Menu Close

Chung quanh việc tòa án xét xử Khmer Đỏ

Thanh Tú

Cách đây hơn 5 năm, chính quyền Cambodge đã chấp nhận kết hợp với Liên Hợp Quốc (LHQ) để cho ra đời Tòa án đặc biệt xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ (Chambers in the Courts of Cambodia). Cùng với thời gian đó là số tiền 150 triệu dollar đã đổ ra để công lý được thực thi. Song, kết quả mang lại chỉ là bản án 35 năm tù giam dành cho bị đơn Kaing Guek Eav bí danh Duch (nhưng giảm xuống chỉ còn 19 năm). Ông này là trưởng trại giam Toul Sleng được biết dưới tên S21- nơi mà trước đây đã từng là trường học. Cũng nơi này, theo những con số chưa chính xác đã giam giữ hơn 17,000 tù nhân. Và, chỉ có 20 người trong số họ còn sống sót để nhìn thấy mặt trời.

Những kẻ phải chịu trách nhiệm cho 1.7 triệu người chết trong thời gian Khmer Đỏ nắm quyền cai trị Cambodge, ngoài Pol Pot đã bị chết do già tại Anlong Veng, thì những lãnh tụ cao cấp đều có mặt tại phiên tòa: Nuon Chea-Phó tổng thư ký Đảng Cộng Sản Cambodge, ông này được mọi người biết đến với tên gọi “Anh số 2”. Khieu Samphan-Chủ Tịch nước Kampuchia Dân Chủ (thời Khmer Đỏ). Ieng Sary- Ngoại trưởng. Bà Ieng Thirith-Bộ trưởng các vấn đề xã hội, vợ ông Ieng Sary trước đó cũng bị triệu ra trước tòa nhưng được tha bổng vì bị mất trí nhớ do tuổi già.

alt

Tòa án đặc biệt xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ (Chambers in the Courts of Cambodia) (Nguồn Boston.com)


Vai trò của Hun Sen trong việc cản trở phiên tòa

Từ sau khi Khmer Đỏ thất thủ và tháo chạy khỏi Phnom Penh, lực lượng này đã rút vào những cánh rừng giáp biên giới với Thái Lan để chống lại Quân Đội Cộng Sản Việt Nam, cũng như sau này là quân đội Hoàng Gia Cambodge. Đến những năm 1990s, bất chấp sự khuyến dụ của thủ tướng mới Hun Sen, Khmer Đỏ vẫn cương quyết từ chối những thỏa hiệp chính trị và chiến đấu chống lại chính quyền mới. Thế nhưng, từ sau cái chết của Pol Pot năm 1998 cũng như sự đầu hàng của Tổng Tư Lệnh quân đội Khmer Đỏ Ta Mok (1999) lực lượng này đã tan rã. Đánh dấu một kỷ nguyên mới cho người dân Khmer. Chính quyền mới Hun Sen với chiêu bài “hòa hợp, hòa giải dân tộc” đã mang lại nhiều thành công khi rất nhiều tay súng Khmer Đỏ chấp nhận quy hàng.

Vào năm 1998, người Khmer tại thủ đô Nam Vang (Phnom Penh) đã ghi nhận cuộc gặp mặt lịch sử giữa những người lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ là Nuon Chea, Khieu Samphan tại nhà của Hun Sen. 2 người này đã được đích thân thủ tướng Hun Sen mời đến tư gia của mình để cùng uống Champagne và tuyên bố “chôn vùi quá khứ” (bury the past). Hun Sen trước khi là thủ tướng của Cambodge, ông này đã từng là 1 chỉ huy của lực lượng Khmer Đỏ chấp nhận sự sai khiến của Pol Pot. Sau đó, trong một cuộc thanh trừng nội bộ do Pol Pot khởi động, ông đã cùng một nhóm người chạy thoát sang Việt Nam để cầu viện. Từ đó, con đường hoạn lộ của ông lên như diều gặp gió. Cái ghế thủ tướng hiện nay là điều mà trước đây một viên chỉ huy bình thường như ông không hề nghĩ đến.

Có thể, chính việc gặp gỡ giữa Hun Sen và các thành viên cao cấp Khmer Đỏ tại tư gia của Hun Sen hôm đó đã bảo đảm các thủ lãnh Khmer Đỏ sẽ không phải chịu bất cứ hình tội nào dưới luật pháp Cambodge. Ông- với tư cách người đứng đầu đảng Nhân Dân Cambodge (Cambodian Peopleo’ s Party-CPP) và đứng đầu chính phủ sẽ chắc chắn cho điều đó. Song, vẫn có những điều ngoài sự mong muốn của Hun Sen. Cambodge cho đến tận bây giờ vẫn là một Quốc gia mà để duy trì sự hoạt động của chính phủ phải phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ Quốc tế. Để tiếp tục nhận được viện trợ, Hun Sen đã buộc phải chấp nhận một phiên tòa xét xử tội ác diệt chủng Khmer Đỏ.

Tuy thế, trong những nỗ lực nhằm bảo vệ những thủ lãnh của Khmer Đỏ, Hun Sen đã không ngừng tung ra những biện pháp nhằm trì hoãn, can thiệp sâu vào công việc nội bộ của tòa án cũng như cản trở các nhân viên LHQ trong việc tìm ra chứng cớ buộc tội các lãnh đạo Khmer Đỏ. Vào tháng 10/2010, khi Hun Sen tiếp xúc Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon, ông đã tuyên bố sẽ không có thêm thủ lãnh nào của Khmer Đỏ bị điều tra. Để phụ họa với Hun Sen, Bộ Trưởng Thông tin nói, nếu họ (các thành viên của ECCC) muốn điều tra thêm các lãnh tụ Khmer Đỏ thì nên cuốn gói ra đi. Ông Hor Namhong, Ngoại trưởng bồi thêm, việc bắt thêm lãnh đạo thời Khmer Đỏ là chuyện riêng của Cambodge. Để viện dẫn cho những hành động cứng rắn của mình, Hun Sen đưa lý do là không muốn mất đi sự ổn định của Quốc gia. Việc xét xử Khmer Đỏ sẽ là tiền đề để gây ra những chia rẽ, và nó có thể dẫn đến nội chiến.

Chính những thái độ cứng rắn của chính phủ Hun Sen nên công việc điều tra của tòa án gặp nhiều khó khăn. Các thành viên của tòa án xét xử tội ác diệt chủng ở Cambodge đại đa phần là người Khmer. Chính điều này dễ dàng tạo cơ hội cho Hun Sen hủ  hóa, can thiệp sâu vào công việc nội bộ của tòa. Bên cạnh đó, những chỉ trích cho rằng tòa án này quá tham nhũng, tốn kém khi chỉ trong vòng 5 năm nhưng đã mất đến 150 triệu dollar. Kết quả, vị đồng thẩm phán điều tra quốc tế người Đức Siegfried Blunk vì không chịu nỗi những áp lực đã nộp đơn từ chức lên TTK LHQ Ban Ki-moon.

Vì sao Hun Sen lại bảo vệ những lãnh tụ Khmer Đỏ?

alt

Từ trái: Ken Kek Leu, Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Sary và vợ Ieng Thirith (Nguồn Boston.com)

Với những bằng chứng không thể chối cãi về sự dã man của Khmer Đỏ nhưng tại sao những kẻ thủ ác cho đến tận bây giờ vẫn chưa phải chịu trả giá cho những hành động diệt chủng của mình, cũng như biết bao nhiêu kẻ liên đới vẫn nhởn nhơ trong khi thân nhân của nạn nhân chẳng biết dựa vào ai để tìm ra công lý? Và tại sao thủ tướng Hun Sen của Cambodge lại ra sức bảo vệ những kẻ tội đồ của dân tộc Khmer?  Đó là câu hỏi không dễ gì có lời giải đáp.

Từ sau năm 1991, khi quân đội cộng sản Việt Nam đã rút về nước sau khi đã chiếm đóng Cambodge, Hun Sen kêu gọi các đảng phái chính trị đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp. Song song với điều này là ông kêu gọi Hoàng gia Cambodge ân xá cho những thủ lãnh cao cấp của Khmer Đỏ ra hàng, hứa sẽ không truy tố tội ác của họ. Những người đã ra hàng trong đó có: Ieng Sary, Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Thirith là những người bị buộc phải ra trước tòa án xét xử tội ác diệt chủng tại Cambodge.

Lý do nhằm bảo vệ sự ổn định của Quốc gia Cambodge cũng như để tránh có một cuộc nội chiến sẽ xảy đến trong việc xét xử các thành viên cấp cao thời Khmer Đỏ không phải không có lý. Tình cảm của người Khmer tại những căn cứ địa cũ của Khmer Đỏ vẫn còn nặng tình với lực lượng này. Vào tháng 4/2010, ngay tại căn nhà của Ta Mok tại Anlong Veng, ủy ban Công Lý và Hòa Giải (Center for Justice and Reconciliation) đã tổ chức một buổi nói chuyện giữa thành viên của tòa án để họ giải thích công việc của họ cho với khoảng 200 cựu binh sỹ Khmer Đỏ và người dân ở Anlong Veng. Ngay tại cuộc gặp này, rất nhiều người đã mong muốn phiên tòa hãy hạn chế kết tội các lãnh đạo cao cấp của Khmer Đỏ. Cứ nhìn vào đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau đi đưa tang Ta Mok-Cựu Tổng tư lệnh quân đội Khmer Đỏ là đủ thấy tình yêu mà người dân ở Anlong Veng dành cho tổ chức này. Việc xét xử những lãnh tụ của Khmer Đỏ có thể làm tổn thương đến những người dân sinh sống trong những vùng chiếm đóng của Khmer Đỏ trước đây, một khi chính sách tuyên truyền, mị dân, cũng như tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ đã ăn sâu vào trong đầu óc của họ.

Song, việc đưa ra những lý lẽ trên có thể được dùng để bao che cho những đồng minh chính trị của Hun Sen. Rất nhiều lãnh tụ cao cấp của Khmer Đỏ hiện nay là quan chức trong chính phủ Hun Sen, những người con của lãnh tụ một thời hiện nay đang co chân rết trong nội các của chính phủ, họ đảm đương những chức vụ quan trọng. Hun Sen đã làm cho quyền lực của Khmer Đỏ được bảo đảm ngay tại căn cứ địa của họ. Và cũng chính điều này cũng bảo đảm cho cái ghế thủ tướng của Hun Sen lâu nay vẫn không bị lung lay.

Vai trò của các nước lớn trong việc xét xử tội ác Khmer Đỏ

Hiếm có trường hợp nào trên thế giới lại có sự đồng lòng giúp đỡ của hai cường quốc trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc như trong trường hợp Khmer Đỏ. Nếu trước năm 1975, quân đội Mỹ ủng hộ chính quyền Lon Nol về khí tài để chống lại Khmer Đỏ, thì sau 1979 Mỹ lại ủng hộ Khmer Đỏ bằng cách viện trợ tiền bạc, súng ống… để chống lại quân đội cộng sản Việt Nam đang lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á. Không chỉ có Mỹ mà những đồng minh chiến lược của Mỹ là Anh cũng tham gia vào việc viện trợ cho Khmer Đỏ. Khối Asean mà dẫn đầu là Thái Lan, Singapore cũng tích cực viện trợ để Khmer Đỏ chống lại cộng sản Việt Nam.

Trung Quốc là nước viện trợ cho Khmer Đỏ nhiều nhất. Tất cả bomb, mìn, súng ống, đạn dược, nhu yếu phẩm… của Khmer Đỏ đều được Trung Quốc tài trợ. Không những vậy, Trung Quốc còn cho những cố vấn chính trị để tham mưu cho Khmer Đỏ. Con đường tiếp vận của Trung Quốc phải thông qua Thái Lan và nhờ vào việc cho mượn đường tiếp tế cho Khmer Đỏ mà Thái Lan được lợi rất nhiều. Theo ông Bùi Tín- cựu đại tá quân đội nhân dân Việt Nam trả lời phỏng vấn BBC thì ¼ số hàng tiếp tế lọt vào tay Thái Lan.

Vào năm 1997, Hun Sen cùng Hoàng tử Norodom Ranariddh đã gửi 1 bức thư lên Tổng Thư ký LHQ thời đó là ông Kofi Annan để ngỏ lời muốn có một tòa án xét xử Khmer Đỏ. Nhưng Trung Quốc, một nước có quyền phủ quyết tại LHQ đã dùng quyền của mình để bác bỏ yêu cầu trên.

Có thể nói rằng, 1.7 triệu người chết ở Cambodge có sự gián tiếp tiếp tay của Trung Quốc, khi họ là nước cung cấp khí tài cho Khmer Đỏ nhiều nhất. Bước chân của Khmer Đỏ đặt đến Phnom Penh cũng nhờ sự trợ giúp của Trung Quốc. Đương nhiên, 1.7 triệu người chết dưới chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ làm sao thiếu đi trách nhiệm của Trung Quốc? Các lãnh đạo của Trung Quốc là Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình khuyến khích Pol Pot xây dựng một nhà nước Cộng Sản, biến đổi dân tộc Khmer thành những “con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa”, đất nước Cambodge là một đất nước nông nghiệp, không có sự bóc lột, không có tiền bạc, ngân hàng. Mọi giao dịch đều được thanh toán qua phương thức hàng đổi hàng.

Cũng có thể hiểu, hành động ngăn chặn, cản trở xét xử tội ác Khmer Đỏ phần nào là do Trung Quốc không muốn phiên tòa diễn ra cũng bởi vì đám đệ tử trung thành của mình là: Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Sary, Ieng Thirith, và chính TQ là “người thầy, người đồng chí vĩ đại” đã cung cấp mọi thứ cho đám Khmer đỏ này để lật đổ chính phủ Lon Nol thiết lập một nhà nước cộng sản tại Cambodge vào năm 1975, rồi sau đó tiến hành chiến dịch diệt chủng như cả thế giới đều biết, chỉ có TQ vờ như không biết.

TT