Trong loạt bài về luật chăm sóc sức khoẻ ObamaCare trên trang báo này, Trẻ đã giới thiệu những thuật ngữ y tế thường gặp. Chúng tôi tiếp tục gởi đến độc giả một số điểm cần chú ý khác, liên quan đến cách mua bảo hiểm sức khoẻ. Trong bài này, Trẻ vẫn chánh yếu sử dụng các thông tin chánh thức của chánh phủ liên bang, nhất là từ Bộ Y Tế và Nhân Sinh Hoa Kỳ (US Dept. of Health and Human Services).
Theo luật ObamaCare, từ đầu năm 2014, mọi người phải có bảo hiểm sức khoẻ, nếu không phải nộp thuế phạt vạ. Tuy vậy, việc tìm mua các chương trình bảo hiểm y tế (health insurance plan) thích hợp với hoàn cảnh sức khoẻ và tài chánh của gia đình quý vị có thể không ít rắc rối, khó hiểu.
Đầu tiên, quý vị cần tìm hiểu hãng bảo hiểm có chịu trả tiền (cover) những khoản chăm sóc y tế mà quý vị có thể có nhu cầu hay không. Sau đó, cần kiểm tra xem bảo hiểm có bao gồm các y sĩ, nhà thương, mà quý vị thích, với phẩm chất đạt yêu cầu.
Một trong những yếu tố có thể được quan tâm hàng đầu là mức tiền “Premium”. Đây là chi phí quý vị phải trả cho hãng bảo hiểm, thường là mỗi tháng. Cần biết, mỗi “plan” đều riêng biệt. Những chương trình “cover” nhiều quyền lợi y tế, “cover” rất rộng rãi thường có mức “Premium” giá cao. Ngược lại, các “plan” ít tiền “Premium” có thể rất giới hạn trong chăm sóc sức khoẻ. Do đó, mua bảo hiểm giá thấp nhất chưa chắc là thượng sách, nhất là đến lúc quý vị có nhu cầu cần được chăm sóc sức khoẻ.
Cần biết rõ quý vị phải trả bao nhiêu tiền khi lâm bịnh. Tốt hơn hết, nên tránh các bảo hiểm không đặt khoản “Maximum out-of-pocket”, nghĩa là chi phí tối đa mà quý vị phải gánh chịu trước khi bảo hiểm cáng đáng phần còn lại. Khách hàng cần biết chắc trách nhiệm của mình phải trả những gì, và bao nhiêu, trước khi hãng bảo hiểm bắt đầu chi trả (các khoản chi trả như “Deductible”, “Co-insurance”, “Copayment”, v.v…)
Có thể nói, các khoản Deductible- Coinsurance-Copayment… là những lý do không nhỏ khiến nhiều người trẻ, khoẻ mạnh, lâu nay tránh mua bảo hiểm y tế. Thí dụ: trong năm họ chỉ đi khám bịnh 1 lần, tốn kém $500, trả tiền túi một lần là… hoàn thành trách nhiệm. Trong khi đó, nếu mua bảo hiểm, dù đã trả tiền “Premium” hằng tháng, đến lúc khám bịnh, họ vẫn phải bỏ tiền túi trả phần $500 đó (vì vẫn còn trong khoản “Deductible” $2,000 chẳng hạn). Kết luận: mua bảo hiểm thật là… “lỗ”. Tuy nhiên, đây cũng chính là mục đích của… bảo hiểm — để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Đa phần người mua bảo hiểm xe/nhà không thể xem như “phí” tiền, vẫn phải mua, để có bảo hiểm một lần nguy cấp nào đó…
Trang web của Bộ Lao Động Hoa Kỳ với nhiều thông tin bảo vệ quyền lợi khách hàng dưới luật y tế mới ObamaCare.
Khi mua bảo hiểm cũng cần cẩn trọng với một số loại bảo hiểm rao bán trên thị trường, quảng cáo rất hay, nhưng hiệu quả không bao nhiêu, lại tốn kém nhiều. Vài thí dụ:
– Bảo hiểm “Dread Disease”. Chi trả cho các chi phí dành riêng một số loại bịnh đặc biệt, chẳng hạn như ung thư. Nhiều hãng bảo hiểm chánh yếu “doạ” người ta sợ để bán bảo hiểm thu lợi. Có tiểu bang thậm chí cấm khoản bảo hiểm này.
– Bảo hiểm “Accident-Only”. Chi trả khi xảy ra tai nạn không liên quan tới bịnh tật. Đây là khoản có thể không cần thiết, vì các chương trình bảo hiểm tốt thường đã có “cover” cho tai nạn.
– Bảo hiểm “Supplemental”. Đây là các loại bảo hiểm “extra”, như kiểu quyền lợi thêm vào cho các khoản bảo hiểm căn bản. Thí dụ, có bảo hiểm hứa hẹn trả tiền cho mỗi ngày quý vị nhập viện. Trên thực tế, số tiền này quá nhỏ so với chi phí nhà thương. Người mua các bảo hiểm này trả tiền mắc, mà hiệu quả không đáng kể, ít khi sử dụng.
– Các loại “Discount Plan”. Không phải là bảo hiểm y tế như nhiều người lầm tưởng. Một thí dụ là “Discount Plan” của các phòng mạch “CareNow” rất phổ biến. Thoạt trông, chúng khá giống như bảo hiểm sức khoẻ, cũng có trả tiền hằng tháng “Monthly Premium”, cũng có thẻ “ID Card”, và cũng hứa hẹn cung cấp vài dịch vụ y tế căn bản. Kỳ thực đây là những phòng mạch tư, quý vị phải trả tiền túi mỗi khi đến khám bịnh, nhưng có giảm giá chút ít cho thành viên trả lệ phí hằng tháng, nên gọi là “Discount”. Chúng không phải là dịch vụ bảo hiểm sức khoẻ, nên khách hàng cũng không được chánh phủ bảo vệ. Đã có những giới thẩm quyền tiểu bang cảnh báo khách hàng về các “Discount Plan” dễ gây ngộ nhận này.
Trên thực tế, đến nay, bảo hiểm sức khoẻ tốt nhất vẫn là mua tại sở làm. Cách chung, quý vị được bảo vệ nhiều hơn: không bị từ chối, hoặc bảo hiểm tính tiền “Premium” cao hơn chỉ vì lý do quý vị sa sút sức khoẻ hoặc trở nên tàn tật. Những bảo vệ này, với bảo hiểm sức khoẻ mua nơi sở làm, gọi là “Nondiscrimination” (không được phân biệt đối xử). Sở làm có thể từ chối không cho bảo hiểm sức khoẻ vì một số lý do (thí dụ quý vị chỉ làm việc bán thời gian), nhưng dứt khoát không được liên quan đến sức khoẻ.
Thêm vài thí dụ về quyền lợi được bảo vệ khác. “Special Enrollment” cho quý vị thêm thân nhân vào bảo hiểm (ngoài thời gian ấn định mỗi năm – Open Enrollment) trong một số trường hợp đặc biệt. Nếu quý vị cần nghỉ đi làm vì lý do sức khoẻ, chuẩn bị sanh em bé, cần chăm sóc người thân đang lâm bịnh, v.v… quý vị có thể được hưởng toàn bộ hoặc một phần lương, thể theo đạo luật liên bang “Family and Medical Leave Act”. Con cái quý vị cũng có thể tiếp tục được bảo hiểm mà không cần ở chung nhà cho đến 26 tuổi. Để tìm hiểu thêm về các quyền lợi này, có thể tham khảo chi tiết với Bộ Lao Động Hoa Kỳ tại trang web www.askebsa.dol.gov, hoặc gọi số 1-866-444-3272.
Một thí dụ mẫu của bảng tóm tắt chương trình bảo hiểm sức khoẻ gọi là SBC (Summary of Benefits and Coverage) theo quy định của luật ObamaCare.
Ngoài bảo hiểm y tế tại sở làm, còn có các phương cách chăm sóc sức khoẻ khác. Chương trình y tế nhi đồng “Children’s Health Insurance Program”, hay CHIP, được áp dụng tại tất cả các tiểu bang, giúp chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong các gia đình thu nhập cha mẹ dưới mức khoảng $45,000 / năm (cho gia đình 4 người). Phụ nữ đang mang thai cũng có thể được nhận Medicaid (mức thu nhập để hội đủ điều kiện khác biệt tuỳ tiểu bang).
Với luật ObamaCare, chương trình Medicaid cũng có thể được mở rộng cho người thu nhập thấp, nếu tiểu bang nơi quý vị cư ngụ chấp thuận. Những cá nhân/gia đình thu nhập dưới 133% mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn liên bang có thể được thọ nhận Medicaid: khoảng dưới $15,280 (gia đình 1 người); dưới $20,630 (2 người); dưới $25,980 (3 người); và dưới $31,320 (4 người). Những tiểu bang có Trẻ hiện diện đã chấp nhận mở rộng Medicaid bao gồm: Florida, Biệt Khu Thủ Đô (Washington D.C.), Maryland, Colorado, Massachusetts, Missouri, Washington. Những tiểu bang không mở rộng Medicaid: Texas, Georgia, Oklahoma, Mississippi, Louisiana. Và 2 tiểu bang chưa quyết định dứt khoát liệu có mở rộng Medicaid hay không gồm Virginia và Kansas.
Những trường hợp khác có thể mua bảo hiểm y tế tại các “tiệm” Health Insurance Marketplace (HIM, hay còn có tên “Health Insurance Exchange”), mở cửa từ Tháng Mười 2013. Những người đi làm nhưng sở làm bán bảo hiểm cao hơn 9.5% thu nhập cũng có thể mua bảo hiểm y tế tại đây. Thông qua các “tiệm” HIM này, quý vị có thể được nhận trợ cấp chánh phủ thông qua hình thức tín thuế (tax credit). Liên bang ước lượng có thêm nhiều triệu người Mỹ được bảo hiểm y tế từ đầu năm 2014.
Khi mua bảo hiểm qua các HIM, quyền lợi bảo vệ tuỳ từng tiểu bang nơi quý vị cư ngụ. Nói chung, các dịch vụ y tế cơ bản phải bao gồm: xe cứu thương; phòng cấp cứu; viện phí; chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh; chăm sóc người bịnh tâm thần; tiền mua thuốc; tập thể dục hồi phục; chi phí xét nghiệm y khoa; các phương pháp giúp ngăn ngừa bịnh, bảo vệ sức khoẻ; các dịch vụ nha khoa và nhãn khoa…
Từ đầu năm 2014, luật ObamaCare hạn chế mức tiêu xài y tế tối đa từ 2% đến 9.5% trên thu nhập gia đình. Nói chung, thu nhập càng cao thì mức tiền bảo hiểm càng tăng, nhưng không được vượt mức 9.5% thu nhập gia đình. Phần dư còn lại, nếu có, sẽ do chánh phủ liên bang gánh vác, thông qua trợ cấp hoặc khấu trừ thuế. Liên bang ước tính các khoản trợ cấp trị giá trung bình $5,000/năm cho mỗi gia đình. Cách chung, gia đình thu nhập càng thấp thì trợ cấp càng cao (nghĩa là họ trả tiền bảo hiểm ít, hoặc không trả gì cả).
Chánh phủ liên bang sẽ trợ cấp cho những ai thu nhập dưới 400% mức nghèo khổ. Mức nghèo khổ do Bộ Y Tế Hoa Kỳ công bố đầu năm 2013 là: $11,490 (thu nhập mỗi năm, với cá nhân hoặc gia đình 1 người); $15,510 (gia đình 2 người); $19,530 (gia đình 3 người); $23,550 (gia đình 4 người). Trên nguyên tắc, các cá nhân/gia đình nào có thu nhập thấp hơn 400% mức nghèo khổ đều được liên bang trợ cấp, không nhiều thì ít. Như vậy, những thu nhập sau đây được nhận trợ cấp để mua bảo hiểm y tế: dưới $45,960 (gia đình 1 người), dưới $62,040 (2 người), dưới $78,120 (3 người), và dưới $94,200 (4 người).
Mỗi “plan” bảo hiểm đều có hệ thống “network” gồm nhiều y sĩ, nhà thương, tiệm thuốc… khác nhau. Khi chọn bảo hiểm, quý vị cần xem xét danh sách này thật kỹ. Nếu gia đình quý vị thích một bác sĩ nào, cần thiết phải chọn một “plan” có tên vị bác sĩ đó. Cách giản dị là hỏi trực tiếp vị bác sĩ. Quý vị cũng có thể tham vấn vị bác sĩ gia đình về bác sĩ chuyên khoa có tên trong “network” — như bác sĩ tim mạch (cardiologist), bác sĩ phẫu thuật (surgeon), v.v… Dù quý vị chưa cần bác sĩ chuyên khoa lúc này, những thông tin này có thể giúp quý vị hiểu hơn giá trị tổng quát của một chương trình bảo hiểm.
Cần thiết đọc kỹ “health policy” để hiểu chương trình bảo hiểm quý vị dự định mua. Đây có thể là điều không đơn giản, ngay cả với người bản xứ hoặc chuyên viên y tế. Vì vậy, luật ObamaCare quy định các hãng bảo hiểm phải soạn một bảng hồ sơ bảo hiểm ngắn gọn, ngôn ngữ dễ hiểu, mang tính cách tóm lược, gọi là “Summary of Benefits and Coverage” (hoặc ngắn gọn SBC). Các SBC phải có các thông tin về: chi phí; các dịch vụ y tế không được trả; liệt kê những thuật ngữ y tế thường gặp; giải thích quyền lợi khách hàng và cách thức khiếu nại, v.v… Tất cả hãng bảo hiểm đều phải dùng một mẫu giống nhau. Về nguyên tắc, các bảng tóm lược này giống những tấm nhãn thông tin về nguyên vật liệu “Nutrition Facts” cho kẹo bánh, thực phẩm… thường thấy lâu nay. Nếu không được cung cấp, quý vị có quyền đòi hỏi một bản SBC để tham khảo: khi ký hợp đồng mới, khi có sự thay đổi, khi tái ký hợp đồng mỗi năm, v.v… Khách hàng gốc Việt cũng có thể yêu cầu được nhận SBC bằng Việt ngữ.
TD