Menu Close

Về làng

Lời Tòa Soạn: Trong các số báo vừa qua, Trẻ đã đăng lần lượt: 1- Đến Nơi Xứ Xa, 2- Đêm Đầu ở Hàn Quốc, 3- Một Ngày Mới, 4- Đó Là Deajeon, 5- Khéo ăn mới ngon, 6- Cô giáo bất đắc dĩ, 7-Gia đình quốc tế.
Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.

alt

Kỳ 8

Trận mưa suốt đêm qua làm cảnh vật núi đồi Daejeon ướt át, mềm mại và xanh hơn khi trời vừa ửng hồng báo hiệu một ngày nắng đẹp. Ăn sáng xong, mọi người lăng xăng hối thúc mau chuẩn bị mang đồ lên xe. Người ngoài không biết hẳn tưởng cả nhà tính chuyện bỏ phố về làng. Quà cáp lỉnh kỉnh của ba má Kim chu đáo gởi cho người cô nhiều đến mức làm Kim phát cáu: “Ở quê có thiếu thứ gì đâu mà ba má lo xa chi cho mệt. Nhiều khi những thứ người ta không cần dùng cứ bắt người ta nhận, có phải phiền không?”. Chắc tại nhà có khách nên ba Kim làm thinh chỉ lắc đầu tỏ vẻ không bằng lòng những gì Kim nói.

Thật ra, lên xe chỉ có ba người. Kim, Thi và tôi về làng chơi trong ngày cho khuây khỏa tinh thần, nhất là chuyến đi này Kim cốt ý dành cho Thi. “Dường như mấy tháng nay cô chị dâu mình mới có được một ngày rạng rỡ”. Kim xoay qua chuyện càm ràm quà cáp cho tôi thông cảm ba má cô coi trọng mặt mũi. Về làng phải có quà này quà nọ, không thôi họ hàng chê cười người thành phố. Đâu phải ai sống ở làng cũng đều thiếu thốn như những ngày xưa. Bà cô của mình trước kia sống ở tỉnh Gyeonggi. Nghe kể, thời đó cuộc sống nông thôn vất vả khó khăn lắm, chỉ biết gục mặt xuống đất kiếm miếng ăn nên vợ chồng con cái bỏ làng ra thành thị làm việc trong khu công nghiệp đóng tàu. Bây giờ về hưu, có tiền tiết kiệm trong tay thì lại không muốn ở thành phố ồn ào náo nhiệt nữa, trở về làng đi tìm cuộc sống an nhàn, yên tĩnh. Ba má mình thích cuộc sống thành phố. Có lần bà cô rủ cùng về quê an hưởng tuổi già nhưng ổng bả từ chối với lý do muốn gần kề con cái. Mình cũng vậy, thích cuộc sống sinh động của thành phố. Sau này về hưu mình vẫn sống ở thành phố. Đời sống nông thôn dù có đầy đủ tiện nghi đến đâu cũng không thể nào bằng nơi đô thị đông vui.

Đông vui ai chẳng thích. Nhưng chưa chắc là ba má Kim thích cuộc sống tất bật thị thành. Chẳng qua vì muốn nhìn thấy con cái yên bề gia thất, muốn ẵm bồng con cháu, muốn sống trong cảnh tam đại đồng đường theo truyền thống bao đời. Nhất là ba má Kim xuất thân từ nông dân, sinh sống chính tại vùng đất của mình bị đô thị hóa làm thay đổi diện mạo, chứ trong thâm tâm chẳng thể nào quên mái tranh, mảnh ruộng từng gắn bó nuôi sống gia đình mấy chục năm trước kia khi kinh tế Hàn quốc còn nghèo nàn chưa được thịnh vượng như ngày nay. Có điều, mỗi nhà mỗi cảnh. Giới trẻ nông thôn học đòi theo lối sống phương Tây, muốn sống tự lập, bỏ quê ra phố tìm kiếm công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn và được tự do không bị cha mẹ kiềm chế. Trong khi người lớn tuổi về hưu, còn giữ được đất đai, lại có xu hướng quay về làng. Họ về làng không phải để hưởng nhàn mà là tham gia hoạt động nông nghiệp theo một mô hình trang trại do chính phủ hỗ trợ và đó cũng là chính sách điều tiết di cư của chính quyền Hàn quốc muốn cân bằng thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Bà cô của Kim là một trong hàng chục ngàn gia đình sống tại các thành thị quay trở lại làng khi đến tuổi về hưu hoặc hưu non trước tuổi theo thâm niên làm việc. Hồi còn đi học, có một chương trình cập nhật giới thiệu khái quát cho sinh viên khoa Quan hệ quốc tế về kinh tế, chính trị, xã hội vùng Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn quốc trong giai đoạn phát triển kinh tế nông thôn từ thập niên 70 và cuộc khủng hoảng kinh tế những năm cuối thập niên 90. Giai đoạn đầu xây dựng nông thôn mới theo mô hình cá nhân làm chủ, mỗi nông gia làm chủ điền trang của mình, xóa bỏ hình thức hợp tác xã không còn thích hợp và hoạt động kém hiệu quả. Chính phủ của Tổng thống Park Jung Hee nhận ra rằng trợ giúp của nhà nước sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người dân không có quyết tâm tự lực. Khuyến khích nội lực trong cộng đồng nông thôn và mở rộng hợp tác với các ngành kinh tế khác là chìa khóa phát triển nông thôn mới. Cuộc sống nông thôn thay đổi rất nhanh, giảm dần cách biệt mức sống giữa dân nông thôn và thành thị đến mức trở thành mẫu hình gây sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Và chính nhờ đời sống nông thôn phát triển mạnh nên lãnh vực nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều trong cuộc khủng hoảng tài chánh cuối thế kỷ hai mươi. Khủng hoảng kinh tế chủ yếu xảy ra trong khu vực công nghiệp Hàn quốc nhưng ba năm sau đó nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng liên tục với thu nhập bình quân đầu người vượt lên đứng vào top 10 các nước thịnh vượng trên thế giới.

Rất tiếc một điều lúc đó tôi không quan tâm nhiều đến kinh tế Châu Á để tìm kiếm cơ hội xin đi Hàn quốc quan sát học tập theo lời đề nghị của giáo sư chuyên ngành dành cho sinh viên. Thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi mộng tưởng nhiều hơn thực tế về cái ngành học đòi hỏi sinh viên phải tự lực, năng động, chuẩn bị cho việc nghiên cứu để sau này có điều kiện tiếp tục bậc học cao hơn. Nước Pháp. Tôi vẫn thích văn hóa Pháp mặc dù những năm trung học tiếng Pháp của tôi luôn xếp hạng chót bét. Vào đại học, chuyển qua tiếng Đức mấy năm chỉ bỏm bẻm được vài ba chữ. Cuối cùng là đi “đứt” luôn bốn năm học cho sự thiếu chủ động trong lợi thế của mình là  tiếng Việt. Ba nói “con là người Việt, nói tiếng Việt, đối với người Mỹ họ xem tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai, có dạy trong chương trình bậc đại học, lại không biết tận dụng”.

Bây giờ có tỉnh ngộ cũng chẳng giúp ích gì được. Giờ đây có cơ hội sống ở Hàn quốc một năm cũng chẳng thể làm gì cho một nghiên cứu Đông Bắc Á học để quay trở lại trường. Hiện giờ ngồi trên xe đi về vùng quê thăm thú cho biết nhà quê xứ Hàn ra sao chứ không có một giấc mộng thực tế nào cho sự nghiệp tương lai. Người ta nói “người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không nuôi giấc mộng nào trong đầu”. Xét cho cùng tôi còn nghèo hơn cả Thi mặc dầu được sống trong một đất nước giàu có. Còn Thi bỏ xứ đi làm dâu xứ người với giấc mộng dũng cảm thay đổi số phận của mình. Tôi và Thi cũng chỉ là hai vị khách trên xứ Hàn với hai hoàn cảnh khác nhau. Nhưng những cảm nhận của tôi hiện giờ không khác cảm nhận thoáng qua của cô chị dâu Kim đang lơ ngơ ngó quanh những thửa ruộng bậc thang xinh đẹp như một bức tranh hiện ra trước mắt. Ánh nắng đầu thu trong trẻo soi rõ từng chân ruộng bậc cấp với những gam màu xanh của lúa lờn vờn trong gió. “Đẹp quá!”, Thi kêu lên, tôi cũng đồng thanh tương ứng, làm Kim lớ ngớ phì cười.

Thi “À” lên ngạc nhiên khi nghe tôi giải thích đó là ruộng lúa. Đất đai Hàn quốc núi non trùng trùng nên người ta xẻ đồi phát ruộng. Đất vườn không nhiều nhưng sản phẩm làm ra đủ nuôi sống thoải mái những người nông dân. Thi nói ruộng lúa ở quê mình không đẹp như thế này, cứ bằng bằng phẳng phẳng, xẻ ngang xẻ dọc trông nó buồn buồn. Buồn vui Thi nói chỉ là cách nhìn bên ngoài chứ không phải tâm trạng trong lòng Thi ơi. Nếu chẳng may Thi lấy chồng về quê làm ruộng thì liệu Thi vui hay buồn. Vấn đề là người nông dân sống được bằng chính bàn tay lao động của mình do chính sách của chính phủ chú trọng đến bảo vệ giá cả để làm sao sản phẩm nông nghiệp có giá trị bán ra thị trường. Điều này, người nông dân hay một làng nông nghiệp không thể tự thân làm được mà phải có một chính sách đúng đắn của  chính phủ hỗ trợ. Tổng thống Hàn quốc từng phải cúi đầu xin lỗi với nông dân khi mở cửa thị trường gạo cho các nước nhập cảng vào buôn bán khiến người nông dân lao đao. Chính phủ từng nói: “Phải làm cho nông thôn là ước mơ của người thành phố”.

Đối với Kim, đó là cách nói an dân của người làm chính trị, nhưng ít ra nó cũng thể hiện được những gì nhà nước đã làm cho đời sống người nông dân thay đổi, xóa bỏ cách biệt giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị. Tôi từng ca thán khi mới đến Hàn quốc lần đầu “đi chợ tính tiền”. Cái gì cũng đắt, đứng xem một hồi, cầm lên bỏ xuống. Và rồi cuối cùng cũng phải mua, khi tính ra tiền mua thực phẩm chỉ chiếm một phần năm lương tháng. Một con số tưởng là nhiều nhưng không phải nhiều so với thu nhập trung bình của một lao động sống ở thành phố. Tuy thế, con số này đã làm cho lợi tức của người lao động khu vực nông thôn tăng lên đáng kể. Chỉ cần nhìn nhà cửa, xe hơi cá nhân, cơ sở hạ tầng trong làng bà cô của Kim sinh sống đủ nhận thấy mức sống chung của làng quê nông thôn Hàn quốc ra sao.

Thi nói: “Làng quê em mà được như thế này thì em đâu bỏ xứ lấy chồng phương xa”. Khi người ta không có trong tay điều gì thì mơ ước, đến khi có rồi lại tiếp tục ước mơ hoặc chỉ muốn thỏa mãn những gì mình có. Kim vẫn muốn làm cư dân thành phố cho dù chính phủ khuyến dụ “phải làm cho nông thôn là ước mơ của người thành phố”. Những người thành phố tự nguyện về làng trở thành nông dân, chính phủ trợ cấp cho một số tiền không nhỏ, giúp đỡ bước đầu gầy dựng trang trại, trồng trọt sinh sống. Ngược lại, người nhà quê ít đất sản xuất hoặc giới trẻ nông thôn lại di chuyển ra thành phố làm việc tìm kiếm thu nhập cao hơn. Nghe Kim nói có vẻ nghịch lý. Nhưng xét lại thấy gần như là một dịch chuyển cơ cấu lao động hợp lý cho người nông thôn nghèo ra đi tìm cuộc sống tốt hơn, người thị thành có của ăn của để đến tuổi hưu quay về làng trồng trọt vừa có đời sống yên tĩnh vừa giảm chi phí sinh hoạt bằng nửa thành thị. Chẳng hạn như gia đình của bà cô Kim.

Đất đai nhà bà cô không nhiều, vài ba công trồng dưa hấu. Không phải thuê mướn nhân công, vợ chồng tự tay chăm sóc. Một năm thu hoạch hai vụ, kiếm được gần hai chục triệu won. Kim nhìn tôi lắc đầu: “Không xong rồi! Một người có bằng đại học đi làm lương một năm không bằng người nông dân về làng!”.

Thi không hiểu chúng tôi nói gì, hồn nhiên tung tăng khắp luống ruộng dưa như thể đang trở về làng quê của mình vậy.

alt

Ruộng bậc thang nông thôn Hàn quốc

(còn tiếp)