Kỹ năng tuyệt nhất của một người chụp hình giỏi không phải là khả năng lấy ánh sáng chính xác nhất, hoặc rành về tất cả những chi tiết kỹ thuật, hoặc tung ra cả ngàn tấm hình mỗi tuần.
Kỹ năng tuyệt nhất mà bất cứ người chụp hình nào cũng muốn/nên có là tài quan sát. Sự quan sát sẽ làm khác biệt giữa một “tấm ảnh không hồn” và một tấm ảnh có sức lôi cuốn người xem; giữa một ảnh tầm thường và ảnh có chứa 1,000 chữ (a picture is worth a thousand words), tức là có khả năng kể lại một câu chuyện bằng tấm hình cho người xem thưởng thức.
Để có được “tài quan sát” (xin gọi đơn giản là cái “nhìn”) – nhất là trong ngành nhiếp ảnh – chúng ta cần phải cố gắng và tập dợt thường xuyên; và từ bỏ quan niệm chỉ chụp hình “cho có”.
Bạn có thể bắt đầu tập với những kỹ thuật sau đây:
1. Phân tích
Bạn cần biết rành về chủ đề ảnh của bạn, dù bạn muốn chụp bất cứ thể loại gì.
Để thực tập một cách đơn giản nhất, chọn một vật dùng trong nhà. Thí dụ như cái tách uống trà. Đặt tách trà trên bàn trước mặt bạn. Quan sát kỹ trong vài phút và ghi lại những gì bạn để ý về cái tách. Có phải nó ốm, tròn, cao, lùn, bằng sành, gỗ, hoặc thủy tinh, có ngấn hoặc không ngấn, cỡ lớn, nhỏ, trung bình… – so với vật gì khác. Để ý về màu sắc, nước da, bóng hoặc đục, trơn hoặc sần sùi, đời mới hoặc đời xưa. Nói chung bạn tự đặt những câu hỏi về chủ đề này đến khi bạn không còn nghĩ ra gì khác. Bạn muốn đặt ra đề tài gì để kể về vật này, và tại sao?
2. Phối cảnh
Lấy máy ảnh của bạn ra. Chụp cái tách bạn đang để trên bàn với nhiều góc cạnh và phối cảnh khác nhau – xa, gần, phía trước, phía sau, bên hông, chụp từ trên xuống, chụp nghiêng qua. Bạn muốn nói lên điều gì về cái tách này? Tại sao những góc cạnh khác nhau lại biểu lộ những cảm xúc khác nhau? Thay đổi cách dùng ánh sáng càng nhiều càng tốt. Qua những thí nghiệm trên, bạn đã đạt được một cái nhìn nào thỏa mãn không? Bài tập này sẽ thử thách khả năng nhìn của bạn và là động cơ để bạn tìm cho mình những phối cảnh mà bạn chưa từng nghĩ ra trước đây.
3. Xác định vị trí
Khi bạn đến địa điểm chụp ảnh, nên bỏ ra chút ít thì giờ để “thám thính” khu vực này. Nên chọn góc cạnh, vị trí thích hợp với loại hình bạn muốn chụp; và nên tự hỏi tại sao bạn lại chọn như vậy. Khi nhìn qua ống kính, bạn thấy hậu cảnh có hài hòa với chủ đề hay không? Nên lưu ý hướng ánh sáng (mặt trời), bạn có cần dùng đèn flash hoặc những dụng cụ khác không? Một bí quyết tôi hay chia sẻ với các học viên là cầm máy trong tay, nhìn qua ống kính, rồi từ từ xoay một vòng 360 độ trong lúc quan sát mọi cảnh vật qua ống kính. Hy vọng bạn sẽ tìm được một điểm chụp vừa ý.
4. Chụp hình trong tư tưởng
Những tháng đầu tiên “theo” nghệ thuật nhiếp ảnh đôi khi sẽ làm cho bạn “thấy” những khung hình khắp nơi, ngay cả những khi không có máy hình trong tay. Sự đam mê tuyệt vời của nhiếp ảnh sẽ làm tăng độ nhạy bén của “giác quan thứ bảy” này. Bạn nên tự bắt buộc mình tạo hình ảnh trước khi cầm máy lên chụp, lưu ý tất cả những yếu tố xung quanh để phối hợp được một bức ảnh ưng ý trong đầu óc của bạn. Khi bạn đã có “bức ảnh lý tưởng” rồi, bạn có thể ra tay và sử dụng tất cả những kiến thức kỹ thuật để thực hành được bức ảnh đó.
Vài hàng về tấm ảnh trên: Tôi đã luôn luôn có một ấn tượng liên quan đến ngày Lễ Giáng Sinh từ thời còn nhỏ. Nhiều năm qua, sau khi tôi đã trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi cũng có ý muốn thực hiện cái ấn tượng của thời thơ ấu ấy. Một hôm trong tháng 12, tôi đang trên đường về nhà, chợt để ý đến một căn nhà mà ngoài sân được trang trí khá lộng lẫy. Một sự tình cờ – đêm nay lại là đêm Rằm. Tôi lật đật tấp xe bên kia lề đường, thay ống kính wide angle, bước ra đặt máy lên mui xe, dùng đôi găng tay để kê máy cho bằng phẳng [nhắc lại chính sách “có gì xài nấy” tôi đã giới thiệu trong bài trước]. Tôi nhanh tay canh ánh sáng để chụp ban đêm và bầu trời còn hơi ửng xanh. Lúc này là lúc tôi áp dụng tài quan sát, bỏ ra vài phút theo dõi chu kỳ chạy của từng cái đèn. Tôi bấm nút chụp đúng lúc tất cả đèn đang chớp (chỉ trong tích tắc) và cũng không quên để vị trí của Chị Hằng đúng trong bố cục của tấm ảnh (1/3 góc trên). Tôi đã chỉnh tốc độ rất chậm, cơn gió thoảng cũng đủ làm các cây lá và đèn treo lắc lư nhẹ, tạo nên cảnh mờ ảo, như nét huyền bí của Đêm Giáng Sinh. Kết quả: tôi đã tự tạo cho mình một bức tranh kỷ niệm trong mùa Lễ, một ước muốn từ thời niên thiếu, bằng vào “tài quan sát”.
A.N
Orlando
Email: info@wildwingsphotography.com
Website: www.wildwingsphotography.com