Menu Close

Hòn Bà

Hòn Bà-một ngọn núi nằm ở phía Tây Nam, cách Nha Trang khoảng chừng 40km. Với độ cao hơn 1500m, nơi này trước đây bác sỹ Yersin làm nơi để nghiên cứu trồng cây Ký ninh (Quinquina) để trị bịnh sốt rét. Nhân kỷ niệm 150 ngày sinh của bác sỹ Yersin, người có công rất lớn đối với tỉnh Khánh Hòa, tôi cùng người bạn làm một chuyến đi thăm Hòn Bà để phần nào mường tượng được sự khó khăn mà trước đây vị bác sĩ đáng kính đã trải qua.

alt

Con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu mà du khách phải vượt qua để đến được với Hòn Bà. Sẽ không tốt cho những người yếu tâm lý khi phải đi trên đường này.

Đường đến với Hòn Bà

Từ Quốc lộ 1A đoạn qua xã Suối Cát của huyện Cam Lâm, hỏi thăm người dân đường lên Hòn Bà, du khách sẽ được hướng dẫn tận tình. Con đường chỉ dài khoảng 40km nhưng sẽ làm cho chúng ta thích thú với sự thay đổi hệ thực vật từ miền duyên hải nắng nóng, đến bạt ngàn rừng nguyên sinh thuộc khí hậu ôn hòa. Không những vậy, cung đường này uốn lượn theo con suối Đá Giăng tạo thêm lý thú cho cuộc hành trình.

Theo những người dân địa phương, sở dĩ núi có tên là Hòn Bà là vì trước đây là nơi Bà Thiên Y A Na thường hay xuất hiện. Thiên Y A Na là bà mẹ xứ sở của người Chàm có tên gọi là Po Inu Nagar, người Việt trong quá trình tiến về phía Nam đã đồng hóa tục thờ mẫu của người Chăm thành một vị thần riêng cho mình.

Từ dưới chân đèo, hồ Suối Dầu hiện ra được tô điểm thêm bởi những vạt rừng cây dầu, cây keo làm cho hồ chứa nước này thêm phần thơ mộng. Hồ Suối Dầu là nơi chứa nước chảy từ thượng nguồn về. Điều này bảo đảm luôn điều hòa được nguồn nước vào mùa mưa lũ. Không những thế, nó còn tích nước cho mùa khô hạn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho dân cư, và cung cấp nước cho khu kỹ nghệ Suối Dầu ở bên dưới.

alt

Những ngọn đồi bị đốn sạch cây cối là nơi những người Raglai nghèo khổ chọn làm nơi canh tác. Loại thực phẩm chủ yếu mà họ trồng là chuối.

Tại nơi đây, những người Raglai quần cư rất đông. Họ sống chủ yếu dựa vào nguồn thực vật phong phú của cánh rừng nguyên sinh. Trên những ngọn đồi thấp, người Raglai phát quang để trồng chuối, khoai, bắp… Một trong những thu nhập phụ của họ là hái cây đót, đem về phơi rồi bó lại mang đi bán cho người Kinh làm chổi.

Hai bên đường đi loáng thoáng xuất hiện những ngôi nhà lợp bằng lá, tre nứa thấp lè tè với lũ nhóc lem luốc, nghèo khổ. Đó là nơi sinh tồn của những người Raglai tội nghiệp. Phần nào do lối sống luân canh dựa vào rừng núi tồn tại bao đời nay, nên một khi chính quyền ngăn cấm lối du cư trên những cánh rừng làm ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, uốn lượn thoắt ẩn, thoắt hiện trong cánh rừng làm cho chuyến đi thêm phần huyền bí. Đường khá nhỏ, chiều ngang chỉ độ khoảng 3m, ấy là chưa nói có những đoạn bị sạt lở, cuốn phăng luôn cả một mảng đường xuống vực. Rất nhiều lần chúng tôi phải đối diện với những khúc cua cùi chỏ mà chỉ với một chút sơ ý là có thể dẫn đến điều đáng tiếc. Chính vì thế mà xuyên suốt hành trình, loáng thoáng lại xuất hiện những lán trại của công nhân cầu đường. Đường này không thích hợp cho những chiếc xe nhiều hơn 29 chỗ ngồi. Đã thế đường lại khá gồ ghề. Nó chỉ thích hợp với những người thích mạo hiểm, ngồi trên xe máy để tìm kiếm cảm giác phiêu lưu, thả hồn mình theo những đám mây đang lờn vờn bên cạnh.

alt

Từ những ngọn đồi, người Raglai sẽ gùi chuối đến điểm thu mua chuối do người Kinh lập ra.

Mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ để đến nơi mà trước đây bác sỹ Yersin dùng làm nơi trú ngụ. Tại nơi này, ông cho xây dựng một căn nhà bằng gỗ để làm nơi nghỉ ngơi và cũng là nơi làm việc. Bên cạnh đó ông còn cho làm chuồng ngựa và một số tiện nghi khác cho việc nghiên cứu của mình. Ngày nay, chính quyền cho phép công ty Yasaka sửa sang, bảo tồn với mục đích thu hút khách du lịch. Thời tiết ở đây ôn hòa quanh năm, vào những ngày giá rét, nhiệt độ có thể xuống đến 9, 10 độ C. Trên đỉnh Hòn Bà, mưa đều quanh năm nên không sợ thiếu nước.

Chỉ khi đến được nơi làm việc của bác sĩ Yersin mới thấy được những gian truân của ông khi cố gắng tìm kiếm nơi để trồng cây Ký ninh để cứu mạng sống con người. Cách đây gần 100 năm, chỉ với ngựa và những sắc tộc Raglai dẫn đường, ông đã chinh phục ngọn núi hùng vỹ. Vào thời đó, các loại động vật hoang dã, thú lớn hãy còn rất nhiều. Chỉ với tình yêu thương đồng loại, muốn làm cho con người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần mà ông đã tốn thật nhiều công sức. Ngày nay, ngựa đã dần dần đi vào quên lãng, với chiếc xe máy ai cũng có thể chinh phục được đỉnh Hòn Bà, song không phải vì vậy mà không cảm nhận được sự cheo leo, trắc trở của người xưa.

alt
12 giờ trưa, sương mù vẫn còn giăng phủ khắp nơi

Làm du lịch kiểu… Việt Nam.

Dựa trên những thứ đã có sẵn như: yếu tố lịch sử, khung cảnh thơ mộng, thời tiết ôn hòa ở Hòn Bà để mở rộng thêm tuyến du lịch tại Khánh Hòa. Với quyết định này, chính quyền Khánh Hòa cho  công ty Yasaka khai thác.

 Với lý do “xã hội hóa phát triển du lịch”, Công ty Yasaka đã tự cho phép mình chặt bỏ nhiều cây trên rừng, khu vực lân cận tòa nhà của bác sĩ Yersin. Trên những thửa đất đã được chặt bỏ cây rừng, Yasaka đã cho thuê mướn một công ty trung gian để cho xây dựng rất nhiều công trình trái phép như: 2 bể chứa nước, 1 nhà hàng, 5 nhà nghỉ.

alt

Điều đáng nói là, Hòn Bà là một ngọn núi cao, nơi hằng năm lượng nước từ thượng nguồn đổ về xuôi rất lớn và nhanh. Việc công ty Yasaka cho chặt rừng từ đầu nguồn đã tác hại nghiêm trọng không những đến cảnh quan, môi sinh khu bảo tồn thiên nhiên, mà còn tác động đến việc làm cho lượng nước chảy về xuôi vào mùa mưa lũ mạnh hơn. Bên cạnh đó, nếu lượng nước không được kiểm soát, hồ chứa nước Suối Dầu sẽ không thể nào chịu nổi sức tàn phá khủng khiếp của dòng nước đổ xuống từ thượng nguồn.

Chỉ vì mối lợi cho riêng mình mà công ty Yasaka đã cố tình bỏ lơ những tác hại sẽ xảy ra cho biết bao nhiêu cư dân ở phía dưới. Dẫu vậy, sau khi bị  chính quyền phạt 125 triệu, công ty Yasaka vẫn chẳng có hành động nào để gầy dựng lại những thửa rừng đã bị chặt phá. Những nhà nghỉ, được xây dựng do chặt phá cây rừng vẫn được sử dụng để kiếm lợi. Và, chẳng còn ai nhắc đến hàng loạt cây rừng nguyên sinh đã bị Yasaka chặt phá.

Nếu trước đây khi công ty Yasaka chưa bắt tay vào khai thác Hòn Bà, du khách khi đến nơi này được thoải mái thăm nơi làm việc của bác sỹ Yersin. Nhưng từ khi công ty này đến đây, để được biết bác sỹ Yersin đã từng sinh sống, làm việc như thế nào, mỗi du khách phải chi trả 30 ngàn đồng. Điều này rất bất hợp lý, vì nếu chỉ để nhìn ngắm ngôi nhà gỗ mà du khách phải trả tiền. Đó là chưa nói, ngôi nhà ấy không phải do Yasaka làm ra. Yasaka được thừa hưởng những thứ mà trước đây người khác đã làm sẵn. Nó phải được dành cho mọi người, những ai yêu quý vùng đất này.

alt

Ngôi nhà gỗ được bác sỹ Yersin cho xây dựng, nay đã trở thành điểm thu hút khách du lịch.

NQ