Kính gửi bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Năm nay tôi 64 tuổi, có sức khỏe trung bình. Từ hơn 10 năm nay, tôi vẫn uống mỗi ngày một viên One-a-day. Mới đây con tôi nó mua cho tôi một loại thuốc gì đó tại tiệm thuốc tây để tôi uống thêm khi uống sữa tươi. Tôi thường bị tiêu chảy khi uống sữa tươi.
Xin bác sĩ cho biết uống One a day từ mươi năm nay rồi thì có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không. Và tại sao tôi bị tiêu chảy khi uống sữa, mà khi uống thuốc do con tôi mới mua thì hết tiêu chảy. Hoàng Lan
Đáp
Thưa bà Lan
One-a-day là một hỗn hợp nhiều sinh tố và khoáng chất. Bình thường các chất này đều có trong thực phẩm mà ta tiêu thụ. Tuy nhiên nhiều người cũng cẩn thận mua thêm để uống vì sợ thiếu cũng như nghe giới thiệu đây là thuốc bổ tăng cường sức khỏe. Bà đã uống hơn 10 năm rồi mà vẫn không thấy có phản ứng hoặc tác dụng phụ gì thì cứ tiếp tục. Chúng tôi chỉ xin lưu ý bà mấy điểm như sau.
Tại Hoa Kỳ, sinh tố bán trên thị trường được xếp vào nhóm “thực phẩm bổ sung” (dietary supplement), tương tự các thành phần thực phẩm khác như khoáng chất, thảo mộc, enzym… và được coi như thực phẩm chứ không phải là dược phẩm. Vì không là dược phẩm, sinh tố không chịu sự kiểm soát của Cơ quan Thực Dược Phẩm về phẩm chất cũng như công hiệu. Do đó nên dè dặt lựa chọn, đừng quá tin tưởng vào lời quảng cáo không có căn bản khoa học của nhà sản xuất.
– Nên tránh tiêu thụ liều lượng quá cao (mega dose) nếu chưa có ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng, vừa tốn tiền vừa lãnh hậu quả có hại. Chẳng hạn, dùng đúng hướng dẫn, sinh tố A giúp thị giác tốt, nhưng nếu dùng quá nhiều thì thị giác lại kém đi. Ngoài ra dùng quá nhiều một sinh tố có thể gây ra mất cân bằng hoặc tương tác giữa các chất này.
– Phân biệt sinh tố tự nhiên từ thực phẩm với sinh tố tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Sinh tố tổng hợp thường rẻ hơn; chỉ có một loại sinh tố cho nên có thể thiếu vài yếu tố do tạo hóa cung cấp; có một vài chất mà nhà sản xuất cho thêm vào để ổn định sản phẩm và có thể gây ra vài rối loạn nhỏ cho cơ thể.
– Những người sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm sinh tố: phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú; trẻ em và người cao tuổi; người đang có bệnh kinh niên hoặc đang dùng các dược phẩm trị bệnh.
– Không nên nghĩ là sinh tố có khả năng trị dứt bệnh, ngoại trừ trong bệnh phù beriberi do thiếu thiamin hoặc bệnh sưng chảy máu nướu răng do thiếu sinh tố C. Trong 2 bệnh này, bổ sung sinh tố B1 và C giải quyết được vấn đề.
– Khi mua, nên đọc kỹ nhãn sản phẩm trong đó có ghi rõ thành phần các sinh tố với liều lượng, cách dùng.
– Và luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi định dùng thêm sinh tố, dược thảo.
Còn về sữa tươi thì như sau.
Trong sữa tươi có đường lactose. Để được cơ thể hấp thụ, đường này cần một loại men tiêu hóa gọi là Lactase chuyển hóa, nếu không, người tiêu thụ sẽ bị tiêu chảy. Đa số người Á đông mình thiếu men lactase này, cho nên khi uống sữa tươi là tiêu chảy. Vì thế có loại men Lactase mà con bà mua cho bà dùng. Ngoài ra, grocery cũng có bán loại sữa gọi là Lactose free, mà bà có thể mua về uống.
Tăm xỉa răng
Bác sĩ cho tôi biết, xỉa răng bằng tăm có an toàn không? Ninh.
Đáp
Theo một số nha sĩ thì dùng tăm để loại bỏ thực phẩm còn dính trên răng cũng được. Tuy nhiên nên cẩn thận vì tăm bằng cây cứng có thể gây tổn thương cho lợi hoặc đẩy thực phẩm sâu vào chân răng, đưa tới nhiễm trùng và đau. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại tăm bằng plastic hoặc gỗ mềm, với mục đích giảm tổn thương cho lợi. Đa số nha sĩ khuyên nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng, nhất là ở khe răng, nơi mà thức ăn thường kẹt lại nhiều hơn cả. Khi tăm được dùng vào công việc khác như để ăn món ăn chơi hors d’ oeuvres như trái cây, fromage hoặc xăm trên trái olive trong ly rượu Martini, lại càng cẩn thận hơn nữa, vì cơ quan FDA Hoa Kỳ cho hay hàng năm có cả gần 10,000 trường hợp tai nạn do tăm mà ra như là nuốt tăm…
Nắng và thuốc
Tôi nghe nói một vài dược phẩm có thể gây nguy hiểm cho da khi đi ra ngoài nắng, bác sĩ thấy có đúng không và đó là thuốc gì? Thành Lê-Houston
Đáp
Đúng vậy đấy thưa ông Lê, vì thế các bác sĩ đều nhắc nhở bệnh nhân cần cẩn thận khi đi ra ngoài nắng để tránh cháy da hoặc ung thư da. Tia nắng mặt trời có 2 loại sóng là UVB và UVA mà khi rọi vào da có thể gây ra dị ứng. Nhạy cảm với tia nắng có thể là:
– Tại chỗ, nơi mà tia nắng rọi vào với da đỏ ngứa, xuất hiện trong vòng vài phút tới 24 giờ sau khi tiếp xúc.
– Toàn thân sau khi tiếp xúc với tia nắng vài ba giờ.
Khi dùng dược phẩm mà phơi nắng thì thuốc sẽ hấp thụ tia nắng, đưa vào tế bào gây tổn thương cho da như là bị viêm đỏ, ngứa và sưng.
Một số thuốc thường gây ra phản ứng này là:
– Kháng sinh có Doxycycline, tetracycline, ciprofloxacin, ofloxacin, levofloxacin, trimethoprim
– Thuốc chống trầm cảm như doxepin (Sinequan); St. John’ s wort
– Thuốc chống dị ứng như promethazine, diphenhydramine
– Thuốc sát trùng Benzoyl peroxide
– Thuốc chống đau không có steroid như ibuprofen, naproxen, celecoxib, piroxicam
– Thuốc lợi tiểu như urosemide, hydrolorothiazide
– Thuốc hạ huyết áp như Aldactazide, Capozide, Cardizem, diltiazem
– Thuốc hạ Cholesterol simvastatin, atorvastatin, lovastatin
– Thuốc chữa mụn cá Retinoids: Isotretinoin, acitretin
– Thuốc hạ đường huyết như glipizide, glyburide
Neuroleptic drugs: Chlorpromazine, fluphenazine, perphenazine, thioridazine, thiothixene
– Thuốc chữa bệnh do nấm griseofulvin
– Các loại thuốc nhóm Sulfonamides như sulfadiazine, sulfamethoxazole, sulfasalazine, sulfisoxazole.
Vì cần phải dùng thuốc chữa bệnh và cũng có nhu cầu ra ngoài trời, nếu đã bị phản ứng thì áp dụng bảo vệ như:
– Mang ô khi ra nắng.
– Mặc quần áo rộng che kín cơ thể.
– Thoa kem chống rám nắng với độ bảo vệ SPF có độ cao ít nhất là 30.
Để giảm khó chịu trên da, có thể chườm nước đá lạnh hoặc thoa kem có chất diphenidramine.
Trong trường hợp da ngứa lan rộng, ông nên đi khám bác sĩ.
Và nhớ hỏi bác sĩ về các thuốc mình đang dùng, có thuốc nào nhạy cảm với tia nắng mặt trời.
Chúc ông mọi sự bình an.
NYD