Không có em thế giới này như hoang vu
Không gian này không hơi thở
Ngày như tối tăm xa mù
Lời ca lãng mạn trên, được cho là của Trần Thiện Thanh, sau năm 1975 đã bị đổi lời như thể phản ảnh thực tế cuộc sống: không có em như đi… cầu không có giấy! Thời đó cái gì cũng thiếu; đến nỗi giấy vệ sinh cũng trở thành… xa xỉ phẩm. Chẳng mấy ai có thứ này… trong nhà! Thực ra, để nói lên tình hình đất nước vào giai đoạn ấy, không cần phải sửa nhiều (lời) và thô tục như thế. Chỉ cần đổi chữ EM thành TỰ DO là đủ. Tuy nhiên, nó chưa phải là thô tục lắm, nếu so với một bài thơ trong tập Nhật Ký Trong Tù, được đưa vào giáo trình văn học cho học sinh phổ thông để ngợi ca “sự nghiệp thơ văn vĩ đại của Người”:
Đau khổ chi bằng mất tự do
Đến buồn đi ỉa cũng không cho
Cửa tù khi mở, không đau bụng
Đau bụng thì không mở cửa tù
Sự đau khổ ấy của người dân Việt Nam sau năm 1975 nay đang thấm dần qua… Venezuela, một nước ở Nam Mỹ. Dĩ nhiên dân xứ này chưa thấm hết nỗi đau ấy; chỉ mới bắt đầu thấy khổ như… đi cầu không có giấy, theo bản tin của The Associated Press cuối tuần qua.

Tân tổng thống Nicolas Maduro, Venezuela
Bà Cristina Ramos, một người dân đang xếp hàng tại một siêu thị ở thủ đô Caracas, được phóng viên Thông tấn xã AP phỏng vấn, cho biết: “Tôi chờ chực cả hai tuần nay rồi. Mới nghe ở đây có bán nên tôi chạy lại xếp hàng.” Ông Manuel Fagundes, một người chuyên săn lùng… giấy vệ sinh cũng nói: “Tôi năm nay 71 tuổi rồi mới lần đầu thấy chuyện như thế xảy ra.” Đây là hậu quả của công cuộc “tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH” của tân Tổng thống Nicolas Maduro đang ráng chạy tiếp sức cho cố Tổng thống Hugo Chavez vừa chết (hơi) non. Một giáo sư kinh tế học của đại học Johns Hopkins, ông Steve Hanke giải thích chi tiết hơn: “Chính sách định giá của nhà nước, thường dưới mức giá thị trường, luôn gây ra nạn khan hiếm hàng hóa. Chuyện này cứ xảy ra dài dài ở bên Liên Xô thời trước.” Bộ trưởng thương mại Alejandro Fleming tuyên bố trên Thông tấn xã nhà nước Venezuela rằng “Cách mạng sẽ nhập khẩu 50 triệu cuộn giấy vệ sinh để người dân được… an tâm”. Dân số xứ này chừng 30 triệu người; nếu xài tiện tặn có đủ qua hết con trăng này không? Giống như “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng”, còn những mùa khác và xuân khác thì tính sao? Chắc là “cả ngày xếp hàng”… nữa?

“Tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH”
Mấy năm trước, khi nghe Venezuela đang (cố) tiến lên CNXH, mấy nước Cộng sản còn sót lại, nhất là Việt Nam, như đang chết đuối vớ phải cọc, mừng… húm! Hiện nay, ngoài giấy vệ sinh, người dân Venezuela còn thiếu nhiều thứ khác mà thời trước không thiếu như bơ, sữa, cà phê, bắp… Cũng may họ chưa đến nỗi phải ăn… bo bo! Người ta nói, các chế độ Cộng sản chủ trương tồn tại bằng cách kiểm soát cái bao tử của người dân. Nay các “đồng chí Venezuela” còn tính kiểm soát cái… giấy vệ sinh của dân chúng nữa. Thiệt đúng là “đau khổ chi bằng mất tự do”! Không phải nói thậm xưng, tự do có lẽ giống như người tình của con người:
Không có em thế giới này không sinh linh
Thiên thu rừng không cầm thú
Âm u lạnh như cõi chết hoang vắng mênh mang
