Menu Close

Giấc mơ đại bàng (Kỳ 45)

Sau vài tuần vắng mặt với những lớp dạy workshop liên tiếp, tôi trở lại với GNA và có vài thông tin để chia sẻ với quý độc giả.

Đã từ lâu “Giấc Mơ Đại Bàng” của tôi được hình thành.

Trước khi tôi trở thành một nhiếp ảnh gia (NAG) và  tôi bắt đầu chụp ảnh cầm điểu, tôi đã tưởng tượng được một số “dream shots”. Dream shots là những cú shot hình ảnh mơ tưởng tuyệt vời thường được phối hợp bởi nhiều yếu tố ưu điểm để thể hiện một tác phẩm hoàn hảo. Một trong những “tác phẩm ước mơ” của tôi là tấm ảnh chim Đại Bàng (Eagle) chúi xuống để vồ mồi, và phải chi tiết những đặc điểm như mắt, cánh, lông, móng nhọn, rõ ràng như thật.

Tôi và Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh đã cùng gian lao trong những cuộc hành trình săn ảnh khắp mọi nơi, nhiều chuyến đi, và biết bao cực khổ. Đối tượng của chúng tôi là loài chim hoang dã, “tâm điểm” nhất là chim Đại Bàng – chúa tể loài chim. Để thực hiện một tác phẩm hoàn hảo không là một điều dễ dàng dù đã rất nhiều tốn kém.

Ngay cả sau khi trau dồi học hỏi và thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề nhưng để có được một tác phẩm “chính xác” như mơ ước thì cần thêm một yếu tố khác: may mắn!

Những tuần vừa qua là những tuần lê bận rộn nhất trong mùa sinh sản của các loài chim ở Florida. Nhiếp ảnh gia chuyên ngành Wildlife từ nhiều nơi trên thế giới tập trung về đây để dự các lớp đào tạo do Andy Nguyễn phụ trách. Mỗi ngày đi dạy, tôi phải có mặt ở địa điểm trước khi mặt trời mọc và “rút quân” sau khi mặt trời lặn. Cộng với thời gian di chuyển, có những ngày làm việc của tôi dài tới 17-18 tiếng. Tính ra, không đủ thời gian để nghỉ ngơi, khi mõi mệt tôi tôi nhớ đến câu nói của người Mỹ “If you snooze, you lose” – Nếu bạn ngủ, bạn thiệt thòi).

 

 

alt

 

Anh Hùng Xạ Điêu” Andy Nguyễn với ống kính 600mm

 

Trong một buổi dạy workshop của nhóm “học trò” từ Nhật, Hungary, và Singapore, tôi hướng dẫn họ đến một địa điểm để chụp cầm điểu trong ánh nắng nhuộm vàng. Trong lúc mọi người bận rộn bấm máy, tôi quan sát bầu trời thay đổi. Bầu trời lúc ấy tựa khung cảnh một phim về thiên tai; trời bỗng tối sầm, mây đen kéo đến, và những cơn gió thổi giật không ngừng. Bỗng một con Đại Bàng khổng lồ xuất hiện.

Chim Đại Bàng ở Mỹ (Bald Eagle) có sải cánh bề ngang rộng hơn 7 ft , dễ tượng tượng thì nó bằng chiều dài cái giường queen size. Mắt của Đại Bàng sáng gấp tám lần mắt người, và có thể nhìn thấy được con cá lội dưới nước cách xa 2 dặm từ trên không. Những móng vuốt ở bàn chân Đại Bàng dài cỡ ngón tay người nhưng rất nhọn, cứng, và có sức mạnh kinh khủng.

Theo kinh nghiệm thực tế của tôi, loài Đại Bàng thường tấn công theo chiến thuật “phục kích”. Chúng bay lượn trên cao khỏi tầm mắt của mồi (hoặc người), hay đậu trên một cành cây cao rình mồi và khi con mồi sơ hở, chúng lập tức chúi xuống và trong tích tắc đã “tóm” gọn con mồi trong lòng bàn chân.

Lập tức, tôi chĩa thẳng ống kính vào con Đại Bàng đang lăm le chúi xuống. Động tác xảy ra quá nhanh. Sự phản xạ của tôi không nhanh bằng con chim săn mồi, nhưng cũng đủ nhanh để lấy nét và đúng bố cục trong ống nhìn. Tôi bấm một loạt cả chục phát. Trong những khoảnh khắc rất ngắn đó, có một tấm Đại Bàng hả miệng và xòe móng chuẩn bị bắt mồi, vừa đúng lúc mặt trời lại hé ra sau lớp mây đen dầy cộm. Đây là yếu tố “may mắn” mà tôi đã nêu trên.

 

 

alt

Đại Bàng tấn công. Toàn thể uy lực của Đại Bàng được ghi lại trong tác phẩm Giấc Mơ Đại Bàng. Ảnh: Andy Nguyễn

Trong lãnh vực chụp ảnh thú hoang dã, và theo định nghĩa của “hoang dã” thì không có sự sắp đặt như trong studio. Rất hiếm khi những tay săn ảnh wildlife gặp được may mắn, và phải nắm vững những kỹ thuật được trau dồi nhiều năm thì mới có thể chộp lấy cái “cơ hội” tuyệt vời đó.

Tác phẩm đã được in lớn trên khung canvas để nhắc nhở tôi về những cú shot mơ ước, và tôi vẫn còn nhiều dream shots khác để thực hiện.

 

 

alt

Chim Đại Bàng đang bay lên với một con vịt nằm gọn trong móng vuốt nhọn và thốt ra tiếng kêu chiến thắng. Ảnh: Andy Nguyễn

AN