Mới đây Đức Giáo hoàng Francis đã tuyên bố một chuyện làm xôn xao dư luận thế giới. Xưa nay, Thiên Chúa giáo nói riêng và các giáo phái tôn thờ Thượng đế nói chung đều có cùng quan niệm rằng điều kiện tiên quyết để được lên thiên đàng là phải tin vào sự hiện hữu của Ngài. Vậy mà trong tuyên bố của mình, Đức Giáo hoàng đã khẳng định nếu luôn ở hiền và làm việc thiện, dù vô thần đi nữa, vẫn được lên thiên đàng!

Không biết những người vô thần nghe vậy có lấy làm sung sướng? Dĩ nhiên, nếu sung sướng, không phải vì họ mừng sẽ (có cơ hội) được… lên thiên đàng! Nếu mừng như thế thì còn gì là… vô thần? Có lẽ họ chỉ vui vì cảm nhận được lòng bác ái của Đức Giáo hoàng. Ngược lại, cũng có những người hữu thần không vui, theo như tờ báo The Independent ở bên Anh đã đăng tin. Đức ông Thomas Rosica, phát ngôn nhân của Tòa thánh Vatican, đã gián tiếp phản đối Đức Giáo hoàng mà nói rằng những ai không chịu theo Thiên Chúa giáo đều không nhận được sự cứu rỗi của Chúa Jesus (để lên thiên đàng). Nói khác đi, họ phải xuống địa ngục (vì không còn nơi nào khác để đi sau khi chết).
Thực tế mà nói, không ai có thể biết chắc chắn về số phận những người vô thần sau khi từ giã cõi trần. Cũng không ai biết chắc chắn mình sẽ muốn đi ngã nào, thiên đàng hay địa ngục, nếu được chọn lựa! Đơn giản vì, tâm lý chung mọi người dù vô thần hoặc hữu thần, ai cũng muốn đến nơi họ được hạnh phúc nhất, hay ít ra là kém đau khổ nhất. Cho dù, theo lý thuyết, thiên đàng là nơi hạnh phúc nhất và địa ngục là nơi đau khổ nhất. Ngoại trừ một số người sống ích kỷ, ai cũng quan tâm đến người khác, ít nhất là cha mẹ của mình. Nói khác đi, hạnh phúc của mỗi người còn phụ thuộc vào hạnh phúc của những người khác mà họ quan tâm yêu mến. Giả sử, một người con có hiếu, chết đi, lên thiên đàng tìm hoài không thấy cha mẹ mình đâu thì có thể hạnh phúc được không? Nhiều người bị lạc con cái trên đường vượt biển, dù được định cư ở Mỹ vẫn đau khổ qua Thái Lan tìm cho ra tông tích con mình. Huống chi là giữa thiên đàng với địa ngục? Dù ở bất cứ nơi đâu, nếu biết rằng cha mẹ mình đang bị đọa đày dưới địa ngục thì mấy ai có thể hạnh phúc? Ngược lại, cho dù đang ở dưới địa ngục mà biết được cha mẹ mình sống trên thiên đàng thì có lẽ sự đau khổ ít ra cũng được nguôi ngoai. Liệu Thượng đế sẽ từ chối nếu một người đang ở thiên đàng xin đổi chỗ cho cha mẹ mình đang ở dưới địa ngục? Nếu ở thiên đàng ai cũng sống chỉ biết có mình, không cần biết đến hạnh phúc người khác thì liệu nơi ấy có thực sự là thiên đàng không? Thành ra, khái niệm về thiên đàng hay địa ngục đều mang tính tương đối.
Như thế, lời tuyên bố của Đức giáo hoàng là… chuyện không đâu? Không, hoàn toàn không! Ngược lại, thông điệp của ngài mang một ý nghĩa rất lớn. Nó thật sự không liên quan đến tôn giáo, hay những gì sau khi chết. Nó chỉ nhắc nhở chúng ta một điều cần thiết: sống như thế nào! Người ta sống, ai cũng có mục đích; dù sống chỉ để mà… sống. Khó có thể nói người nào sống tốt hơn người nào nếu chỉ dựa vào mục đích sống của họ. Sống như thế nào để đạt được mục đích ấy mới là quan trọng. Như những người Cộng sản, lý tưởng của họ thật cao cả, nhưng con đường họ đi quá… rùng rợn! Chẳng phải vì họ vô thần mà vì họ không có trái tim. Như những kẻ Taliban, không ai hữu thần hơn họ, cũng từng biến đất nước Afghanistan thành địa ngục trần gian. Thành ra, hữu thần hay vô thần không phải là chuyện quan trọng. Điều cốt yếu là sự nhân ái. Lòng thương người này nên phát xuất từ chính trái tim mình. Không phải vì nghe lời ai đấy (sai bảo) hay vì lợi lộc. Nói khác đi, thương người vì… thương người. Thế thôi! Như hàm ý của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc Để Gió Cuốn Đi:
Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
…