Menu Close

Kỳ 6: Chụp chim không dễ

Trong tuần qua, tôi đã được hơn chục người liên lạc với mục đích muốn học “nghề chụp chim”. Một câu điển hình như: “Tui thấy trong website anh Andy chụp hình mấy con chim đẹp quá! Cho tui bái làm sư phụ đi! Tui có máy Canon!”. Xin thưa, câu trả lời không phải đơn giản, và có thể cần trọn vài trang báo mới đủ.

Những tấm hình chim tuyệt đẹp trong trang nhà của tôi trên mạng (www.wildwingsphotography.com) không phải được thực hiện qua đêm. Trước khi bắt đầu đi vào thể loại chụp ảnh chim hoang dã, tôi đã có hơn 30 năm kinh nghiệm cầm máy hình, với đủ thể loại khác nhau; cho nên đã nắm vững về vấn đề kỹ thuật nhiếp ảnh.

Tại sao lại chọn thể loại này?


Thật sự thể loại chụp ảnh nào cũng có những thử thách riêng của nó, nhưng nếu đối tượng của bạn có cánh và biết bay thì không có gì khó bằng. Gần như tất cả các loài chim đều có nhãn quan rất tinh nhạy (gấp nhiều lần nhãn quan của con người). Chúng sẽ thấy bạn từ xa, trước khi bạn thấy chúng, và sẽ bay mất.

Nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn giữ tay không bị run với ống kính 600mm chụp Đại Bàng.

Gia đình điểu cầm có một loài nhanh nhất thế giới, đó là chim ó Peregrine Falcon, có thể bay đến tốc độ hơn 300 cây số giờ. Nếu bạn chụp chim được rõ nét thì bạn chụp cái gì cũng được.

Có nhiều giống chim có màu sắc rất quyến rũ. Đây là nét đẹp tự nhiên và rất “ăn ảnh”.

Ống kính chuyên môn


Có thể bạn đã biết chữ ống kính “tele” (tức là tầm xa). Trong thể loại chụp chim, chúng tôi thường dùng những ống kính super-tele (siêu tầm xa). Vì chim thì nhỏ (so với những loài cầm thú khác), mà lại bay cao, xa; bạn cần phải có những ống kính “nòng đại bác” mới khỏi bị “con chim nhìn giống một chấm đen trong hình”.

Hình Đại Bàng (khoanh tròn) rượt săn đàn ngỗng. Có vài trường hợp không dùng ống kính super-tele mới lấy được cảnh đẹp xung quanh.

Khổ một nỗi là những ống kính này nặng như tạ. Bạn cứ thử cầm bao gạo rồi nhấc lên ngang trán bạn và giữ tư thế đó khoảng vài phút; bạn sẽ thấy đây là một vấn đề “hộc gạch”. Nếu bạn có đọc những bài viết “Ký Sự Hoang Dã” trong báo Trẻ, bạn sẽ thấy nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh vác ống kính super-tele rượt theo chụp hình mấy con chim, trông rất “ngầu”!

Không phải ai cũng dễ vác những ống kính khổng lồ như vậy, rất nhiều người chụp hình phải lệ thuộc vào loại chân máy đắt tiền mới có thể chịu được sức nặng đó. Nhưng chân máy sẽ làm giới hạn tầm xoay của ống kính, do đó sẽ bị mất nhiều cơ hội chụp chim đang bay.

Kỹ thuật rình… chim


Trong thể loại nhiếp ảnh động vật hoang dã, khả năng tiến đến gần đối tượng sẽ đóng góp phần lớn trong sự thành công của bạn. Dù bạn có đến gần cỡ nào đi nữa, khoảng cách đó hiếm khi vừa đủ, bạn vẫn còn cảm giác mình còn hơi xa. Nhiều người đã từ bỏ chuyện chụp hình chim hoang dã vì những tấm ảnh họ chụp bị quá tệ, và đổi qua chụp chim trong sở thú hoặc những chỗ nuôi chim. Những con chim đã dạn với người (chim sẻ, bồ câu, vịt, ngỗng… trong các công viên thành phố) thì quá dễ chụp, và ít thể hiện những động tác lạ mắt.

Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh đang rình chim trong khu đầm lầy. Khả năng cầm ống kính super-tele không run tay do kết quả của hàng giờ tập tạ mỗi ngày.

Trước khi bạn ra tiệm mua một ống kính 600mm (giá khoảng $11,000), bạn nên nghĩ về học cách… rình chim, vừa thú vị mà lại rẻ hơn nhiều (chi phí chỉ một phần trăm số tiền đó).

Mồ hôi và nước mắt


Nếu bạn muốn chụp hình thiên nhiên hoang dã, bạn phải chịu hòa nhập với thiên nhiên. Nhiều khi trong quá trình săn ảnh, bạn cũng phải lội nước, bùn, cát, tuyết, rừng sâu, núi cao, nói chung bất cứ nơi nào chim đến. Chim có cánh, con người thì không!

Tùy theo những chuyến đi săn ảnh của bạn dẫn dắt tới đâu, có lúc bạn lại phải chuẩn bị tinh thần đối phó với những nguy hiểm luôn luôn rình rập, nếu sơ hở bạn có thể bị tấn công bởi… thú dữ, beo, gấu, mèo rừng, cá sấu, rắn, nhện, bò cạp, kiến lửa, muỗi, bù mắt, và… cơn đói hoặc khát của bao tử.

Dầm mưa dãi nắng


Andy Nguyễn đang trườn trên dốc đá để chụp chim trên núi. Phía dưới là con sông Colorado River nổi tiếng.

Nên nhớ, với thể loại này, một trăm phần trăm số ảnh của bạn sẽ phải chụp ngoài trời, và sẽ lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Không những chỉ có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mà còn phải chia ra từng buổi trong ngày. Có khi sáng nắng mà chiều lại mưa. Bạn phải luôn thủ sẵn để đối phó với những trắc trở như cơn nắng, mây, mưa, gió, giông, bão, tuyết, lạnh, nóng bất ngờ.

Tốn kém


Như đã nói trên, chụp hình chim cần phải có tối thiểu một ống kính đủ cự ly để thấy chim gần hơn “một chấm đen”. Những ống kính super-tele mang bảng giá từ $5,000 trở lên. Cái máy DSLR loại tốt, ít nhất cũng $1,000. Ngoài ra, bạn cũng cần mua những phụ tùng khác, như: thẻ nhớ (memory cards), đèn flash (nếu chụp ban đêm), chân máy (nếu mỏi tay), túi đeo lưng, v.v… Chưa kể những tốn kém dọc đường (tiền xăng, tiền ăn nhà hàng, nếu đi gần), khách sạn, vé máy bay, tiền mướn xe (nếu đi xa). Trong một năm, số tiền này cũng lên khá “bộn”.

Kết cuộc


Nếu đọc xong những đoạn trên mà bạn vẫn chưa chùn bước, nản chí thì bạn đã gần đủ “nội công”. Điều quan trọng nhất trong trò nhiếp ảnh (và tất cả những thú tiêu khiển khác) là sự đam mê tột độ của chính bản thân bạn. Bạn không nên cần ai nhắc nhở mỗi khi đi săn ảnh. Tất cả đều do bạn tự nguyện.

Hiện giờ đang đúng mùa chim chóc tụ tập về Florida. Với sự siêng năng học hỏi và thực tập của bạn, cộng với tất cả những kinh nghiệm và kiến thức của tôi truyền lại, bạn sẽ sớm trở thành một “anh hùng xạ điêu” của Thế Kỷ 21!

A.N
Orlando, Jan 12

Email: info@wildwingsphotography.com
Website:
www.wildwingsphotography.com