Sắp tới ngày
Tưởng Niệm
Chiến Sĩ Trận Vong,
xin nghĩ đến những anh em bạn bè đã ra đi
trong cuộc chiến vừa qua.
Như Y Uyên, nhà văn trẻ tuổi lỗi lạc của Miền Nam
chúng ta đã nằm lại
nơi tiền đồn mây trắng Nora và không bao giờ về nữa.
Thử tưởng tượng một người viết mới chỉ 26 tuổi mà đã có tới bảy tác phẩm được in ra và nổi tiếng. Phải nói đó là hiện tượng hiếm có, nhất là vào thời đại của bão tố, cái thời mà Nguyễn Ước mô tả là “Thời buổi ấy chập chờn. Xã hội quay cuồng theo những cơn lốc chính biến. Chiến tranh tư bề lửa đạn. Quá khứ xa. Hiện tại nứt. Tương lai mù. Con người trôi dạt hoặc bị làm nguyên liệu chinh chiến. Vì sao nên nỗi và trong nông nỗi này, con người đi đâu về đâu. Ngày mai còn gì không, kể cả thân xác này, trong lửa đạn. Không câu trả lời thoả đáng. Con người sống mộng du. Thời gian lung linh, vừa rạng sáng vừa đứng bóng vừa chập choạng tối. Bầu trời đè lên đỉnh đầu. Không gian có sấm chớp lập loè bốn phía. Và ta là con rối, sau những lúc bị giật dây giãy giụa, bị dồn vào đường chết, chỉ còn những khoảnh khắc cúi gằm mặt, chẳng muốn nhìn lên.”
Y Uyên sống trong thời khắc cuộc chiến nổ ra ác liệt nhất, trên vùng đất kinh hoàng nhất. Như Nguyễn Lệ Uyên đã ghi lại. “Cho dẫu rằng: nếu như anh chưa hề là nhà văn, chưa hề cầm bút thì hàng ngày anh cũng không thể không nhìn thấy chiến tranh diễn ra ngay trước mắt anh, diễn ra một cách bình thường, lặng lẽ mà đau đớn đến nát tan cõi lòng. Với người cầm bút thì anh càng không thể đứng ngoài ngắm nhìn như kẻ bàng quan, kẻ ngoài cuộc, thậm chí là kẻ trốn chạy khỏi vòng vây chiến tranh.”
Nhà văn Y Uyên
Có một điều cần ghi nhận là những truyện Y Uyên viết về chiến tranh không bao giờ có súng đạn nổ chát chúa, không có cảnh quân hai bên giương súng bắn vào nhau, vây nhau tầng tầng lớp lớp như chọn lựa cách viết của Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư, Thảo Trường… mà lại là những điều, những thứ bị cuộc chiến xô đẩy tới bờ vực của đổ nát tang thương, của tiếng lòng dội xé. Đó cũng là cách chọn lựa đề tài, nhân vật, bối cảnh của Dương Nghiễm Mậu, của Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ…
Y Uyên có thời dạy học ở Tuy Hoà, một thị xã nhỏ bé của duyên hải miền Trung giữa lúc chiến tranh đổ ập xuống nửa phần đất nước một cách khốc liệt nhất. Cái thị xã tí xíu mà anh và bạn bè anh đang sống, chẳng phải là một khu phi quân sự, một vòng đai an toàn mà là một lò lửa. Đạn luôn nổ, người chết, nhà cháy, đồng khô, dân quê bồng bế nhau chạy trốn hòn tên mũi đạn, ngày Quốc gia, đêm Cộng sản giành giật nhau… Cuộc chiến rất kỳ cục, phi nhân ấy cứ thế mà diễn ra ngày này sang năm khác để người dân khốn đốn kêu lên “chiến tranh mẹ gì mà lâu dữ vậy?”. Cuộc chiến quái gở ấy không phải chỉ có anh và tôi đánh nhau, mà một bên là có sự trợ giúp công khai, một bên là lén lút nhận vũ khí, quân trang quân dụng để “giương cao ngọn cờ chính nghĩa” đã đẩy người dân vô tội xô dạt bên này hay bên nọ (cốt để tránh hòn tên mũi đạn). Không khí truyện của Y Uyên không “nhảy tọt” vào giữa chiến trường, bởi anh chưa hề là một chiến binh thực thụ, mà anh “chạy theo, áp sát vào” những xô dạt không chừng mực trong những lần chạy giặc dài ngắn để nghe, để thấy, để cảm và chia sẻ nỗi đau của họ.
Thư Quán Bản Thảo, số tưởng niệm Y Uyên
Những nhân vật của anh luôn là những nông dân nghèo, lam lũ, những người bình thường nhất đang sống ở vùng xôi đậu, đêm chạy trốn tìm nơi ẩn thân, ngày mò về chắt mót từng hột lúa, củ khoai, là những thầy giáo, cô giáo, những đứa trẻ ngơ ngác. Anh yêu mến tất thảy bọn họ chẳng qua vì anh quá gần gũi với họ hàng ngày, hiểu được những trớ trêu của bọn họ.
Đó là thời đại của Y Uyên. Của anh và em. Của chúng ta. Y Uyên xuất thân từ ngành giáo, bị động viên, rồi được đưa ra trấn đóng tiền đồn Nora mây trắng. Trong một trận phục kích dưới chân núi Tà Lơn, Phan Thiết, ngày 8.1.1969, anh bị địch bắn chết. Lúc ấy, anh mới 26 tuổi, và đã có lệnh biệt phái về dạy học, chỉ trong vòng một tháng nữa là anh giã từ quân ngũ.
Như vậy là người lính Y Uyên đã không về. Như bao anh em khác của chúng ta. Như Vũ Đạo Ánh bạn của Thanh Tâm Tuyền. Như Phạm Văn Dương, học trò của kẻ này. Nhân ngày Chiến Sĩ Trận Vong, xin một lần nữa hãy thắp một nén hương tưởng nhớ tới những anh em ấy.
Y Uyên qua nét vẽ của Duy Thanh
TN