Menu Close

“Ba Tôi, Thuyền Nhân”

Ghi Chú: “Boat father,” hay “Ba tôi, thuyền nhân,” tuy đến từ danh từ “boat people” hay “thuyền nhân” cách chung, nhưng là một từ do Trangđài vợ tôi tạo ra để khẳng định mối thâm tình đối với những người Việt tỵ nạn đã vượt biển tìm tự do sau khi Sàigòn thất thủ năm 1975. Trangđài đã thảo dựng tỉ mỉ khái niệm ‘boat father’ trong tuyển tập thơ song ngữ do Hội thơ PiVA Poets in VietnAmerica xuất bản mang tên, X-X1: Thuyền Nhân Khúc cho Ba – Songs for a Boat Father.

alt

Thuyền nhân – hình minh họa

Can đảm

Tôi đề hôn với vợ mình vào đêm Giáng Sinh, ngay sau khi được gặp mặt gia đình cô ấy. Vợ tôi gọi tôi là ‘người đàn ông can đảm nhất trên thế giới,’ vì đã dám ngỏ lời cầu hôn với cô trước sự chứng kiến của cả gia đình mình – chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tôi được chính thức giới thiệu là bạn trai của cô.

Thế nên, khi mọi người tụ họp trong phòng khách để mở quà Noel, tôi giữ chặt lấy cái túi nhỏ Tiffany màu xanh vào sát ngực mình, đợi chờ đến lượt mình tặng cho ý trung nhân món quà Giáng Sinh mà tôi hết sức trân quý. Quyết định quan trọng nhất trong cả cuộc đời tôi được gói kỹ và đang nằm gọn trong cái túi ấy, nhưng trong những giây phút chờ đến lượt mình, tôi có cảm giác như quyết định ấy đang bay bổng trong không gian.

Những tờ giấy gói quà đủ màu tràn ngập cả sàn nhà. Cuối cùng, trong cái túi màu xanh lá cây, vợ tôi tìm thấy một chiếc nhẫn đính hôn. Tôi đang mong đợi một câu trả lời: chấp thuận, từ chối, hay ‘có thể.’ Nhưng cô ấy bảo, “Cưng hỏi Ba em đi.”

alt

Dâng trà cho ba mẹ vợ trong ngày cưới

Tôi đã hỏi, và Ba vợ tương lai đã thuận tình. Tại đám cưới của chúng tôi một năm sau, Ba đã đón nhận tôi vào gia đình như cậu con rể dị tộc đầu tiên và duy nhất.

Tôi được sinh ra và lớn lên tại Beuson, Thụy Sĩ. Tổ tiên của tôi chưa bao giờ rời khỏi Tổng Valais trong dãy núi Alps diễm lệ. Cha ruột tôi truyền cho tôi lòng kính trọng đối với nhân sinh đa dạng. Quê hương tôi nuôi dưỡng trong tôi lòng nhân ái. Nền giáo dục mà tôi nhận được chỉ cho tôi thấy sự thất bại của chủ nghĩa thực dân.

Thế nhưng, tôi vẫn chưa sẵn sàng để bước vào một cuộc hôn nhân đa chủng. Cũng như tôi, Ba phải vượt qua những bất đồng văn hóa tất yếu để chấp nhận một cậu con trai mới vốn đến từ bên ngoài vũ trụ Little Sàigòn, nơi mà gia đình Ba đã cư ngụ từ khi định cư tại Mỹ. Tôi rất biết ơn Ba đã đón nhận tôi vào gia đình, một lòng biết ơn mà thực ra trải ngược 38 năm về tận Việt Nam của 1975.

Cám ơn Ba, người-cha-thuyền-nhân

1975. Tháng Tư Đen, cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Ba có cơ hội để đưa cả gia đình đi Mỹ, nhưng Ba không muốn rời bỏ quê hương. Ba đã chọn ở lại. Tháng Sáu, Ba bị bắt đi tù cải tạo. Tháng Chín, vợ tôi, Trangđài, chào đời, không cha. Sau nhiều năm, Ba được tạm tha, nhưng phải đi lao động khổ công và chịu quản thúc tại gia. Khi Ba bị bắt đi cải tạo lại, Ba đã quyết định tìm đường vượt biển. Ba phải chọn ra đi.

Mười ba lần Ba vượt biên, mười ba lần Ba thất bại. Để có tiền cho Ba vượt biên, gia đình đã bán tất cả những gì còn sót lại sau những lần bị chính quyền mới ‘xét nhà’ và ‘tịch thu.’ Ngay cả cái áo gối cũng bán. Sau vài lần vượt biên thất bại, Ba Mẹ phải bán cả nhẫn cưới và chiếc nhẫn Võ Bị. Rồi dần dà phải đi vay mượn mới có tiền cho Ba đi, trong khi nhà cửa thì rách nát, cơm gạo không đủ ăn. Nhưng không đi cũng đồng nghĩa với án tử hình. Ba phải đi!

Trong lần thứ mười bốn, Ba tránh công an biên phòng, đối diện với biển cả, sống sót sau những trận bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, đặt chân đến trại tỵ nạn Bidong, và cuối cùng định cư tại Mỹ.

Ba làm việc cật lực, gửi thư và quà cho vợ con còn kẹt ở quê nhà, chọn từng món quà và ghi từng cánh thư cho mỗi đứa con. Năm 1994, cả gia đình được đoàn tụ. Các con của Ba được sinh ra lần thứ hai, bởi vì họ cảm thấy như thể mình “chào đời” và lớn lên một lần nữa khi mọi việc đều lạ lẫm, và ngay cả cái danh từ “Ba” cũng mang một ý nghĩa mới.

Ba đã phục vụ tổ quốc của mình trong thời trai tráng, đã phải đối diện với những nguy hiểm khốn cùng nhất trong kinh nghiệm làm người, và đã cố gắng hết sức để cưu mang bản thân và gia đình. Nhưng Ba chưa bao giờ được chính thức tuyên dương như một anh hùng. Tuy vậy, Ba là anh hùng của gia đình, là Ba của tôi. Hôm nay, Mẹ, năm người con, và bảy đứa cháu nội-ngoại cảm ơn những hy sinh của Ba. Và nếu tôi có được cái vinh hạnh để gặp gỡ người con gái mà chọn làm bạn đời đây, đó là nhờ sự can đảm của Ba. Sự can đảm đó đã đưa cả gia đình qua những nguy nan, và cùng nhau xây dựng một đời sống mới tại Quận Cam.

Trong nghi thức kết hôn theo truyền thống Việt Nam, tôi đã dâng trà cho cha mẹ vợ để cám ơn song thân đã nuôi dưỡng và lo lắng cho tân nương của tôi cho đến ngày vu quy. Và tôi tiếp tục thể hiện lòng biết ơn ấy qua nhiều cách khác sau ngày cưới, nhất là vào những dịp lễ văn hoá của người Việt và của người Mỹ, như trong ngày Từ Phụ (Father’s Day).

Xin cám ơn Ba, người-cha-thuyền-nhân của con.

alt

Họ nhà trai Thụy Sĩ mang sính lễ sang họ nhà gái Việt Nam

OGT
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Chuyển tác Việt ngữ