Menu Close

Hoa gạo son

Mùa qua,

Những giọt mưa không còn mang theo cái lạnh tê tái mà ấm áp dễ chịu. Mưa rây rây tựa những hạt ngọc bé xíu trên những tán lá xanh nõn. Không gian đượm hương. Hoa bưởi, hoa cam trắng muốt hương nồng nàn. Hoa xoan phơn phớt tím mỏng manh dịu ngọt. Trong trẻo và tinh khôi. Dưới làn mưa bụi, sắc hoa như tan lẫn vào sương, giấu kín nỗi buồn man mác. Rồi nắng hé sau cơn mưa dài. Khi xe chạy chậm chầm qua một khúc quanh trên đoạn đường lên Mai Châu. Trước mắt tôi màu đỏ thắm của hoa gạo bên đường. Thân cây cao thẳng, nâu trầm với nhiều nhánh vươn rộng. Nơi mỗi góc nhánh, đầu cành là những búp hoa tròn trĩnh. Hoa xòe cánh tươi thắm sáng bừng một góc trời. Xe lướt đi, tôi ngóng theo tiếc nuối. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy rừng hoa gạo. Những cánh hoa thắm đỏ, như trong hình dung của tôi.

Ngày trước, tôi chỉ biết đến hoa gạo với cái tên giản dị là hoa gạo, chứ không phải những tên gọi khác như hoa mộc miên, hoa pơ lang hay ban chi hoa. Tôi tự hỏi sao hoa không mang một cái tên khác. Mỹ miều hơn, yểu điệu hơn cái tên “gạo” không một chút thơ mộng. Khi những cánh hoa bắt đầu tàn, rơi rụng thì cũng là lúc những trái gạo hiện diện và lớn dần. Chờ lúc quả khô già, người ta sẽ hái lấy trái, gỡ bỏ lớp vỏ bên ngoài, nhặt lấy lớp bông trắng phau, xốp và mịn để làm ruột gối, ruột chăn. Phải vậy mà cây và hoa mang một cái tên thật bình dị và thân thuộc đến nhường ấy! Chợt khiến tôi nhớ những cây gòn của mảnh đất phương Nam. So về sắc hoa, bông gòn không rực rỡ bằng bông gạo. Nhưng cả hai đều cho những đóa bông trắng muốt. Tựa những bông tuyết lơ lửng giữa trời. Và đều trở thành món quà dành tặng cho giấc ngủ của người sau bao nhiêu mệt nhọc, lo toan.

Dù gạo hay gòn, người ta thường chỉ thấy chúng nơi không gian của miền quê. Giữa lòng phố thị, khó kiếm đâu ra một bóng cây. Đó là lý do vì sao, thuở nhỏ tôi thường ao ước được về quê. Để được đứng dưới gốc gạo, nhặt những đóa hoa đem về ép vào trang sách. Cây và hoa đó, lặng lẽ gắn bó với người dân quê. Mỗi năm một lần, hoa bung nở báo hiệu Xuân qua, Hạ về. Hoa nở gọi mời những bước chân. Trẻ nhỏ đi học về, vui đùa dưới gốc cây nhặt hoa. Người đi làm, đi chợ thì dừng chân nghỉ ngơi chuyện trò. Màu đỏ của hoa khiến mọi người đâu nỡ dửng dưng bước qua mà không ngoái nhìn. Với những người đi xa trở về, bước đến đầu làng, thấy sắc đỏ của hoa, lòng bồi hồi xao xuyến. Còn người ra đi, cũng ngoái nhìn cây gạo để thu vào trong tâm trí mình và mang theo trong gia tài thương nhớ hình ảnh thân thương của quê nhà.

Có bao nhiêu câu chuyện về cây, về hoa gắn với tình yêu, tình thương, lòng hiếu thảo, sự thủy chung. Tôi yêu những câu chuyện ấy, dẫu không còn ở lứa tuổi mộng mơ. Nguồn gốc của những loài cây được lý giải dưới cái nhìn của cổ tích và lồng vào đó những thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc. Như câu chuyện về hoa gạo tháng Ba. Có người kể, đó là câu chuyện buồn về tình yêu và lòng chung thủy của một người thiếu nữ. Có lẽ vì vậy mà hoa gạo còn được gọi là hoa gạo son. Son với nghĩa son sắt, tươi thắm, không đổi thay. Như tình yêu nồng đượm bất chấp khoảng cách của không gian và thời gian. Có người lại bảo, đó là câu chuyện về lòng hiếu thảo. Rằng Trời cảm động trước tấm lòng của một người con mà ban cho loài cây có những bông trắng muốt. Để từ đó người con dệt cho cha mẹ mình những tấm chăn, tấm áo cho những mùa đông lạnh giá.

Hoa gạo son,

Còn khoe sắc thắm bao ngày trước khi bung nở thành những đóa bông trắng tinh khôi. Biết khi này còn ai nhặt bông gạo, nâng niu làm thành những vật dụng thân quen như ngày trước. Cuộc sống đã đủ đầy hơn hay vì mọi người đều quá vội vã, đâu có thì giờ mơ mộng. Dù lẻ loi, thì hoa hãy cứ nở, nơi góc đường nhỏ này. Cho những khách bộ hành vô tình đi ngang qua. Khoảnh khắc chạm vào sắc hoa, tâm hồn được đánh thức bao xúc cảm êm đềm…

NHN – Hạ Long