Menu Close

Ghèn trong mắt

Tôi có thắc mắc là tại sao mỗi sáng ngủ dậy là mắt tôi cứ đóng ghèn, nhiều khi mở mắt ra không được. Có phải là tại tôi già nên bị như vậy không? Bác sĩ vui lòng giải thích cho tôi biết với nhé. Trần Đ Hòe- Atlanta.

Đáp

Chào ông,

Ghèn mắt không phải chỉ có ở người già mà thấy ở tất cả mọi người, mọi tuổi. Ông thấy các cháu bé, khi ngủ dậy, nhiều cháu cũng mở mắt không nổi, khiến cho các bà mẹ cứ phải lấy khăn ướt lau mắt cho chúng.

Ghèn mắt là một hiện tượng rất bình thường, đôi khi cũng gây ra do một vài tác nhân.

Ghèn là những giọt nước mắt đã khô, đây không phải là nước mắt do khóc khi đang ngủ ban đêm mà chỉ là nước mắt bình thường mà mắt thường xuyên tiết ra. Nước mắt do các tuyến nước mắt ở dưới mi mắt tiết ra và có công dụng là làm ướt nhờn mắt để ta chuyển động noãn cầu lên xuống ngang dọc được dễ dàng trong khi ta nhìn sự vật xung quanh. Không có nước mắt, sự cử động này sẽ khó khăn và giác mạc sẽ bị trầy trụa. Nước mắt cũng là để loại những bụi bặm khi chẳng may một vẩn cát bụi rơi vào mắt. Nước mắt là một hỗn hợp của chất dầu, nước, chất béo, chất nhờn và một vài hóa chất để tẩy trùng rửa mắt.

Ban ngày, mắt luôn luôn chớp, mi mắt có tác động như cái gạt nước kính xe hơi, đưa đẩy nước mắt chan hòa đều lên giác mạc, đồng thời khi mắt chớp thì nước mắt cũng được đẩy về hai lỗ nhỏ ở góc con mắt và đưa xuống mũi. Vì thế khi sụt sùi khóc thì nước mắt giàn giụa và nước mắt cũng chảy ra qua mũi.

Khi ngủ, nước mắt vẫn chảy ra với nhịp độ chậm ít hơn. Vì mắt không chớp, nước mắt không vào các ống để thoát ra ngoài. Chất nước của nước mắt bốc hơi, còn lại chất béo, chất nhờn kết tụ với nhau, thành những hạt nhỏ mà ta gọi là ghèn. Như vậy sự đóng ghèn là hiện tượng bình thường. Chỉ cần lau sạch với tấm khăn mặt nhúng nước lạnh là xong. Tuy nhiên ghèn cũng xảy ra khi mắt bị nhiễm trùng hoặc bị dị ứng. Vi khuẩn rất ưa thích môi trường ẩm ướt của cặp mắt. Chúng xâm nhập mắt từ không khí ô nhiễm cũng như khi ta lấy tay dơ bẩn dụi lên mắt. Và sinh sôi nảy nở rất nhanh khi con mắt nhắm lúc ngủ ban đêm. Và phải đi bác sĩ để điều trị.

 

Sẹo lồi trên da

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức ơi cho cháu hỏi cái này nhé.

Cách đấy mấy tuần thằng nhỏ của cháu chạy chơi ở trường rồi ngã, toét da đầu gối, phải đi bệnh viện khâu mấy mũi. Vết thương chẳng hiểu tại sao mãi đến hơn 4 tuần mới lành, và để lại một cái sẹo lồi lên nhìn chẳng giống ai. Xin bác sĩ cho biết phải làm gì, và tại sao sẹo lại dầy lên như vậy. Cảm ơn bác sĩ. Mimi Trần.

Đáp

Chào Mimi,

Vết thương lành trên da thành sẹo là chuyện bình thường. Khác thường là những lớp mô bào ở sẹo bây giờ không giống như lớp da cũ. Da sẹo bây giờ không có tuyến mồ hôi, không có chân lông, không có tế bào tạo ra chất mầu cho da. Ngoài ra, những sợi đàn hồi của da khi lành không nằm thứ tự như trước mà chồng chéo lên nhau khiến cho da nom gồ ghề, nhiều khi nhô lên cao. Cũng vì thế mà lớp sẹo này cũng yếu dễ tổn thương hơn lớp da lành lặn trước đây.

Nhắc lại là sau khi bị thương, da phục hồi qua ba giai đoạn. Tuần lễ đầu sau khi bị thương, da chỗ đó bị viêm sưng lên. Máu từ các mạch máu đông đặc lại và tạm thời khép kín vết thương. Các tế bào tại chỗ tiết ra chất lỏng tạo thành một loại keo gắn miệng vết thương với nhau. Khoảng dăm bảy tuần lễ sau, nơi bị thương trở nên đỏ và thành từng cục vì chất tạo keo collagen đang thành hình. Khoảng vài năm sau, vết sẹo mới lành hẳn và mạnh hơn. Nhưng vì chất tạo keo sắp xếp không đều, cho nên mặt sẹo gồ ghề, khó coi. Nhiều khi chất tạo keo cũng nhô lên quá cao và thành sẹo lồi. Sự lành của vết thương cũng tùy thuộc dinh dưỡng đầy đủ, mạch máu tới nơi đó có nhiều không và cũng tùy nơi bị thương. Da ở vùng hay cử động như ở chân, tay thường hay có sẹo lồi nhiều hơn là vùng ít cử động như ở da bụng.

Trở lại trường hợp của cháu bé, da trẻ em cũng mau lành. Nhưng của cháu thì sẹo lại lồi ra, bà có thể cho cháu tới bác sĩ giải phẫu hoặc thẩm mỹ. Các vị này có thể dùng tia laser, chích thuốc steroid, dung dịch nitrogen hoặc giải phẫu để làm sẹo bớt lồi, hoặc dùng thuốc để làm sẹo bớt lồi.

Chúc bà và gia đình được mọi sự bình an.

NYD