Lời Tòa Soạn: Trong các số báo vừa qua, Trẻ đã đăng lần lượt:
1-Đến Nơi Xứ Xa,
2- Đêm Đầu ở Hàn Quốc,
3- Một Ngày Mới.
“Đó Là Deajeon” là bài kỳ 4.
Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas)đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn.
Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Tôi nhìn trong gương săm soi nhan sắc. Mới xa nhà hơn bốn ngày mà đã ốm o gầy mòn. Chẳng bù lúc còn ở nhà, thức ăn không ngon nhưng còn có món này món nọ, không đến nỗi trống trơ như góc bếp của tôi bây giờ. Ba thích nấu ăn nên được chỉ định làm bếp trưởng. Món nào cũng nấu. Nấu xong rồi chê: “Sao nấu không ngon bằng tiệm” nên đồ ăn cứ tiếp nhau cho vào tủ lạnh hâm đi hâm lại đến phát ngán. Tôi thì lại đoảng, vụng về chuyện bếp núc. Đúng ra tôi không có thời gian và chẳng thích mất thì giờ nấu nướng rườm rà. Đơn giản thực hiện vài ba món khoai tây nghiền chan sốt, cá tẩm bột làm sẵn bỏ lên chảo chiên vài phút, hoặc cầu kỳ một chút, xắt mớ rau củ nấu đậu đóng hộp. Me tôi nói đùa: “Sau này lấy chồng, thằng nào xui lắm mới gặp con!”.
Tóm lại, chuyện nấu bếp đối với tôi khi còn ở nhà không quan trọng. Nhưng giờ tự lo lấy miếng ăn mỗi ngày với vật giá đắt đỏ tại Hàn quốc để làm sao có bữa ăn ngon và rẻ là một chuyện phải biết đi chợ tính tiền. Đi ăn hàng quán hơn nửa số lương trong tháng bay vèo là cái chắc. May là căn phòng tôi ở nhà trường đài thọ, chứ thuê nhà thì mất năm sáu trăm đô. Mỗi tháng tôi chỉ trả tiền điện, nước, internet trọn gói khoảng trăm đồng. Bảo hiểm sức khỏe chủ trường mua. Tiền lương sau khi trừ thuế thu nhập, chịu khó nấu ăn, tiết kiệm một chút, dư sức dành được một số tiền kha khá cho những chuyến du lịch đó đây.
Trước khi chọn việc dạy tiếng Anh trong kế hoạch thực hiện một chuyến đi xa, tôi đã tìm hiểu đời sống một số nước khu vực Châu Á. Nhật Bản lương cao hơn nhưng chi phí sinh hoạt lại cao khủng khiếp. Trung Quốc thấp hơn Hàn, giá cả thực phẩm rẻ ngang bằng Việt Nam. Tuy vậy tôi không mấy thích thú vì môi trường sống còn kém. Me khuyên tôi về dạy ở Sài Gòn, dù sao cũng còn có bà con quyến thuộc giúp chuyện đi lại dễ dàng, có nơi ăn chốn ở. Vài người quen giới thiệu tôi với Trung tâm Anh ngữ ILA (International Language Academy) tại Hà Nội mức lương khá hấp dẫn, nhưng tôi cũng không màng tới. Thái Lan, Indonesia lương thấp so với các nước khác, hơn nữa đó là những nước thiếu an ninh. Nơi giáo viên tiếng Anh đến làm việc nhiều nhất là Hàn quốc. Hệ thống giao thông công cộng rất tốt và rẻ, nhà ở tiện nghi. Nhỏ bạn người Anh quen trên mạng đang dạy ở một trung tâm ngoại ngữ tại Daejeon gợi ý tôi nên đến xứ kim chi. Cụ thể là Daejeon. Seoul, Busan đông đúc, sinh hoạt đắt đỏ lắm!
“Đó là lý do tại sao tôi có thể ở lại Daejeon đến bốn năm”, Joana hôm đi ăn tối cho tôi biết như vậy. “Thành phố này gần kề các tỉnh nông nghiệp, đồ ăn rau quả quanh năm thứ gì cũng có, giá cả phải chăng rẻ hơn trong siêu thị. Nhất là người dân còn nhiều sinh hoạt truyền thống rất vui nữa”. Nhắc đến Joana, định rủ cô đi chợ vỉa hè mua rau cải nhưng sực nhớ hôm nay Chủ Nhật, cô đi dạy thêm tư gia cho hai học sinh trung học. Dạy kèm tiếng Anh tại nhà là một công việc dễ tìm tại bất cứ thành phố nào ở Hàn quốc. Thu nhập khá lại né được thuế nên nhiều giáo viên đi dạy kiếm thêm ngoài giờ lên lớp. Joana hỏi tôi có hứng thú, cô tìm giúp cho một chỗ.
Tôi chưa nghĩ đến việc phải kiếm thêm tiền. Vấn đề ở chỗ tôi nấu ăn dở ẹt nên bận tâm đến chuyện chợ búa cho các bữa ăn hàng ngày. Kim mời tôi về ở cùng gia đình cô cho tiện việc ăn uống cũng như có bạn trau dồi tiếng Anh. Chuyện này đối với nhiều người là một cơ hội tiếp cận văn hóa, học hỏi ngôn ngữ, tìm hiểu cách sống của người bản xứ. “Để làm gì?” khi tôi không có ý định trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa. Hơn nữa, đó không phải là mục tiêu trong cuộc sống của tôi. Biết được thì tốt, không biết được cũng chẳng sao. Có biết đi nữa mà không thực hành cái biết của mình cũng chẳng lợi ích gì. Cố Tổng thống Pháp René Coty sinh thời có một câu nói rất chí lý: “Ta phải mất suốt đời mới hiểu được rằng không cần cái gì cũng phải biết”. Thế giới này có quá nhiều điều cần phải biết mà đầu óc con người không thể nào chứa đựng cho hết. Vậy thì tội chi phải mất cả đời mới ngộ ra chân lý ấy!
Việc tôi cần làm trước mắt là tự học nấu ăn và lên sẵn thực đơn trong tuần, không phải tốn thời gian nghĩ đến miếng ăn, hôm nay món gì ngày mai món chi. Joana có lần đề nghị góp gạo nấu chung. “Nấu ăn một mình nhiêu đó, thêm một người thêm một đôi đũa nhưng tính ra tiết kiệm được nhiều. Ăn chung có bạn vẫn vui hơn. Hôm nay món Phi, ngày mai Hàn, mốt Tây, Tàu, Việt Nam đủ cả”. Ai cũng có nhà riêng, đâu phải ở tập thể mà cùng gõ kẻng đến giờ ăn cơm. Giờ giấc làm việc tuy chung nhưng giờ sinh hoạt riêng không thể nào trùng. Tôi hay ngủ nướng và luộm thuộm trong việc bày biện nấu ăn nên tốt nhất giấu béng cái tật xấu của mình. Cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, thi thoảng cuối tuần họp nhau giao lưu ẩm thực quốc tế. Coi vậy mà hay hơn.
Lướt qua đống thực phẩm “khẩn cấp” và những vật dụng nhà bếp tôi mua xem còn thiếu những thứ gì. Cái nồi cơm điện nhỏ, vài ba chén bát, xoong chảo, thùng mì gói, gia vị, một ít đồ hộp đã ngốn gần hết số tiền tôi đổi ra đồng won ở ngoài phi trường. Me nhắc đi nhắc lại “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” lúc trước khi tôi sang Hàn quốc. Đồ ăn không hết trong ngày, hôm sau mang ra là tôi chê lên chê xuống. Ăn hôm nào nấu hôm đó cho nóng sốt ngon lành. Tôi nghĩ khéo no thì chẳng nói làm gì bởi cuộc sống thực tại đâu đến nỗi khiến người ta cứ phải chăm chăm ních đầy bao tử. Đời sống cao hơn, phẩm chất cuộc sống cũng phải thay đổi theo. Biết khéo ăn ngon mới là điều đáng nói. Đòi hỏi của tôi như thế liệu có quá đáng?
Tôi ra cửa nhìn sang phòng Joana. Chờ hoài không thấy cổ về, đành đi chợ một mình. Joana biết chút ít tiếng Hàn, có cô đi cùng xí xô với các bà bán rau ở chợ nghe vui tai, cuộc sống chợ búa sinh động, gần gũi hơn với người mua kẻ bán. Tôi không biết đó là thứ cảm xúc gì nhưng nó làm cho cảm giác xa nhà, lạc lõng ở xứ người vơi đi ít nhiều với những gương mặt không quen thuộc bất chợt gặp trên phố. Đời sống xã hội cũng là một nhu cầu của con người ngoài nơi làm việc hay trở về căn phòng đối mặt với bốn vách tường lặng câm.
Không khí phố xá nhộn nhịp khắp nơi. Ở trạm xe buýt, người ta lên xuống tay xách những túi hàng vừa đi chợ. Khách bộ hành vui tươi đứng tụm năm tụm ba trước quán ăn. Hình như là quán thịt chó. Nếu không nhìn thấy hình vẽ “con chó khóc đứng khóc ngồi” phía trên hàng chữ “Ngày hội thịt chó hàng năm” của tấm băng rôn thì chắc hẳn là tôi đã ghé vào nếm thử. Thực đơn phong phú: xúc xích, dồi chiên, chả băm, hấp sả, luộc mẻ, cà ri, sườn nướng, nấu riềng, lẩu cay… thấy thật hấp dẫn. Giá cả xem ra đắt đâu thua gì thịt heo thịt bò.
Bạn đừng sửng sốt khi nghe con số chính thức theo thống kê từ 600 trang trại nuôi “nai đồng quê” trên khắp xứ kim chi hàng năm cung cấp khoảng 100,000 tấn thịt. Số lượng đó thực tế còn nhiều hơn. Hầu hết người Hàn quốc (nam nhiều hơn nữ) đều yêu thích loại thịt cầy ngon bổ này có thể làm mát gan bổ tỳ. Trong những tháng Hè, lượng thịt chó tiêu thụ nhiều hơn bình thường. Đó là những con số khô khan tìm hiểu trên mạng chứ không tưng bừng và vui nhộn trên phố mà tôi được dịp nhìn thấy thực tế. Tôi ghê thịt chó nhưng không ai cấm tôi hòa mình vào ngày vui lễ hội. Cũng giống như ở Texas có lễ hội rắn chuông hay như lễ hội đâm trâu của người Ba Na ở Tây Nguyên. Nếu bạn là nhà hoạt động vì động vật thì bạn cứ im lặng giương cao ngọn cờ đấu tranh vì quyền bình đẳng với “bạn của con người” hay chui vào lồng chó ngồi thu lu trong góc đeo cái biểu ngữ “Xin đừng giết tôi!”. Còn nếu bạn là khách du lịch đang ở Hàn quốc đúng hôm nay (ngày 7 tháng 8) thì nên lịch sự một chút, không cần bứt rứt thái quá vì tình yêu loài vật mà không cầm nổi cái lưỡi dễ gây phiền phức trong ngày lễ hội truyền thống dân gian “Bol-Nal”.
Ngoài món thịt chó, người Hàn cũng thường ăn mì lạnh (moon naeng myun) để xua tan cái nóng chảy mỡ vào những ngày Hè. Món này tôi chưa có dịp thử qua nhưng nghe mô tả thì biết tô mì lạnh tanh đúng theo tên gọi. Sợi mì làm bằng gạo kiều mạch. Nước dùng thường là nước thịt bò luộc, cho vào vài lát trái lê xắt mỏng để có vị ngọt chua. Nước lèo cất trong tủ lạnh khi dùng mới múc ra tô, bỏ vài lát thịt, điểm vài miếng ớt đỏ hay kim chi cho tô mì có màu sắc. Nghe tôi tả thấy mất ngon. Mì phải ăn nóng như phở, ai lại đi ăn lạnh. Thế nhưng người ta lại thích thú món ăn lạ lùng này, ngay cả người Nhật cũng bắt chước nấu mì lạnh Udon hay người Trung Quốc cũng thế, tuy chế biến có chút thay đổi một ít thành phần gia vị cho hợp khẩu vị của từng dân tộc.
Cũng có thể đó là sự khéo ăn để tìm cái ngon, cái lạ như món kem nóng chiên giòn. Kem đương nhiên lạnh, bỏ vào chảo chiên lại không tan nhờ lớp bột bánh mì sandwich tẩm bột khô áo bên ngoài. Hồi còn đi học, bạn bè thường hay họp mặt nấu ăn, chế biến món này nọ cho lạ miệng. Không biết học ở anh đầu bếp nào, nhỏ bạn người Mễ bày ra món đầu hành ngâm nước đá ăn với kem phô-mai. Chỉ nội nghe cái tên dài ngoằng đã thấy no hơi rồi còn thưởng thức gì được nữa. “Món này ăn chơi dùng để khai vị. Lấy đầu hành, chấm phô-mai, bỏ vào miệng, chầm chậm nhai thụ hưởng từ từ cái hương vị hăng hăng của hành và vị béo bùi của phô-mai. Cái lạnh của đá thấm vào đầu hành làm vị cay sắc lại, lan tỏa nhẹ nhàng như khói sương”. Cái miệng phàm ăn của nó tả món ăn mà tôi cứ tưởng nó đang viết văn không bằng. Có lần Ba tôi lấy khổ qua xắt mỏng đem ướp nước đá bào ăn kẹp với thịt chà bông. Đúng là vị nhẩn khổ qua tan theo cái lạnh trong miệng rất nhanh khiến đầu lưỡi không còn vị đắng. Lạ!
Lẩn thẩn với mấy món ăn lạ lẫm quen thuộc khẩu vị người này nhưng lại không quen đối với người khác, định bụng trở về nhà ghé vào quán phở tôi đã đi ngang làm một tô cho đã thèm, thế mà quên béng hồi nào không biết. Vừa đến nhà thì Joana cũng vừa về tới. “Joana, chị ăn gì chưa?”. “Rồi. Chủ nhà đãi một bữa ngon tuyệt!”. “Ăn gì?”. Joana bước lại phía tôi, kề tai miệng nồng mùi rượu: “Thịt chó!”.
Tác giả (X) và bạn bè trong một tiệm ăn
NL