Người viết lúc đầu, mỗi tháng mỗi về Sài Gòn. Sau vài tháng, rồi một năm về một lần. Đủ để mắt mũi và trái tim ngỡ ngàng, buồn vui lẫn lộn.

Không thể phủ nhận đường sá, cầu vượt, hầm chui Sài Gòn ngày một nhiều hơn, giúp giao thông cửa ngõ phía đông phía tây thành phố nhanh chóng hơn. Nhà cửa quận huyện ngoại thành cũng đông đúc, đàng hoàng hơn. Nhiều khu đô thị cao cấp, dọc sông Sài Gòn, ban đêm đèn thắp như sao sa. Những con kênh chết, những bến thuyền hôi thối, cạn lấp ở quận 5, quận 8, được nạo vét, trồng cây xanh, thỉnh thoảng vắt ngang một chiếc cầu trắng trẻo, mềm mại như lụa. Đi đâu cũng tìm được siêu thị, quán cà phê, rạp phim 3D, Trung tâm y tế tư nhân, nhà hàng cao cấp. Đường nào, hẻm nào cũng đặc kín người. Buổi sáng, từ đó tuôn đi những dòng xe gắn máy đời mới sáng choang. Buổi chiều, nhận lại những gương mặt bã mồ hôi, đờ đẫn. Ban tối, đầu hẻm, cuối hẻm, la liệt người ngồi hóng gió, vén áo, vén quần. Không ai buồn nói chuyện với ai. Hiên nhà nào, dù có lầu hay không, đều rộng chừng một hai thước bề ngang, vây lưới sắt, làm cổng sắt, chốt khóa kỹ càng. Trong hiên, trên phơi quần áo, treo lồng chim, dưới xích con chó, giữa kê vài bồn trồng rau ăn lá, cây hoa, cây dược thảo, cây gia vị lộn xộn, vừa làm đẹp vừa che bụi chắn nắng. Từ hẻm ra đường, chỉ năm mười phút đi bộ. Phong phanh bộ đồ thiếu vải, tóc vén lên đỉnh đầu, các bà các cô quên thứ gì, cứ thế phi luôn ra đường, mua bán tự nhiên. Đám choai choai, ngồi ghếch xe vỉa hè “nẹt po” ầm ĩ, bấm điện thoại liên tục. Ngày ba mươi Tháng Tư, chúng chưa ra đời. Ký ức chúng vì thế không vết hằn. Chúng không thể tưởng tượng mà cũng không thích nghe “Trường ca bo bo, cải tạo” mỗi năm cha mẹ mỗi ôn lại nhàm chán, nặng nề. Thỉnh thoảng lên mạng, có trang blog này blog nọ đưa tin chính trị, bang giao, tham nhũng, thối nát, lạm quyền thì chúng coi một lát, ngáp không che mồm, chuyển sang chơi game.

Bề ngoài Sài Gòn, cuối Tháng Tư năm nay, suốt ngày mặt trời đốt lửa trên những chùm hoa phượng màu đỏ cam trong Sở Thú, hòa cùng tiếng cười giòn giã của đám trà “bệt”trong công viên cạnh nhà Thờ Đức Bà. Du khách nước ngoài không nhiều, áp phích mừng ngày giải phóng treo qua quít, cẩu thả nơi công cộng. Trường học, công sở đóng cửa nghỉ lễ bốn ngày. Dân Sài Gòn lớp ở nhà tránh nắng, lớp về quê miền Đông, miền Tây, lớp tắm biển Vũng Tầu, thăm rừng thông Đà Lạt…. Đường phố Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi nhờ vậy im ắng tiếng xe. Đường Gia Long, Nguyễn Du, Công Lý, Pasteur, lá me, trái sao, mỗi lần trận gió lướt qua, nghe rào rào vừa hương vừa sắc rụng rơi… Trong thinh không rớt một đám mây ngũ sắc, tưởng chừng leo lên đó, nhắm mắt, mở mắt là có thể thấy lại rõ mồn một ba mươi tám năm trước…

Một đoạn đường trước Dinh Độc Lập ngày 30/4/2013
Còn bề trong Sài Gòn, không thể đo lường, mà cũng không ai cho đo lường. Chỉ ghi nhận chung chung rằng “thấy vậy mà không phải vậy”, hay nói theo cụ tổ truyện Kiều thì là “Ở trong còn lắm điều hay. Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung”. Nhiều bạn văn, bạn báo, bạn giáo, bạn sách, khi ngồi cà phê với người viết, bằng cách này cách khác, thường bày tỏ sự vỡ mộng của mình. Ông X thú nhận “Cho sống lại thời tuổi trẻ, tao cũng đếch biết sống thế nào cho đừng thành rô bốt”. Ông Y rên rỉ “Nuôi con thấy to lớn phổng phao, bảnh bao bằng cấp, những mừng. Chừng chếch (check) lại, thấy đầu nó toàn đất sét, mới biết mình nuôi gà công nghiệp. Vừa chán vừa tiếc công tiếc của”. Ông Z, mặc áo tu, suốt ngày nói chuyện “sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Ông Zchơi thư pháp, cắm cúi múa bút lông luyện viết câu “Xử thế nhược đại mộng” đủ kiểu bay bướm. Chuyện thời sự, đối với họ đành là chuyện huyễn. Đến như chuyện văn, báo, giáo, sách là chén cơm manh áo hàng ngày, cũng bị họ bịt mũi, nhổ toẹt. Quá đáng chăng!