Menu Close

Nhạc Digital kiểu Châu Phi

Tháng 12/2012, Nam Phi có cửa hàng trực tuyến iTunes của riêng mình. Cùng lúc đó, một trong những dịch vụ nghe nhạc trực tuyến hàng đầu hiện nay là Deezer cũng mở rộng hoạt động của mình trên nhiều quốc gia ở Châu Phi. Trong một số quốc gia như Nigeria, các dịch vụ nhạc digital như iRoking cũng bắt đầu thu hút được nhiều người dùng.

alt

Ở Mỹ hiện nay, nhạc digital chiếm hơn phân nửa doanh thu của làng nhạc. Trong khi ở các khu vực khác như châu Âu và một số thị trường châu Á, nhạc digital cũng đang đóng góp những phần trăm quan trọng thì ở châu Phi, thách thức vẫn còn đầy.

Đĩa lậu tràn lan với các xưởng dập đĩa CD mở ra như nấm còn ở ngoài đường thì đầy người bán thẻ nhớ có chép sẵn các bài hát mới nhất. Ngoại trừ Nam Phi, không một quốc gia nào ở đây có một cấu trúc mua bán, chuyển nhượng bản quyền chính thức nào. Gần như nhạc sĩ và các nhà xuất bản giữ bản quyền không có cách nào để có được nguồn thu từ việc buôn bán hoặc biểu diễn các tác phẩm của họ. Ngay cả ở Nam Phi, nhạc digital cũng chỉ chiếm chưa tới 10% doanh thu.

Internet tốc độ cao, vẫn còn là điều xa xỉ tại nhiều nơi châu Phi, vì vậy, download hay nghe nhạc từ computer để bàn là thị trường khá hẹp. Hầu hết người dùng ở châu Phi nghe nhạc digital trên cell phone và ở nhiều thị trường, bán nhạc chuông là nguồn thu nhập chính.

Bước đi vững chắc nhất tại lục địa đen này vừa mới được đưa ra bởi tập đoàn Universal và Samsung, khi cùng nhau công bố việc thành lập The Kleek, một dịch vụ nhạc digital xuyên châu Phi. Dịch vụ này có nhạc từ các kho nhạc quốc tế của Universal và từ các nghệ sĩ địa phương như Power Boyz ở Angola, DJ Vetkuk ở Nam Phi và W4 ở Nigeria.

Universal cũng muốn The Kleek ký hợp đồng với các hãng đĩa lớn và đã có hợp đồng với một số hãng đĩa ở châu Phi. Thay vì cung cấp việc tải nhạc giống như iTunes hay nghe trực tuyến theo ý mình, người dùng dịch vụ có thể chọn các chương trình (playlist) bao gồm nhạc nội hoặc nhạc ngoại, lồng ghép vào giữa là các đoạn phỏng vấn nghệ sĩ, bình luận các buổi diễn và cả các tin tức ngồi lê đôi mách, tất cả được truyền đến điện thoại di động. Các playlist này khá ngắn, dưới 10 phút.

Hiện tại, dịch vụ này đang miễn phí. Khi không dư dả gì thì người ta sẽ chịu khó nghe các đoạn quảng cáo thay vì phải trả tiền thuê bao rất đắt.

alt

Dịch vụ iRoking ở Nigeria

Các nhà đầu tư hy vọng là The Kleek sẽ bán được quảng cáo, giống như Spotify, Deezer… Nhưng vì hiện tại được tài trợ bởi Samsung, dịch vụ này chỉ sử dụng được ở các loại điện thoại Samsung sử dụng hệ điều hành Android của Google.

Như đã nói, người dùng internet ở châu Phi sử dụng thông qua điện thoại di động nên các nhà sản xuất điện thoại và công ty viễn thông cạnh tranh nhau ở chỗ cung cấp nội dung như âm nhạc, tin tức…

Một vấn đề nữa cần giải quyết để châu Phi có thể tự hào đóng góp vào doanh thu của làng nhạc thế giới là giá cả của các loại điện thoại di động thông minh. Khi các hãng chịu khó tung ra các mẫu điện thoại và các gói wifi giá rẻ thì chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện.

Tình trạng ở châu Phi khá giống với các nước đang phát triển ở châu Á. Cả hai đều có mẫu số chung là cơ sở hạ tầng của thương mại điện tử còn kém phát triển nhưng lại rất hứa hẹn vì dân số tiêu dùng nhạc trẻ tuổi và lớn mạnh rất nhanh. Sự thành công của dịch vụ iRoking ở Nigeria là một minh chứng. Khởi động cách đây một năm, iRoking mang đến người nghe các dịch vụ nhạc trực tuyến theo yêu cầu, playlist và dịch vụ radio trực tuyến. iRoking ký hợp đồng với hàng trăm nghệ sĩ Nigeria trong đó có cái tên hàng đầu như P-Square và được xem như dịch vụ nhạc số hợp pháp phổ biến nhất ở Tây Phi. Năm ngoái, chủ của iRoking là iRoko Partners đã thu hút được 8 triệu đôla tiền đầu tư, một con số nhỏ nhoi so với tầm mức thung lũng Silicon nhưng khổng lồ so với khu vực châu Phi.

Nhưng thật sự con đường trước mắt của iRoking vẫn còn rất khó khăn, như họ tự nhìn nhận. Để kiếm tiền cho các nghệ sĩ dưới trướng mình, iRoking dựa rất nhiều vào các dịch vụ lớn của thế giới như iTunes, YouTube và Amazon. Họ hoạt động giống như một hãng đĩa, đại diện cho các nghệ sĩ để ký hợp đồng bán nhạc số thay vì trước đây các nghệ sĩ tải lên internet miễn phí.

NV