Menu Close

Bệnh trĩ và bệnh hypertrophied anal papilla prolapsing

Không biết từ bao giờ và tại sao tôi bị bịnh trĩ. Và đã có hai lần giải phẫu về bịnh này.

Nhưng một tuần nay, tôi cảm thấy rất khó chịu, có cảm giác burning và rất uncomfortable, tuy không bị chảy máu.

Tôi đã đi khám và BS đã cho lấy hẹn để giải phẫu và cho biết: đây là triệu chứng của HYPERTROPHIED ANAL PAPILLA PROLAPXING.

Xin hỏi, có phải là triệu chứng của trĩ nội hay trĩ ngoại không? Nguyên nhân bị, và sau khi giải phẫu có bị lại không? Minh Khoa

Đáp

Chào ông Minh Khoa,

Chúng tôi xin góp ý theo nội dung thắc mắc của ông:

1. Trĩ tiếng Anh gọi là hemorrhoid là sự viêm và sưng của tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng (rectum). Đây có thể là hậu quả của việc đại tiện mà phải rặn để phẩn ra hoặc gia tăng áp lực trong xoang bụng khi phụ nữ có thai. Trĩ có thể nằm ở trong trực tràng gọi là trĩ nội hoặc dưới lớp da xung quanh hậu môn, trĩ ngoại. Trĩ là bệnh khá phổ biến và từ tuổi 50 trở lên với quá bán, đều trải qua bệnh trĩ với ngứa, khó chịu và chảy máu, báo hiệu bị bệnh trĩ.

2. Tĩnh mạch xung quanh hậu môn thường hay bị dãn ra dưới sức ép ở bụng hoặc là trong trực tràng. Chẳng hạn như khi đi cầu mà phải rặn do táo bón hoặc tiêu chảy kinh niên, mập phì, có thai, thậm chí cả trong trường hợp giao hợp qua đường hậu môn. Đôi khi di truyền cũng có vai trò gây ra trĩ. Tuổi cao cũng thường hay bị trĩ vì các mô bào hỗ trợ tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn yếu và dãn ra.

3. Thường thường, trĩ không gây ra biến chứng trầm trọng, vì bệnh nhân thường tìm cách chữa trị ngay. Tuy nhiên, nếu không chữa tới nơi tới chốn, thì trĩ có thể gây ra thiếu hồng huyết cầu vì xuất huyết ở búi trĩ, cũng như có thể gây ra thắt cục của tĩnh mạch khi các tĩnh mạch hậu môn không có máu nuôi dưỡng.

4. May mắn là có rất nhiều phương thức hữu hiệu để điều trị trĩ đồng thời bệnh nhân cũng có thể tự giảm thiểu rủi ro bị trĩ với thay đổi nếp sống và vài mẹo vặt ở nhà.

5. Bệnh nhân có thể mua thuốc có chất corstisone thoa lên hậu môn bị trĩ để giảm thiểu ngứa khó chịu. Ngày ngồi ngâm hậu môn nước ấm nóng vài lần để trĩ teo và cũng để đại tiện dễ dàng. Không lau trĩ với giấy vệ sinh khô tránh cọ xát chảy máu, giữ vệ sinh hậu môn. Đôi khi đắp nước lạnh cũng bớt ngứa đau.

6. Nếu trĩ lâu ngày, nên tới bác sĩ chuyên về tiêu hóa. Các vị này có thể áp dụng một số phương thức như cột trĩ cho teo, chích thuốc vào trĩ để trĩ teo, dùng tia laser đốt trĩ, giải phẫu cắt bỏ trĩ…

7. Để phòng ngừa trĩ, nên ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất xơ hoặc uống thêm các sản phẩm có chất xơ, uống nhiều nước, đi cầu ngay khi thấy mót vì để lâu ruột hút lại nước, phẩn trở nên khô. Ngoài ra cũng nên năng vận động cơ thể và không nên đứng hoặc ngồi trên bàn cầu quá lâu.

Trở lại trường hợp ông thắc mắc về HYPERTROPHIED ANAL PAPILLA PROLAPXING thì xin thưa rằng: trĩ và bệnh này khác nhau. Trĩ liên quan tới sự dãn sưng của tĩnh mạch ở hậu môn. Còn bệnh của ông là do lớp da ở hậu môn bị sưng viêm lòi ra ngoài, thường hay thấy khi bị kẽ nứt hậu môn anal fissure, gây ra ngứa, rát khó chịu. Trường hợp này thường là phải giải phẫu với đốt điện hoặc đốt lạnh, như là bác sĩ của ông sẽ thực hiện sắp tới đây. Thường thường sau giải phẫu, bệnh ít khi tái phát, nếu ta giữ gìn vệ sinh phần dưới cơ thể, tránh táo bón…

Chúc ông giải phẫu thành công và có sức khỏe tốt lành.

 

Dược thảo về gan

Kính chào bác sĩ, cháu có bạn gái ở VN đi khám bác sĩ thì biết trong máu có Cortioide, thường xuyên bị sưng và ngứa, uống thuốc rồi lại bị lại. Trường hợp này thì nên dùng thuốc gì cho hết mau? Còn cháu thì không bị bệnh về gan nhưng cháu có thể dùng dược thảo về gan được không bác sĩ? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Ken Tran

Đáp

Chào bạn Ken

Thực tình tôi chưa hiểu ý của Ken khi nói là bạn gái ở Việt Nam đi khám bác sĩ cho biết trong máu có nhiều corticoide rồi “thường xuyên bị sưng và ngứa, uống thuốc rồi… uống thuốc gì cho hết mau”, là như thế nào. Xin bạn nói rõ hơn.

Nếu tự nhiên trong máu có nhiều corticoid thì có thể là do nang thượng thận hoạt động quá mạnh hoặc có u bướu ở tuyến này cho nên trong máu mới có nhiều chất corticoid. Và như vậy phải tìm hiểu nguyên nhân rồi điều trị. Còn thường xuyên bị sưng và ngứa thì có phải là bị dị ứng không. Ken nói rõ hơn nhé.

Nếu khám bệnh, bác sĩ nói không bị bệnh về gan, thì theo tôi nghĩ, chả cần uống dược thảo về gan làm gì. Gan hoạt động hữu hiệu nhờ các thức ăn khác nhau nuôi gan cũng như các bộ phận khác. Gan chỉ bị suy yếu khi bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh như viêm gan A,B,C hoặc khi có các chất độc hại ảnh hưởng tới gan như uống nhiều rượu, dùng quá nhiều thuốc loại acetaminophen như Tylenol. Khi đó thì cần điều trị nguyên nhân gây ra bệnh.

 Sản phẩm bây giờ được quảng cáo là dược thảo nhiều khi cũng không hoàn toàn chế biến từ cỏ cây hoa lá mà có lẫn nhiều hóa chất, có thể không tốt cho gan.

Ta cứ ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm khác nhau, rồi vận động cơ thể, sống bình thản, nhiều tương thân tương ái, là không những gan tốt mà các bộ phận khác cũng tốt lành, có phải không, Ken nhỉ.

Chúc cháu luôn luôn bình an, khỏe mạnh.

NYD