Florida là một bán đảo được bao bọc bởi hàng ngàn dặm bờ biển. Nếu du khách đến viếng thăm tiểu bang này thì có thể vì một trong hai lý do chính: Disney World hoặc tắm biển.
Sự phổ biến của máy ảnh số (Digital) cũng giúp cho những người đi biển nhiều cơ hội để ghi lại những vẻ đẹp thiên nhiên, ánh sáng và màu sắc thú vị ở các bãi biển. Ngược lại cũng có những thử thách làm cho người chụp ảnh ở biển phải quan tâm.
Sau đây là 10 bí quyết để “thủ sẵn” khi đi biển với máy ảnh số của bạn:
1. Tìm trọng tâm của chủ đề.
Một người bạn thời thanh niên của tôi đã từng nói anh ta không màng xách máy ảnh ra biển vì tất cả hình chụp ở bãi biển đều như nhau. Tôi nghĩ, đó chỉ vì anh ta chưa tận dụng “cái nhìn” hoặc con mắt nghệ thuật của mình mà thôi. Thí dụ, trong khi rất nhiều người chỉ chụp góc cạnh từ bờ ra biển, còn tôi thì lội vài bước ra ngoài sóng rồi chụp vô trong bờ, và nhìn vào ống kính để thấy những góc cạnh lạ. Một trở ngại chung khi chụp cảnh ở bờ biển, mặc dù có cảnh đẹp, nhưng thật sự không có một điểm trung tâm để gây chú ý cho người xem. Có thể đó là một đường ngoằn ngoèo trên cát, những dấu chân đi đều, nước sóng đập vỡ lên tảng đá, chòi cao của chuyên viên cấp cứu, v.v… Bạn cũng có thể tìm những vật nhỏ để nhắc lại kỷ niệm của một ngày đi tắm biển: chiếc giày nằm ở mé nước, lâu đài cát của mấy nhóc, kiếng mát, kem thoa nắng… Đôi khi bạn sẽ tự ngạc nhiên với kết quả chụp ảnh của mình khi nhìn lại cuốn album đi biển.
2. Đi sớm về trễ.
Đầu ngày và cuối ngày thường là những cơ hội để có hình tốt nhất ở biển. Tất nhiên sẽ có ít người trên bãi biển vào những giờ này. Nhưng đó là khoảng thời gian mà ánh sáng mặt trời sẽ chiếu xuống ở góc độ mà bạn sẽ có những màu sắc và bóng tối đầy thú vị – nhất là vào buổi chiều khi ánh sáng trở nên khá ấm và vàng cam.
3. Lưu ý đường chân trời.
Một trong những lỗi chung của những người chụp ảnh ở biển là hiện tượng “mặt biển lên dốc”. Hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với những tay ảnh mới biết chụp, mà ngay cả những professional mà chúng tôi đã từng quan sát. Một tấm ảnh dù có người mẫu đẹp cách mấy mà đường chân trời bị xéo thì… rất ư là… chướng mắt. Bạn có thể dùng những đường grid (đường thẳng) trong máy ảnh để nhắm cho song song với đường chân trời.
4. Ra biển khi ít ai đi.
Thêm một vấn đề về thời gian là hầu như mọi người đều tránh ra biển khi biển động hoặc trời có mưa, nhưng những lúc này mới là lúc biển thật sự sống dậy. Sóng lớn, mây đen đe dọa, và gió mạnh đều là những yếu tố cho những cú shot gây ấn tượng.
5. Che dù.
Trong một ngày nắng ngay giữa mùa Hè, ánh sáng có thể rất gay gắt và làm cho tất cả cảnh vật bị “cháy sáng”, đối tượng bị chói mắt và không được tự nhiên với nét mặt. Để tránh trở ngại này, người được chụp có thể đeo kiếng mát, hoặc nhờ người thứ ba cầm dù cho bớt chói.
6. Dùng hệ đo chấm.
Nếu máy ảnh của bạn khá “tối tân” (DSLR) và có chế độ Spot Metering thì bạn có thể dùng nó để chế ngự một phần những vấn đề khó khăn nói trên.
NAG Andy Nguyễn đang “săn ảnh” tại biển. Chú ý: ảnh đã được chụp từ bên ngoài chụp vô bờ để cho thấy hàng dù và ghế cùng những tòa khách sạn cao tầng ven biển. Photo: Bảo Huân
7. Trắng đen.
Với những ảnh chụp ở biển (hoặc những nơi khác), bạn có thể thí nghiệm với kỹ thuật “tẩy màu”. Cách dễ nhất là khi chụp, bạn cứ chọn sẵn chế độ chụp Trắng Đen (nếu máy bạn có đặc điểm này), ảnh chụp ra sẽ tự động thành Trắng Đen. Cách thứ nhì là vẫn chụp ảnh màu bình thường, rồi dùng computer bạn có thể “lột” hết những dữ kiện màu sắc, và chỉ để lại phần đen, trắng, hoặc xám. Ánh sáng ở biển, khi được nhìn qua góc cạnh Trắng Đen, cũng có thể làm cho ảnh thêm phần hấp dẫn.
8. Kính lọc tia cực tím.
Trước tiên, UV (UltraViolet) Filter có tác dụng là để che chở và bảo vệ cho mặt trước của ống kính. Thứ nhì, nó có tác dụng lọc được ánh sáng với tần số cực tím. Điều này có thể giảm bớt độ mờ trong tầng khí quyển. Ảnh hưởng này ít được thấy rõ bằng mắt, nhưng theo nguyên tắc, chúng ta nên mua filter này đầu tiên mỗi khi mua một ống kính mới.
Để lấy được góc cạnh của Hình 2, Bảo Huân đã phải chịu “hy sinh” đứng gần các cô gái mặc bikini
9. Kính lọc bóng phản chiếu.
Một trong những “bửu bối” lợi hại nhất trong túi đồ nghề chụp ảnh là cái Polarizing Filter. Để khỏi phải phân tích quá sâu về phần kỹ thuật, kính lọc này làm giảm bớt bóng phản chiếu và làm tăng độ tương phản, nói chung làm cho hình rõ và sạch hơn. Chỗ thường có ảnh hưởng nhiều nhất là bầu trời xanh (kính lọc này sẽ làm thành gần như xanh đậm và khá phong phú).
10. Dùng đèn đệm. Nếu bạn muốn chụp người ở bãi biển trong lúc trời đang có nắng gắt, bạn sẽ thấy họ có bóng đen trên mặt (thường gây ra bởi nón, kiếng mát, sống mũi…). Mở đèn Flash lên khi chụp ảnh trong trường hợp này và bạn sẽ thấy những bóng đó bị loại đi và mặt của đối tượng sẽ được phơi đúng độ sáng. Nếu chụp ngược ánh sáng mặt trời (con-soleil) thì bạn sẽ càng phải lệ thuộc vào kỹ thuật Fill Flash này.
Thay vì cắt ra trang Góc Nhiếp Ảnh của báo Trẻ và đem theo ra biển để được “nhắc nhở”, bạn có thể thí nghiệm những bí quyết này trong đời thường, đến dịp kế tiếp bạn đi biển thì sẽ khá thành thạo và có “hàng” để khoe với GNA.
Một trò tiêu khiển dưới nước. Andy đã dùng Fill Flash để làm sáng những bóng đen phía sau cổ và cánh tay của chàng thanh niên trong hình. (xem đồ nghề trong Hình 2)
AN – Jun ‘13
trang nhà: www.wildwingsphotography.com
Facebook: www.facebook.com/BetterBirdPhotos