Menu Close

Quán cà phê Les Deux Magots

Quán cà phê Les Deux Magots tọa lạc ở khu Saint-Germain des Prés thuộc quận 6 của Paris. Nó nổi tiếng là ‘quán cà  phê văn chương’ vì đã chủ trì một giải thưởng văn học lớn mang thương hiệu của mình, suốt 70 năm qua bất chấp đổi thay thể chế, đã ân cần giới thiệu và làm nổi danh không ít văn tài đích thực. Nhưng trước tiên nó nổi tiếng vì từng là nơi lui tới thường xuyên, thậm chí là nơi ăn dầm ở dề, của nhiều tên tuổi chói lọi trong làng văn thế giới qua ba thế kỷ.

Từ những tên tuổi lừng lẫy thuở Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Miếng da lừa, Mai nương Lệ cốt… đến các danh gia nức tiếng như cồn thế kỷ 20 tại Pháp như André Gide, Francois Mauriac, Apollinaire, Aragon, Jean-Paul Sartre… cùng không ít văn nhân, nghệ sĩ nước ngoài nổi bật như các văn hào Hemingway, James Royce và tài tử màn bạc Mỹ Marlène Dietrich, nhà viết tiểu thuyết Alberto Moravio cùng ngôi sao điện ảnh Ý Greta Garbo, danh họa gốc Tây Ban Nha Pablo Picasso với nhà viết kịch Đức Bertolt Brecht…; các tên tuổi ấy từng lui tới quán cà phê chẳng phải quá sang trọng Les deux Magots này.

 

 

alt

 
Quán cà phê Les Deux Magots

 

Quá trình ra đời cái giải văn chương này khá độc đáo. Năm 1933, nhà văn trẻ André Malraux bất ngờ được Hội đồng chấm giải của Viện Văn học Goncourt chính thức trao giải cho cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của ông viết về một đề tài thời sự: “Thân phận con người” (Les Conditions humains).

Hơn một chục tác gia đang dùng điểm tâm và nhâm nhi cốc cà phê tại Les deux Magots sáng hôm ấy đọc được tin trên các tờ báo lớn hình như chẳng mấy ai đồng tình với quyết định của Viện Goncourt. Một người nào đó lớn tiếng: “Tại sao chúng ta không lập ra cái giải thưởng văn học riêng của mình nhỉ? Để chúng ta chọn, chúng ta trao. Chỉ cần mỗi người trong số anh em đang có mặt tại đây hôm nay bỏ ra 100 francs là đủ để làm món tiền thưởng cho sự lựa chọn chắc chắn là đúng đắn, ít ra cũng đúng hơn sự lựa chọn của các vị đạo mạo trong Viện Goncourt…”

Nói là làm. Máu nghệ sĩ mà. Và ngay trong buổi sáng hôm ấy, Giải thưởng văn học Les deux Magots hình thành. Số tiền góp lại chẳng đáng bao nhiêu. Bù lại, không có sự “bảo hành” nào có hiệu lực hơn cho tương lai của nó: các nhà đề xướng và tổ chức giải thưởng mới đều là những tên tuổi thời danh.

Nhà văn trẻ được giải Les deux Magots đầu tiên (năm 1933) tên là Raymond Quéneau, năm ấy mới 30 tuổi. Cuốn tiểu thuyết được giải có tên Le Chiendent (Cỏ gà). Với thời gian, cây bút trẻ trở thành nhà viết tiểu thuyết, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa dày dặn, và điều làm không ít người bất ngờ là chính ông rồi sẽ được bầu làm thành viên Viện hàn lâm văn học Goncourt, hằng năm trao giải cho nhiều tác gia trẻ.

Ông chủ nhà hàng Les deux Magots lập tức chộp lấy cơ hội ngàn vàng. Ông đề nghị, từ nay trở đi xin giao cho nhà hàng của ông lo liệu mọi phí tổn, từ món tiền thưởng lớn hơn dự kiến nhiều lần đến việc phục vụ Hội đồng giám khảo chọn lựa tác phẩm, cũng như bữa tiệc lớn không thể thiếu chiêu đãi tác gia được giải với sự có mặt của nhiều văn nhân, nghệ sĩ, nhà báo và gương mặt văn hóa của thủ đô. Nhà hàng cậy nhờ các danh gia dùng tài năng và danh vọng lớn của mình chủ trì cho việc lựa chọn tác phẩm xứng đáng để trao giải hằng năm, từ nay sẽ mang tên Giải thưởng văn học Les deux Magots.

Noi gương thành công, và trước hết nhằm cạnh tranh với cà phê Les deux Magots, một số nhà hàng khác lần lượt tung ra các giải văn chương, nghệ thuật của mình. Bắt đầu từ Hàng giải khát mang tên Lipp nằm đối diện ở phía bên kia đường như chiếu tướng Les Deux Magots, đến cái Trại hoa tử đinh hương có lịch sử dài lâu tọa lạc đầu đại lộ Montparnasse, rồi Hiệu cà phê không mấy kém Magots tên là Flore (Thực vật)… Toàn những thương hiệu quen thuộc của giới văn hóa và sành ẩm thực Paris.

DH & BH
Theo Một Góc Phố & các webties khác