau, chỉ dùng phong muối làm đầu.

Khác với cứ liệu lịch sử, địa chất, khảo cổ, nhân chủng, về nguồn gốc dân tộc, người Việt cổ từ trước tới giờ truyền nhau chuyện Đế Minh, cháu ba đời của Thần Nông (tổ nghề nông – Trung Quốc), đi tuần thú phương Nam, đến núi Nghĩa Lĩnh (Hồ Nam – TQ) đóng lại, lấy vợ sinh hai con trai là Đế Nghi và Lộc Tục. Con đầu làm vua phương Bắc, con thứ làm vua phương Nam. Khi làm vua phương Nam, Lộc Tục xưng hiệu Kinh Dương Vương, lấy con gái thủy vương hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua, hiệu là Lạc Long Quân, lấy Âu Cơ, sinh bọc trứng nở trăm con. Lạc Long Quân nói với Âu Cơ, ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, không ở cùng nhau lâu được. Bèn chia con làm hai. Năm chục người theo mẹ về núi. Năm chục người theo cha xuống biển. Người con trưởng trong số các con theo mẹ về núi, được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương, đóng đô ở Vĩnh Phú (Phú Thọ) truyền được 18 đời.

alt

alt

Trẩy hội Đền Hùng- nguồn hongquang-vnblogs-com

Với câu ca dao ‘Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ Mùng Mười Tháng Ba’, tỉnh Phú Thọ, nơi đền Hùng tọa lạc, hàng năm ‘bị’ vinh dự đón hàng triệu đồng bào đủ mọi miền tổ quốc, kể cả kiều bào nước ngoài, về thắp hương tưởng nhớ cội nguồn. Phú Thọ là tỉnh duy nhất của Việt Nam có 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới – Một là hát Xoan, năm 2011 được công nhận là di tích văn hóa cần được bảo tồn khẩn cấp. Một là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, năm 2012 được công nhận là di sản văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhân loại. Đón nhận 2 tin vui này, người Phú Thọ mừng ít lo nhiều, vì số du khách đổ về dự lễ giỗ Tổ năm nay tăng bất ngờ. Đứng trên đền Thượng nhìn xuống chỉ thấy một rừng người san sát, nhấp nhô uốn lượn theo đường dốc núi như giòng suối chảy miên man vô tận.

Đặc biệt trong ngày chính giỗ, Mùng Mười Tháng Ba, khu vực chung quanh Nghĩa Lĩnh có không dưới một triệu người. Nhiều cụ già ngất xỉu vì bị chen lấn xô đẩy, nhiều thanh niên la oai oái vì ví tiền, điện thoại bị móc mất. Nhiều bà nhiều chị bị giựt giây chuyền, bông tai. Cảnh xả rác bừa bãi, bài bạc, bói toán dị đoan, bán hàng chặt chém, ăn cắp móc túi… tràn lan, chính quyền bó tay.

alt

Lễ giỗ Tổ tại khu du lịch Suối Tiên Sài Gòn – nguồn US.24h.com.vn

Về “di sản hát Xoan”, Cụ trùm phường Xoan cổ Phú Đức tâm sự: Từ sông Lô sang sông Thao, trước đây số lượng phường Xoan san sát nhau, như một chuỗi ngọc phía trước đền Hùng. Nay chỉ còn bốn phường Xoan cổ. Vét hết nghệ nhân cũng chỉ ước độ 70 cụ, trong đó 30 cụ quá già (từ 80 tuổi đến 104 tuổi). Số biết hát đông, nhưng số có khả năng truyền dạy chưa đầy chục người.

Sự đãi ngộ của chính quyền dành cho nghệ nhân – vốn được tôn xưng là vốn quý, bảo tàng sống – gần như chẳng có gì đáng kể. Nhiều gia đình ba bốn thế hệ gắn bó với Xoan, nhưng để nuôi thân, họ vẫn phải cày bừa, buôn bán, làm thợ mộc, thợ may. Lớp hậu sinh chẳng mấy kẻ dám gắn bó lâu dài với Xoan…

Tại Sài Gòn, trong ngày Mùng Mười Tháng Ba âm lịch, đồng loạt các điểm thờ cúng Hùng Vương như đền thờ Quốc Tổ trong vườn hoa Tao Đàn, Sở Thú, công viên Văn hóa- Lịch sử quận 9, khu du lịch Suối Tiên, Đầm Sen đều có đông đảo đồng bào đến dâng hương.

Vấn đề lễ phục khi đứng tế, quốc phục khi dự tế, lễ vật dâng cúng, bài bản một buổi tế… hiện vẫn chưa có quy định chặt chẽ, còn mang tính cục bộ, địa phương, gây nhiều tranh cãi, thậm chí đối lập gay gắt. Nhưng dù sao, nhìn chung, giỗ Tổ vẫn là một mỹ tục, một dịp tốt để giáo dục con cháu về nguồn cội dân tộc, đồng thời để nhắc nhở bản thân mỗi người sống về sự tồn vong của dân tộc và đất nước.

alt

Các em thiếu nhi làm quen với hát Xoan

XH