Sang đầu năm 2014, đạo luật cải cách y tế có không ít thay đổi quan trọng bắt đầu hiệu lực đối với các công ty hãng xưởng vừa và lớn, cũng như những cơ sở thương mại nhỏ. Riêng người Mỹ gốc Việt, theo thống kê liên bang năm 2007, đã đứng tên làm chủ đến 230,000 cơ sở thương mại toàn Hoa Kỳ, chiếm 15% tổng số cơ sở thương mại của các sắc dân Á Đông. Chỉ trong kỹ nghệ bán lẻ, người Việt xếp hạng #1 trong các sắc dân Á Đông. Kỹ nghệ thương mại của người Mỹ gốc Việt đạt doanh số đến $29 tỉ, thuê mướn 166,000 nhân viên. Yếu tố này khiến các cơ sở thương mại trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể phải chịu nhiều ràng buộc pháp lý, về quyền lợi lao động cũng như bảo hiểm y tế dưới luật ObamaCare. Tiếp tục đề tài bảo hiểm sức khoẻ, trong bài này Trẻ sẽ trình bày đôi điều căn bản về ảnh hưởng của ObamaCare đối với các công ty hãng xưởng và cơ sở thương mại.
Trước hết là đối với những người làm việc độc lập, hành nghề tự do, không thuê mướn nhân viên, mà luật ObamaCare gọi là “Self-Employed”. Một số trường hợp có thể kể: chủ tiệm bán lẻ; chuyên viên địa ốc; nhà thầu xây dựng, v.v… Cả quốc gia hiện có khoảng 22 triệu người thuộc diện “Self-Employed” này. ObamaCare áp dụng với giới “Self-Employed” khá tương tự như trường hợp những cá nhân. Luật y tế mới quy định, kể từ đầu năm 2014, quý vị “Self-Employed” bắt buộc phải mua bảo hiểm sức khoẻ, hoặc chịu nộp tiền thuế phạt vạ. Mức phạt thấp nhất cho mỗi người hành nghề tự do là $95 mỗi năm, hoặc 1% thu nhập (lấy con số cao hơn). Sau đó, tiền phạt tăng dần. Năm 2015 là $325 hoặc 2% thu nhập. Năm 2016 là $695 hoặc 2.5% thu nhập. Từ 2017 trở đi, tiền phạt được điều chỉnh mỗi năm theo mức chi phí sinh sống (cost-of-living).
Năm 2012, khi khai thuế, những người làm việc độc lập được quyền khấu trừ thuế (tax deduct) các chi phí mua bảo hiểm sức khoẻ cho mình và gia đình, xem như một khoản phí tổn thương mại (business expense). Để yểm trợ giới hành nghề tự do, giảm bớt gánh nặng tài chánh khi luật ObamaCare hiệu lực rộng rãi vào đầu năm 2014, hiện đang có các vận động tại Hạ Viện Hoa Kỳ nhằm gia hạn các đặc quyền khấu trừ thuế này, nhiều hy vọng sẽ được thông qua.
Luật ObamaCare cũng giới hạn chi phí tiền túi tối đa quý vị phải trả cho việc chăm sóc sức khoẻ mỗi năm, gọi là “out-of-pocket”. Chi phí này không thể vượt $6,000 cho một người hoặc $12,000 cho mỗi gia đình. Những người hành nghề tự do mà thu nhập dưới 133% mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn liên bang (dưới $15,280 / năm) có thể được thọ nhận Medicaid miễn phí, nếu tiểu bang quý vị cư ngụ chịu mở rộng Medicaid. Mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn liên bang (Federal Poverty Line hay FPL) được điều chỉnh mỗi năm tùy theo mức lạm phát và chi phí sinh sống. FPL do Bộ Y Tế Hoa Kỳ công bố đầu năm 2013 là: $11,490 (thu nhập mỗi năm, với cá nhân hoặc gia đình 1 người); $15,510 (gia đình 2 người); $19,530 (gia đình 3 người); $23,550 (gia đình 4 người). Như vậy, người “Self-Employed” thu nhập dưới $15,280 / năm có thể được thọ nhận Medicaid. Cũng như trường hợp các cá nhân khác, nếu thu nhập của người hành nghề tự do nằm trong khoảng từ 133% đến 400% mức nghèo khổ (khoảng từ $15,000 đến $46,000 mỗi năm), quý vị sẽ được liên bang trợ cấp giúp mua bảo hiểm y tế tại các “tiệm” Health Insurance Marketplace. Một cách chung, thu nhập càng thấp thì trợ cấp càng rộng rãi. Có thống kê, vào năm 2014, mỗi người hội đủ điều kiện có thể được trợ cấp trung bình $4,600 mỗi năm.
Trong các công ty hãng xưởng do người gốc Việt làm chủ, số chịu ảnh hưởng lớn nhất từ luật y tế mới có thể là các cơ sở thương mại nhỏ, mà luật ObamaCare gọi là “Small Business”. Nói chung, cơ sở thương mại nhỏ thuê mướn tối đa 50 nhân viên toàn thời gian hoặc tương đương. Chú ý khái niệm “toàn thời gian hoặc tương đương” (Anh ngữ gọi là “Full-Time Equivalent Employees” hay FTES). Theo định nghĩa của ObamaCare, nhân viên “toàn thời gian” là người làm việc ít nhất 120 giờ mỗi tháng, hoặc 30 giờ / tuần (khác quy định 40 giờ / tuần của luật “Overtime” áp dụng lâu nay). Thí dụ, 3 nhân viên “bán thời gian”, mỗi người làm việc 80 giờ mỗi tháng, sẽ được tính như 2 nhân viên “toàn thời gian” (80×3=240 giờ, chia 2=120 giờ, vừa khớp định nghĩa “toàn thời gian”). Một công ty với 100 nhân viên bán thời gian, làm việc 15 giờ mỗi tuần (tổng cộng 1,500 giờ) được tính tương đương như 50 nhân viên toàn thời gian (1,500 /30=50).
Các cơ sở tiệm “nail” chủ người Mỹ gốc Việt có thể được xem như những “Small Business”.
Một cách chung, cơ sở thương mại nhỏ, thuê mướn từ 2 đến 49 nhân viên toàn thời gian, không bị luật ObamaCare bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu giới chủ nhân quyết định cho nhân viên bảo hiểm, có thể được nhiều quyền lợi. Trước hết, luật y tế mới quy định hãng bảo hiểm không có quyền từ chối bán bảo hiểm cho bất cứ “Small Business” viện dẫn lý do sức khoẻ của nhân viên hoặc gia đình. Họ cũng không được phân biệt đối xử hoặc huỷ bỏ bảo hiểm của bất cứ thành viên nào vướng mắc vấn đề sức khoẻ. Điều khoản bảo vệ này gọi là “Guaranteed Renewal.”
Các cơ sở thương mại với ít hơn 25 nhân viên toàn thời gian cũng có thể được hưởng những khoản tín thuế quan trọng gọi là “Small Business Premium Tax Credit” nếu có mua bảo hiểm cho nhân viên. Các quyền lợi này tuỳ thuộc lương bổng của nhân viên. Nếu mức lương nhân viên trung bình hằng năm dưới $50,000, và chủ công ty mua bảo hiểm y tế, chấp nhận trả ít nhất 1/2 số tiền “Premium” giúp nhân viên, thì “Small Business” đó hội đủ điều kiện tín thuế đến 35%. Từ 2014, nếu cơ sở thương mại có dưới 10 nhân viên toàn thời gian, với mức lương trung bình dưới $25,000 mỗi năm, chịu mua bảo hiểm y tế cho nhân viên, thì mức tín thuế là 50%, chưa kể các khoản trợ cấp khác.
Khi mua bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên của mình, các cơ sở thương mại nhỏ có thể mua tại các “tiệm” bảo hiểm sức khoẻ gọi là “Health Insurance Marketplace” (còn có tên khác là “Health Insurance Exchanges”). Các “tiệm” này bắt đầu mở cửa cho mua bán bảo hiểm sức khoẻ (gọi là “Open Enrollment”) từ Tháng Mười 2013. Những chương trình bảo hiểm mua tại đây có hiệu lực từ 1-1-2014. Các “tiệm” này được thiết lập dưới hình thức các “web-site”, với mục đích giúp dân chúng lẫn các công ty hãng xưởng mua bảo hiểm dễ dàng, tiết kiệm. Đầu Tháng Ba 2013, Bộ Y Tế công bố có 24 tiểu bang và Biệt Khu Thủ Đô (District of Columbia) đã cam kết tự mở các tiệm này, hoặc cộng tác với liên bang. Trong khi đó, còn 26 tiểu bang từ khước không chịu thiết lập “tiệm” bảo hiểm, nên liên bang sẽ phải gánh vác trách nhiệm này. Vì tầm vóc quá lớn, có thể có trì hoãn ở nơi này nơi khác. Thay vì được dự phần mua bảo hiểm với các tiệm “Health Insurance Marketplace” từ đầu năm 2014, ở một số tiểu bang, các cơ sở thương mại nhỏ có thể phải chờ thêm ít nhất 1 năm nữa. Lý do vì liên bang làm không xuể. Quý vị chủ nhân “Small Business” có thể liên lạc trực tiếp giới thẩm quyền về bảo hiểm (State Department of Insurance) để tìm hiểu thêm chi tiết, cũng như các quyền lợi khác trong việc áp dụng ObamaCare tại tiểu bang nơi quý vị làm ăn thương mại.
Khu thương mại Eden Center — toạ lạc tại góc đại lộ Wilson Blvd và Roosevelt Blvd ở thành phố Fall Church, tiểu bang Virginia — có nhiều cơ sở thương mại của người Mỹ gốc Việt khá sầm uất.
Đối với luật ObamaCare, kể từ đầu năm 2014, các công ty hãng xưởng với trên 50 nhân viên toàn thời gian hoặc tương đương BẮT BUỘC phải mua bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt vạ. Điều khoản này gọi là “Employer Responsibility”. Báo giới Hoa Kỳ có lúc gọi tắt là điều luật “50/30”, nghĩa là việc phạt vạ áp dụng cho giới chủ nhân nào thuê mướn trên 50 nhân viên làm việc ít nhất 30 giờ mỗi tuần. Một lần nữa, xin chú ý luật ObamaCare định nghĩa “toàn thời gian” là 30 giờ/tuần, không phải 40.
Có một số ngoại lệ dành cho các công ty thuê mướn nhân viên thời vụ (Seasonal Worker). Giới chủ nhân cũng không phải mua bảo hiểm y tế cho nhân viên lương thấp đến nỗi họ có thể hội đủ điều kiện thọ nhận Medicaid miễn phí: thu nhập dưới $15,280 (gia đình 1 người); dưới $20,630 (2 người); dưới $25,980 (3 người); và dưới $31,320 (4 người).
Ngoài những trường hợp ngoại lệ, nói chung nếu công ty có trên 50 nhân viên toàn thời gian mà không mua bảo hiểm y tế, thì bỏ qua 30 người đầu tiên, với những người còn lại chủ công ty bị phạt $2000 mỗi nguời. Thí dụ, với công ty có 50 nhân viên, bỏ qua 30 người, còn 20 người, vị chi tiền phạt là 20×2,000=$40,000.
Ngay cả trong trường hợp công ty mua bảo hiểm cho nhân viên, cũng có thể bị phạt vạ. Luật ObamaCare quy định chi phí bảo hiểm không được quá 9.5% thu nhập của người nhân viên. Nếu bảo hiểm sở làm đắt hơn 9.5% thu nhập, người nhân viên có thể tự mua bảo hiểm với các “tiệm” Health Insurance Market, và được liên bang trợ cấp. Trong trường hợp này, tiền phạt các công ty phải nộp cho chánh phủ liên bang là $3000 cho mỗi nhân viên tự mua bảo hiểm.
Với các quy định khắt khe, phức tạp, và năm 2014 cận kề, đã có tin một số công ty hãng xưởng cắt giờ làm của nhân viên, thuê mướn nhân viên thời vụ, làm việc hợp đồng, cũng như áp dụng nhiều… chiêu trò khác — nhằm tránh né điều khoản “Employer Responsibility” bắt buộc mua bảo hiểm y tế. Dự báo có những công ty hãng xưởng khác sẽ chấp nhận nộp phạt hơn là mua bảo hiểm cho nhân viên vì tiền phạt có thể thấp hơn chi phí mua bảo hiểm. Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm cho nhân viên, công ty được lợi nhờ khấu trừ thuế, chưa kể vấn đề uy tín và vị thế trên thương trường. Trong thời gian còn lại, Bộ Y Tế, Bộ Ngân Khố, sở thuế IRS, và các cơ quan chánh phủ liên bang liên hệ sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh nhiều quy định liên quan việc áp dụng luật y tế đối với các công ty hãng xưởng và cơ sở thương mại lớn nhỏ.
TD