Menu Close

Mí mắt bị giựt

Xin chào bác sĩ! Tôi có vấn đề nầy xin hỏi bác sĩ: Không biết tại sao mắt phải mí dưới của bà xã bị giựt nhiều lần trong ngày, kéo dài khoảng một phút, gần hai tháng nay. Xin hỏi bác sĩ: Nguyên nhân tại sao bị như vậy? Và có cách nào điều trị không? Thành thật  cám ơn bác sĩ.

Đáp

Chào ông Hải Lý,

Giựt mí mắt liên quan tới mấy cơ bắp nằm quanh mí mắt. Trong cơ thể, bắp thịt nào cũng có thể giựt như vậy, nhưng thường  thấy hơn là ở những cơ quanh mắt và trên mặt. Tiếng Anh gọi sự giựt này là Tics và Twitches.

Mí mắt dưới thường giựt nhiều hơn mí mắt trên. Có người vừa giựt mí mắt vừa giựt cánh mũi và phát âm thành tiếng khịt khịt rồi giựt lắc đầu. Giựt mí mắt thường xảy ra vài giây rồi hết, nhưng cũng có trường hợp kéo dài cả tháng, rất khó chịu. Sự giựt này ngoài tầm kiểm soát của người bệnh.

Nguyên nhân chính xác gây ra giựt mi mắt chưa được biết rõ. Sau đây là một số yếu tố có thể đưa tới chứng này: Căng thẳng tâm lý, mệt mỏi, mất ngủ, mắt mỏi vì nhìn tập trung nhiều, mắt khô, mất cân bằng dinh dưỡng, uống nhiều rượu, càphê, hút thuốc lá, dị ứng…

Đa số chứng giựt mắt không gây ra hậu quả trầm trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên khi kéo dài, cũng gây bực mình khó chịu cho bệnh nhân hoặc giựt mắt gây ra do rối loạn thần kinh. Trường hợp này tuy hiếm nhưng cần được bác sĩ nhãn khoa khám và điều trị.

Với các rủi ro gây giựt mắt kể trên, bệnh nhân có thể tìm hiểu coi xem có đúng vào trường hợp mình và điều chỉnh. Như là bớt rượu, thuốc lá, ngủ nghỉ đầy đủ, tránh sử dụng mắt quá lâu như nhìn máy vi tính hoặc bổ sung thêm khoáng magnesium, nếu thiếu dinh dưỡng.

Trường hợp của bà nhà, tôi đề nghị ông nên đưa bà tới bác sĩ nhãn khoa để khám, tìm nguyên nhân. Một số bác sĩ cũng chích chất Botox để điều trị chứng giựt mắt kéo dài, và cũng khá công hiệu. Chất này làm tê liệt cơ trên mí mắt, cơ hết giựt.
Chúc ông bà nhiều niềm vui, khỏe mạnh.

Con Rươi

Kính gửi Bác sĩ Nguyễn ý Đức

Đọc sách cũ, cháu thấy có câu nói, Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng Năm. Cháu không hiểu rõ ý nghĩa, xin bác sĩ giải thích. Xin cảm ơn bác sĩ.- Elise Kim.

Đáp

Chào Elise,

Hai câu này nói tới những ngày có Rươi, một món ăn rất đặc biệt của vài tỉnh ở Việt Nam.

Rươi là những sinh vật rất nhỏ nom giống con giun nhưng hai bên mình lại có nhiều lông và nhiều chất nhớt. Rươi tươi, màu hồng hoặc xám bạc, từng con rươi đều tăm tắp, bé chỉ bằng nửa cái đũa tre, dài chừng 5-7 cm. Lông là bộ phận dẫn đường cho rươi đực và cái tìm đến nhau.Tiếng Việt còn gọi rươi là Rồng Đất, vì hình thù nom tựa như con rồng, mà lại có trong đất. Khoa học phân biệt rươi ra tới hơn 40 chủng loại khác nhau. Ngoài Việt Nam, rươi cũng có ở Indonesia, các quần đảo Samoa, Fji.

Tại Việt Nam, rươi có nhiều ở các huyện Thanh Miện, Đông Triều tỉnh Hải Dương; một số địa phương ở Kiến An và Hải Phòng, miền Nam thì vài địa phương như huyện Ba Động, Duyên Hải, ở Trà Vinh cũng có rươi; miền Trung thì tại  hai xã Hưng Lợi và Hưng Nhân, tỉnh Nghệ An.

Thường thường rươi xuất hiện vào ban đêm của những ngày 20 tháng 9 và 5 tháng 10 âm lịch. Trứng rươi đẻ từ năm trước, nằm trong đất, tới khi nước thủy triều lên cao vào các ngày này thì nở ra con và nhô lên khỏi mặt đất. Dân chúng thường đốt đèn ban đêm, dùng một loại lưới làm bằng vải màn mà vớt. Rươi được cho vào thùng rồi gánh về Hà Nội, thị trấn Hải Phòng, Hải Dương mà bán. Tại Hà Nội hiện nay vẫn còn một con đường nhỏ mang tên Phố Hàng Rươi, mà người Pháp trước đây gọi là Rue Des Vers Blancs, Đường của những con sâu mầu trắng.

Có nhiều cách để ăn rươi: hấp, rán, xào, chả rươi, mắm rươi.

Chả rươi gồm thịt nạc băm nhỏ, trứng đánh nhuyễn, thì là tươi xanh, vài miếng vỏ quýt thái nhỏ li ti, ướp với nước mắm, hạt tiêu trộn với rươi. Đổ vào chảo rán nhỏ lửa, chả rươi có một hương vị rất đặc biệt, thơm lừng ra tới hàng xóm.

Rươi hấp với mộc nhĩ, củ hành tươi, thì là, nước mắm vỏ quýt. Đây là món ăn thanh lịch, ngon lại có rất ít chất béo. Mắm rươi ăn với thịt heo ba chỉ luộc kèm theo những ngọn rau thơm, rau diếp, thì ngon tuyệt trần gian.

Rươi là món ăn quý hiếm, chỉ có mỗi năm một lần và trong vài ngày nên quý nhau mới thết nhau một bữa ăn rươi. Muốn có rươi ăn, thường thì phải đặt trước, vì số lượng rươi giới hạn, mà khách sành điệu muốn ăn lại nhiều. Có điều là khi ăn thì quên đi hình ảnh con rươi khi còn sống, thân hình đỏ hỏn mà lông lại nhiều, phủ kín thân, nom mà sờ sợ. Ấy vậy mà có người biệt xứ cả nửa thế kỷ, về Hà Nội được bạn bè khi xưa dành cho một đĩa chả rươi, thì cảm động biết mấy.

Dân gian ta đã có câu vè đố nhau về rươi như sau:

Con gì bé tí tì ti?
Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời?
Một năm mấy bận đi chơi?
Đi thì lở đất long trời mới yên?

Hoặc các câu ca dao về rươi rất tình cảm như:

Tháng Chín ăn rươi, tháng Mười ăn nhộng,

Hoặc:

Bao giờ cho đến Tháng Mười,
Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy.

Tình tự quê hương là như vậy đấy, Elise ạ. Chỉ tiếc một điều là quê hương mình bây giờ khác xưa quá nhiều, khác từ tình người tới chế độ, theo chiều hướng xấu nhiều hơn là tốt.

Bác rất xúc động khi thấy cháu tuy ở thế hệ sau mà còn tưởng nhớ tới quê hương.

Chúc cháu mọi sự bình an.

NYD