Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Kỳ 9
Tự dưng mình muốn đi tu. Gởi tin nhắn này đến bạn bè, nhận lại hồi âm phản đối. Quỡn quá hả? Rảnh quá hé không biết làm gì. Chán đời hay thất tình anh chàng đẹp trai nào mà đòi đạo đời chia ngã xuống tóc đi tu. Hu, hu!
Tôi không có can đảm đến mức xuống tóc đi tìm điều huyền năng trong cuộc sống vô thường. Đời còn đẹp, mới lạ và hấp dẫn lắm. Nhưng không hiểu sao, thỉnh thoảng trong tâm hồn chợt trỗi dậy những khoảng lặng đối lập với tính tình xốc nổi xung động của mình. Nói đúng hơn đó là sự trống trải từ một góc khuất nào đó trong đầu làm tôi thấy hoang mang. Từ nào đến giờ tôi ngang bướng tự ý quyết định những việc liên quan đến mình mà không cần nghe theo lời khuyên của cha mẹ hay bất kỳ ai. Tôi cứ cho những suy nghĩ của mình là đúng. Tôi là tôi. Tôi có cách ứng xử và giải quyết vấn đề theo những trải nghiệm cuộc sống như thế nào. Có lẽ, tôi muốn chứng minh sự tự tin trước mọi người, tôi là một người trưởng thành, có học vấn, đủ khôn ngoan xử lý mọi chuyện trên đời. Có tự tôn quá chăng? Đúng hay sai, tôi phân vân không dám kết luận, cho đến khi nào bản thân nhận được bài học tốt hay xấu. Chính vì chỉ nghĩ đến cái tôi nhiều quá đã khiến tôi trở nên vị kỷ đóng cánh cửa trong đầu không tiếp nhận những cảm nhận của người khác về mình. Bây giờ tôi muốn mở cánh cửa tự ngã đó để thấy tự thân cần nên điều chỉnh.
“Cuộc sống là chuỗi ngày mỗi con người tự hoàn thiện mình. Mỗi ngày là một bài học vô giá ta nhận được từ cuộc sống. Quá trình hoàn thiện mình chính là gạt bỏ đi từng cái xấu và vun đắp thêm từng cái tốt dù rất nhỏ nhoi”. Tôi rị mọ ghi bằng tiếng Việt lời huấn thị vào cuốn sổ nhật ký lúc vô tình vào trang mạng “Đạo và đời” phát trên Youtube. Chỉ có những con chữ bằng tiếng mẹ đẻ hiện ra trước mắt mới có sức thuyết phục tôi ngay trong lúc này; mới thẩm thấu từng ý nghĩa vào tâm trí giữa đêm khuya tĩnh mịch cô đơn, ngồi trong phòng nhìn ra cửa sổ, xa xa là những ánh đèn sáng tỏ trên tầng cao của dãy chung cư thao thức cùng tôi. Giờ này, nơi nửa vòng trái đất bên kia xa vời vợi, không biết Ba Me có để đèn chờ tôi về như mọi khi tôi còn ở nhà vẫn thường hay đi chơi với bạn bè đến một hai giờ sáng. Những lúc như thế này, tôi thấy mình có lỗi khi để cha mẹ phải lo lắng bận tâm đến cách sinh hoạt của mình. Nhưng rồi chuyện đâu vẫn hoàn đó. Thú vui bên ngoài hấp dẫn khó tả đối với thanh niên. Quán bar nhạc sống, vũ trường, bowling, là những nơi náo nhiệt thu hút giới trẻ ham chơi khiến chúng tôi quên cả thời gian.
Tôi định gọi phôn về nhà nói ra những suy nghĩ của mình nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi thấy bối rối trước những suy tư bất ngờ thoát ra từ đáy lòng mà cứ loay hoay không ngăn được những dòng chảy lý trí chẳng thể nào giải thích. Có lẽ tôi ngại ngùng trước những suy tư thầm kín mong mỏi cha mẹ thấu hiểu và thứ lỗi cho mình. Chia sẻ những tâm tư này với cô Hai; xem ra dễ dàng hơn vì do cô Hai thường hay đi chùa, thấm nhuần Phật Pháp, có thể giúp mình giác ngộ điều gì. “Vậy là con giỏi rồi. Cô Hai đi chùa nhưng chưa bao giờ nghĩ đến vào chùa tu học một ngày an lạc. Sự giác ngộ ở trong tâm người, phải học ngay chính mình mới tìm ra chân lý, chứ không phải từ trong kinh Phật. Đi tu một ngày là cách sống chậm, thư giãn tâm hồn từ những bài kinh kệ, hay đơn giản là tận hưởng sự tĩnh lặng bình an trong tâm hồn”.
Đi tu với tôi sao khó khăn, khi tự thân không quyết định được điều gì như những lần bạn bè “a lô” rủ đi chơi là đi ngay không chút đắn đo do dự. Lần này đi tu chỉ có một ngày lại phải cần tới lời khích lệ của cô Hai. “Tu có nghĩa là sửa thân, nhưng thân phải có tâm mới linh hoạt, mới sống động. Đi tu là chỉnh đốn sửa đổi thân tâm cho tốt đến mức tự giác ngộ”. Nghe cô Hai nói xong như được giải tỏa nỗi lòng, tôi liền vào trang mạng Templestay ghi danh một ngày tu học vào sáng hôm sau, trả ngay lệ phí bằng thẻ tín dụng tính ra khoảng 70 đô với lòng hào phóng không chút ưu tư bay mất một tuần thực phẩm. “Xả phú cầu bần xả thân cầu đạo”, người ta còn dứt bỏ tất cả của cải vật chất hiến thân trọn đời nơi cửa Phật thì sá chi hai mươi bốn tiếng đồng hồ tu thân am thiền cho lòng thanh sạch bụi trần. Tôi chuẩn bị tối giản đồ dùng cần thiết xếp vào ba lô để sẵn, lòng tĩnh tâm nhẹ nhõm, mỉm cười chìm sâu vào giấc ngủ ngon lành đến quá 8 giờ sáng.
Anh tài xế taxi nhìn mảnh giấy địa chỉ tôi đưa trố mắt “xa lắm đó”. Một chùa ở ngoại ô Seoul trên ngọn núi cao; một chùa ở tỉnh phía Nam Daejeon, cách đây chừng trăm cây số, vùng núi hoang vu hẻo lánh. Hai chùa này cùng tên. “Theo địa chỉ, chắc là chùa phía Nam đúng hơn”.
Khổ! Đi tìm cửa Phật khó đến vậy sao? Hay tại nghiệp duyên mình chưa đủ để Phật mở đường chỉ lối. Rõ ràng đêm qua tôi xem quãng đường thấy chừng mười cây số. Giờ nghe nói một trăm, không biết tôi có nhầm lẫn hay bị Phật lấy tay che mắt. Thầy trò Đường Tăng phải trải qua một cuộc hành trình mười bốn năm, vượt qua nhiều kiếp nạn mới đến được đất Phật. Còn mình đi tu, Phật môn bao xa, xe chạy trăm phút là cùng, vậy mà miệng đã than khổ không dứt bỏ được phiền não đời thường trì trệ trong đầu thì làm sao có được cơ duyên tu phúc. “Một trăm cây số bao tiền?”. “Một trăm mười ngàn won”. Nhẩm tính trong đầu: Đi tu về, chắc tôi phải ăn chay một tháng. Lại tính toán, nghĩ tới lợi lộc cá nhân, nghiệp chướng còn đó thì sao làm con của Phật!
Đường lên núi vào chùa quanh co đồi dốc. Mặt trời đã lên cao nhưng sương mù còn la đà trên mặt suối. Những bụi cây ngũ sắc đang chuyển màu cùng cung bậc mùa thu, nhấn nhá một vùng không gian tĩnh lặng, đẹp đến ngẩn ngơ lòng. Tôi hạ cửa xe chạy chậm giữa hàng cây, đưa tay ra ngoài cố bắt những chiếc lá hình cánh sao mong manh đang nhẹ nhàng bay xuống trải thảm đầy mặt đất. “Đó là cây Momiji, chừng hai ba tuần nữa, màu lá chuyển đỏ. Đỏ khắp cả vùng núi đồi như tranh vẽ. Du khách đi chùa kéo nhau về đây nhiều hơn so với thời điểm hiện giờ, lưa thưa vài ba đoàn khách”. Bác tài nói, tôi khéo chọn chùa, chắc tại có duyên. “Khung cảnh trong lành thanh tịnh u nhã thế này, người ngoại đạo như tôi còn muốn đi tu”.
Cứ tưởng mình tôi là khách lẻ tu tập một mình, vào chùa mới biết một bạn người Việt đến từ Pháp trên đường về nước ghé qua Hàn quốc du lịch bốn ngày nhập theo đoàn tu học ghi danh trước của các nước Châu Âu. Không biết chúng tôi có thiện duyên kiếp trước xuất gia chùa nào mà kiếp này từ hai phương trời xa gặp nhau làm tăng ni tu học tận nơi thâm sơn cùng cốc. Chúng tôi nhanh chóng quen nhau và được ưu tiên xếp ở cùng phòng. Cất ba lô vào tủ, hai đứa khoác vào người bộ đồng phục nhà chùa màu xám trắng, cổ đeo tràng hạt, ngắm nghía trong gương xem mình biến thành tiểu ni cô hiền từ chỉ thiếu cái đầu cạo trọc. “Mô Phật! Tiểu ni cô chi mô. Tiểu quỷ thì có! Thu Minh lên tiếng, rồi kéo tôi ra khỏi phòng đi về phía chánh điện.
Thu Minh lớn tuổi hơn tôi mấy tháng, du học sinh tốt nghiệp ra trường, may mắn được một công ty tài chánh tại Paris mời làm việc. “Sau chuyến đi này, Minh trở về Pháp tiếp tục vừa làm vừa học. Công ty chu cấp toàn bộ chi phí cho mình học lấy bằng Thạc sĩ”. Mục đích đến chùa của tôi và Minh giống nhau nhưng tâm thức có khác đôi chút. Minh muốn chiêm nghiệm thực hành thiền định để giải tỏa áp lực công việc cuộc sống; tôi đơn giản đi tìm nơi an tịnh răn mình, cải hóa cái tôi. “Bạn cũng đừng tự trách bản thân. Mình phải yêu bản thân mình trước đã. Vấn đề là bạn cảm nhận cuộc sống như thế nào và sống thật với bản thân mình ra sao. Thực tế sau khi ta cởi bỏ lớp áo tu hành, bạn vẫn là bạn và tôi vẫn là tôi mà, phải không?”.
Chúng tôi im lặng cùng đoàn theo vị sư già đi thăm viếng và nghe giới thiệu lịch sử ngôi chùa. “Ngôi chùa rất cổ kính được xây dựng trên đỉnh núi cao từ hàng mấy trăm năm trước, nơi không khí tuyệt đối trong lành, với những cây cổ thụ, với dòng suối nhỏ chảy qua, cách xa mọi ồn ào của thành phố”. Thu Minh kề tai tôi thì thầm: “Nghe phiên dịch tiếng Anh, lỗ tai cứ lùng bùng như tiếng Hàn, chẳng hiểu gì cả”.
Thật ra, đâu cần phải hiểu hết những gì giới thiệu. Chỉ cần nhìn cảnh quan thiên nhiên tĩnh mịch chung quanh đủ làm tâm hồn lắng đọng, quên hết ưu tư trong lòng. Hầu hết thiền viện tại Hàn quốc đều ứng dụng sân vườn chùa trong một tổng thể thiên nhiên hài hòa, kết hợp với những công trình kiến trúc cổ xưa hay một khu làng, thị trấn nhỏ nép mình bên núi, tạo cho khách thập phương đến chùa cảm nhận được cuộc sống thiên nhiên thanh sạch của người tu hành và cả người trần tục, chứ không phải vào chùa tìm hiểu lịch sử hay mang nhang đèn hoa quả cầu xin Phật tổ ứng nghiệm ban cho điều gì. Vì lẽ thế, thiền viện giới hạn tiếp đón khách thập phương đến đây tu tập để không làm xáo trộn náo động cảnh quan vốn tĩnh lặng nơi cõi tu hành.
Lần đầu tiên tôi lần tràng hạt, miệng niệm Nam mô, tai nghe tiếng trống bát nhã phát lên tiết điệu trầm ấm. Tôi lấy làm lạ sao không đánh chuông mà lại gióng trống. Hỏi ra mới biết, trống là một phần nhạc cụ trong âm nhạc dân gian Hàn quốc; và trống bát nhã thường được đưa vào văn hóa lễ hội Phật giáo giới thiệu với khách ngoại quốc đến đây trong những ngày tu học như một nét đặc trưng văn hóa riêng của xứ kim chi. Tiếng trống kỳ lạ lắm, lan đi từng hồi trang nghiêm nhanh và nhỏ dần theo bài kệ, khiến tôi nhắm mắt lại nghe thế gian bừng dậy đi vào cõi hư không.
Chúng tôi tự tại bước vào một ngày tu tập an lạc tràn đầy tâm thức.
Cảnh hành thiền trong ngôi chùa ở Đại Hàn