Menu Close

Hãy để lòng nhân ái ngân vang!

LTS: Bài viết này đã được dịch sang tiếng Đại Hàn và đăng trong số ngày 7 Tháng Tám, 2004 của tờ Korea Daily. Tác giả chân thành cảm ơn phóng viên Brian I Choi đã mời cô đóng góp cảm nghĩ với tư cách là thành viên trong Ban Tổ Chức Tuyên Dương Thuyền Trưởng Jeon. Sau khi đọc bản tiếng Anh của bài này, Brian I Choi đã gọi nó là “bức thư tình tuyệt vời cho cộng đồng Hàn Mỹ và Thuyền trưởng Jeon.” Thuyền trưởng Jeon là người đã bất tuân lệnh thượng cấp để cứu một tàu vượt biển năm 1985, và bị treo bằng và mất việc vì cứu người. Tác giả đã viết nhiều bài liên quan đến Thuyền trưởng Jeon, như bài “Hương Xuân khác họ: Lòng biết ơn nối dài.”

alt

Gia đình thuyền trưởng Jeon ngày đến Hoa Kỳ

Tôi vẫn coi những cử chỉ nhân ái bình thường là những phép lạ trong đời sống hằng ngày.

Nhưng cũng có những nghĩa cử siêu thường làm gợn sóng bề mặt đại dương của đời sống nhân loại. Vị thuyền trưởng Jeon đã có những nghĩa cử siêu thường đó. 

Tôi gọi cuộc tái ngộ này là nửa thứ hai của một phép lạ kép. Nửa đầu xảy ra trên hải phận quốc tế ngày 14 tháng 11 năm 1985.  Trong tuyệt vọng, 96 thuyền nhân Việt Nam chờ chết trong khi nhiều tàu thuyền dửng dưng đi ngang qua và bão tố đang nổi lên.  Nhưng một chiếc thuyền đã trở lại và Thuyền trưởng Jeon đã bất tuân chỉ thị của cấp trên để cứu mạng những thuyền nhân. Cuộc hạnh ngộ này không chỉ cho phép vị ân nhân và những người sống sót gặp nhau, nhưng nuôi dưỡng tình liên đới giữa các cộng đồng sắc tộc thiểu số, và là một cuộc hội ngộ các cộng đồng và văn hóa, cũng như thắt chặt tình người. Chúng ta rất mang ơn nguồn cảm hứng cho tất cả những điều tốt đẹp này, đó là Thuyền trưởng Jeon.

Tôi rất hân hạnh là một thành viên trong Ban Tổ Chức để quán xuyến những sinh hoạt liên quan đến chuyến viếng thăm của Thuyền trưởng Jeon tại quận Cam năm 2004. Thật là xúc động khi tôi nghe ông hỏi thăm chú Nguyễn Hùng Cường về từng thuyền nhân một, qua sự thông dịch của ông Sukhee Kang. Trong buổi họp báo ngay sau khi ông đến quận Cam, thuyền trưởng có nói là ở tuổi của ông, ký ức đã bắt đầu suy giảm. Thế thì nhóm 96 quả thật đã có một chỗ rất đặc biệt trong lòng ông, khi ông nhớ từng người một hết sức tỉ mỉ từ giấc mơ đến hoàn cảnh của họ.

Trên phương diện cá nhân, tôi rất cảm kích văn hóa và dân tộc Nam Hàn qua tình bạn mật thiết với cô Joanna Ahn.  Cô đã giúp cho tôi thấu hiểu nhiều điều về văn hóa Đại Hàn và Hàn Mỹ.  Khi tôi nhờ cô dạy cho tôi một bài hát Đại Hàn, tôi được học bài Arirang mà tôi vẫn thích hát một mình từ dạo đó. Đó cũng là lý do tôi đề nghị bài hát này được hát chung trong buổi tuyên dương Thuyền trưởng Jeon. Thật là một điều vui mừng khi chúng ta đã cùng hát Arirang “Gần nhau” vào Chúa Nhật 8 Tháng 8, 2004.

… Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người
Gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người…
Cho dù rừng thay lá xanh đi
Cho dù biển cạn nước bao la
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi…
Cho dù đồi hay núi di đi
Cho dù bầu trời thiếu mây bay
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi…

Đúng vậy: tình loài người luôn đẹp và vững qua mọi biến đổi của cuộc đời. Chúng ta không thể nào đáp trả một cách trọn vẹn những nghĩa cử cao đẹp, nhưng hành động nhân ái của Thuyền trưởng Jeon sẽ được tưởng lệ để vinh danh sự đáp trả của ông cho một tiếng gọi từ bên trong – tiếng gọi để giúp tha nhân và đồng loại, đặc biệt những ai đang gặp nguy khốn.

Mỗi người chúng ta đều được mời gọi để dự phần vào phép lạ này, để cùng nhau cám ơn một người đã làm gương một cách trọn vẹn về tình người và dám quên mình vì tha nhân.

Quả thật, hãy để cho lòng nhân ái ngân vang!

TGT
(*) “Gần nhau” là bài hát tiếng Việt được mọi người hát chung sau bài “Arirang.”